Văn học - Nghệ thuật

Phong tục làm bánh tết thời xưa

Phan Thị Chính 26/01/2025 21:14

Sau ngày quê hương được giải phóng, đời sống kinh tế của Nhân dân còn rất khó khăn. Ở các vùng nông thôn của các tỉnh, ngoài làm nông là chủ yếu, một số gia đình còn phải làm thêm một số nghề phụ thủ công như làm hương, làm bánh hoặc buôn bán hàng gánh. Gần đến tết thường rất bận rộn. Rồi phải lo giặm lúa, làm cỏ, bón phân đậu phụng, khoai lang,… cốt sao côngviệc đồng áng phải đâu vào đấy, để dành thời gian còn lại lo cho tết trong nhà. Cái cảm giác “ngày hết tết đến” cứ là nỗi lo ngay ngáy trong lòng. Nhưng dù có bận rộn đến mấy, khoảng trước mươi ngày, bà con vẫn dành thời gian cho việc làm các loại bánh tết.

Bởi theo truyền thống, tết đến trong nhà phải có các loại bánh tết để cúng tổ tiên, ông bà, đi làm tuổi nội ngoại và để dành cho con cái đoàn viên sum họp nhâm nhi, thưởng thức trong dịp tết. Nhưng muốn làm các loại bánh tết khô thì phải qua một số công đoạn. Tùy mỗi loại bánh, mà rang nổ, rang nếp, rang đậu hoặc xay bột ngũ cốc. Việc rang đậu xanh, rang nếp thì mỗi nhà tự làm được. Còn nếu rang nổ hoặc xay bột thì phải tốn thời gian hơn. Bởi cả huyện chỉ có vài điểm rang nổ thủ công và vài cái máy xay bột làm bánh khô. Có người đi bộ hoặc đi xe đạp phải vượt qua chừng 5 km mới tới được chỗ để rang hoặc xay các loại đó.

2025_banhtet.jpg
Ảnh: Nguồn Intertnet

Khoảng gần tết, mới sáng sớm tại điểm rang, xay đã thấy để kín các bịch nếp, lớn có, nhỏ có. Có khi phải đi từ sáng sớm, qua trưa, bụng đói cồn cào mà cũng chưa tới lượt rang hay xay cho mình. Mỗi lần đi rang nổ, để có được bao nếp đã bung thành nổ, trắng tinh, thơm lừng có khi phải đợi qua buổi chiều. Tương tự, muốn có bột nếp để làm bánh tổ, bánh in, bánh ít, bánh lăn ( bánh da)…thì cũng phải trải qua cảm giác chờ đợi không khác. Máy xay vận hành suốt cả ngày nhưng vẫn không thể giải quyết kịp, bởi nhà nào cũng đi xay bột về làm các loại bánh trong cùng thời điểm cận kề tết. Bởi ai cũng muốn làm sát tết để bánh được mới mẻ, thơm ngon và bảo quản được lâu hơn. Một điều đáng nhớ, chỉ cần rang được nổ, xay được bột rồi thì bao nỗi chờ đợi, mệt nhọc trước đó sẽ tan biến ngay. Còn lại là niềm vui và háo hức cho khâu làm nên các loại bánh để có các phẩm vật dâng mừng tết đến xuân về.

Trong xóm, bà con thường rủ nhau cùng đi rang nếp, xay bột, rồi nhà ai cũng làm, tạo nên một không khí làm bánh tết rộn ràng, phấn khởi. Các công cụ như soong nồi, chảo, khuôn bánh các loại là chuyền cho nhau, mượn qua mượn lại để làm. Vì chẳng nhà ai có đầy đủ các thứ. Nhà nào làm trước sẽ được các nhà khác qua xem để rút kinh nghiệm, nào là cách thắng đường, nhào bột, in bánh hoặc đổ bánh; rồi xem thành phẩm các loại bánh có đẹp không, độ dẻo hay cứng, trắng hay pha vàng, mùi vị quyến rũ hay không…Có người làm xong cho nhà mình rồi thì qua làm giúp cho nhà hàng xóm. Cứ như thế, bà con truyền cho nhau bí quyết, kinh nghiệm, cách làm các loại bánh tết cho ngon nhất, đẹp nhất. Tình làng nghĩa xóm từ đó càng trở nên thân thiện, đoàn kết, gắn bó hơn. Với quan niệm, “No ba ngày tết ”, dù có thiếu thốn đến mấy thì bà con vẫn dành dụm lại ít gạo, nếp, đậu, mè để lo cho tết. Có thể quanh năm túng thiếu, nhưng nhất định 3 ngày tết phải no đủ. Bàn thờ tổ tiên ông bà ngày tết không thể thiếu các loại bánh trái. Trong nhà thơm nức hương vị tết, từ thịt heo, dưa hành; bánh tét, bánh chưng hòa quyện với mùi thơm ngọt ngào quyến rũ của các loại bánh mứt, như mứt dừa, mứt gừng, mức đu đủ; bánh in, bánh nổ, bánh tổ, bánh lăn,… Đặc biệt, cùng với mâm cơm tất niên ngày 30 tết, các loại bánh tết đã đem đến một phong vị tết quê đặc trưng không lẫn vào đâu được, đã nhân lên niềm vui sum vầy ấm áp, hạnh phúc trong mỗi gia đình Việt Nam.

Hằng năm, cứ vào những ngày giáp tết, không khí chuẩn bị đón tết lại tất bật, rộn ràng trên khắp các nẻo đường từ quê đến phố. Nhờ khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, nhiều cơ sở làm bánh chuyên nghiệp đã sáng tạo chế biến, sản xuất nhiều loại bánh khô mẫu mã phong phú được bày bán nhiều trên thị trường, rất tiện lợi cho người dùng. Người dân tha hồ mua sắm tết; mua bánh về để thờ cúng tổ tiên, ông bà và đón tết. Nhưng tại một số gia đình, làng quê, để lưu giữ một nét đẹp văn hóa, một phong tục truyền thống quê hương, họ vẫn duy trì và truyền dạy cho con cháu cách làm bánh tết từ những nguyên liệu nông sản sẵn có do chính bàn tay họ làm ra. Có lẽ, với những ai đã từng một thời làm hoặc chứng kiến cảnh làm bánh tết năm xưa thì giờ đây trong họ sẽ đầy ắp những hồi ức khó quên rất đỗi ngọt ngào. Khi cuộc sống ngày càng thay đổi phát triển thì việc gìn giữ, lưu truyền những phong tục văn hóa truyền thống của làng quê như phong tục làm bánh tết vẫn hết sức cần thiết.

Phan Thị Chính