Kinh tế

Thăng Bình triển khai Chương trình OCOP năm 2025

Minh Tân 13/02/2025 17:04

UBND huyện Thăng Bình vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2025.

2025_trienkhaiocop.jpg
Rượu nếp 7 Vương (hộ kinh doanh Trương Minh Vương) được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2024.

Theo đó, huyện sẽ hỗ trợ phát triển/nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận, phấn đấu trong năm 2025 có ít nhất 80% số sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; Trong đó có từ 1 đến 2 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Hỗ trợ củng cố, nâng cấp/thành lập mới ít nhất 03 tổ chức kinh tế (Doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX) tham gia OCOP. Phấn đấu 100% chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo đúng quy định về an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác, đóng gói được nâng cấp đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất, lưu thông cũng như truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ngoài ra, huyện sẽ nâng cấp các điểm bán hàng OCOP cấp huyện. Năm 2025 hỗ trợ phát triển 01 điểm bán hàng, tiêu thụ sản phẩm có hợp đồng liên kết để tiêu thụ sản phẩm (ngoài sản phẩm OCOP của địa phương, kết nối sản phẩm OCOP của các địa phương khác trong tỉnh, kể cả ngoài tỉnh). Phấn đấu các sản phẩm sau 01 năm được công nhận OCOP hạng 3 sao trở lên tăng doanh thu và lợi nhuận lên ít nhất 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP. Tham gia các Hội chợ, trưng bày sản phẩm chuyên đề về sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng của huyện, của tỉnh; tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, tổ chức tuyên dương khen thưởng cho các đơn vị, tập thể, cá nhân thực hiện tốt Chương trình, triển khai nhiệm trong thời gian đến.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, huyện Thăng Bình tiếp tục tuyên truyền về Chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên Website của huyện về sự cần thiết của Chương trình OCOP; tiêu chuẩn sản phẩm OCOP; Bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP theo Quyết định số 148 ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ… để mọi người hiểu được mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của chương trình OCOP.

Cạnh đó, ưu tiên những sản phẩm sử dụng nguyên liệu địa phương, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, kiểm soát được quy trình sản xuất; sử dụng lao động địa phương, đảm bảo gia tăng giá trị, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đặc biệt, quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, Organic, GMP, HACCP, ISO.... Hạn chế tối đa sản phẩm tươi sống, sản phẩm thô chưa qua sơ chế biến, sản phẩm trùng lắp (nhiều chủ thể đăng ký một loại sản phẩm, nhưng chất lượng, mẫu mã bao bì thiếu cải tiến). Sản phẩm đăng ký cần phải đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, tránh trường hợp sau khi đăng ký, được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không triển khai thực hiện .

Tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết chuỗi; hợp tác, liên kết từ khâu sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ nông sản để gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn cho sản phẩm; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác đúng quy định; xây dựng câu chuyện sản phẩm đặc sắc để dễ tiếp cận và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng; các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên đều phải có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nhãn hàng hoá đúng quy định.

Huyện Thăng Bình xác định Chương trình OCOP là Chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là chương trình thành phần quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Chương trình giúp xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Các địa phương cần ưu tiên đưa nội dung OCOP vào Chương trình công tác trọng tâm năm 2025 của đơn vị để chủ động thực hiện phát huy hiệu quả của Chương trình và phát triển sản phẩm OCOP nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả. Đồng thời thông qua việc phát triển sản xuất tại địa bàn khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; hạn chế nông dân di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ, phát triển xã hội khu vực nông thôn bền vững.

Được biết, đến nay huyện Thăng Bình có 32 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 3 sản phẩm 4 sao và 29 sản phẩm 3 sao.

Minh Tân