Sáng mãi ngọn lửa quật khởi cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được
Phát huy tinh thần quật khởi của cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được 70 năm trước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thăng Bình luôn đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Thăng Bình là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, có bề dày về văn hóa và lịch sử chống ngoại xâm. Trải qua các thời kỳ lịch sử, nhân dân Thăng Bình không chịu khuất phục trước mọi sự áp bức, đè nén của kẻ thù, đã anh dũng đứng lên đấu tranh để giành lại độc lập tự do, đem lại ấm no, hạnh phúc cho dân tộc, giành quyền làm chủ cho nhân dân.
Cách đây tròn 70 năm, tại Hà Lam- Chợ Được, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, nhạy bén của của Tỉnh uỷ Quảng Nam, Huyện uỷ Thăng Bình, các chi bộ địa phương, nhân dân Thăng Bình đã đoàn kết, anh dũng, kiên cường, đấu tranh quyết liệt, chống lại những hành động ngang ngược, man rợ của chế độ thực dân Pháp, làm nên thắng lợi cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được (04/9/1954 - 04/9/2024); đây là cuộc đấu tranh trực diện đầu tiên của Nhân dân huyện Thăng Bình và tỉnh Quảng Nam sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, là cuộc thử lửa đầu tiên thổi bùng ngọn lửa yêu nước, đã thôi thúc, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam vùng lên chống lại bọn thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai, đã tác động mạnh mẽ đến phong trào đấu tranh cách mạng của quân và dân ta trong toàn khu vực và cả miền Nam, tạo nên khí thế rực lửa trong phong trào đấu tranh cách mạng; góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang trong lịch sử dân tộc.
Sau Hiệp định Giơnevơ 1954 được ký kết, được sự hậu thuẩn của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp vẫn tiếp tục tạo sự ảnh hưởng của mình ở miền Nam Việt Nam. Nhằm buộc Pháp và các nước đồng minh thực thi nghiêm túc những điều khoản đã ký kết trong Hiệp định, các cuộc đấu tranh của nhân dân liên tiếp nổ ra ở khắp nơi. Thế nhưng, bọn chúng lại cố tình tỏ ra như chưa từng có Hiệp định đó, không thực hiện các điều khoản trong Hiệp định. Trái lại, bọn chúng vẫn ngang nhiên đàn áp, khủng bố dã man và tắm các đấu tranh của nhân dân trong bể máu bằng các cuộc thảm sát.
Thăng Bình bấy giờ là địa phương có vị trí chiến lược về quân sự, kinh tế và văn hóa vô cùng quan trọng, là hậu cứ của các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn; là vùng tự do trong 9 năm kháng chiến. Do đó, khi quân đội Liên hiệp Pháp tiếp quản Thăng Bình vào đầu tháng 9/1954, chúng đem quân chiếm đóng ở Hà Lam, Kế Xuyên, Tuần Dưỡng. Mở màng cho Cuộc đấu tranh là vào sáng ngày 04/9/1954, khi Mỹ- Diệm điều Đại đội 4, Tiểu đoàn bảo an 116 Liên hiệp Pháp từ Chợ Được, chúng dẫn một trung đội lính đến Bàu Bàng (xã Bình Phục- huyện Thăng Bình), ngang nhiên chặt phá cây cối, ruộng vườn của nhân dân. Bọn lính ngang nhiên chặt cây của nhân dân mà không cần sự đồng ý của họ. Nhân dân phản đối đòi bồi thường, bọn chúng không những không chấp nhận bồi thường thiệt hại mà còn ngông cuồng và ngang ngược, hung hăng ra lệnh nổ súng. Hàng loạt người gục ngã trước mũi súng của bọn lính đánh thuê Liên hiệp Pháp. Chưa dừng lại ở đó, như thú dữ say mồi, bọn chúng tiếp tục ném lựu đạn, bắn đuổi theo những người sống sót, chúng gây ra những tội ác man rợ.
Trước cái chết đầy thương tâm của đồng bào, làn sóng đấu tranh ở Thăng Bình nói riêng và nhân dân toàn tỉnh nói chung phút chốc sôi sục dâng cao. Phẫn nộ trước tội ác của kẻ thù, nhân dân khiêng những người chết và bị thương đuổi theo bọn địch xuống đồn để đấu tranh. Không khuất phục trước bạo lực của của kẻ thù, máu chảy ruột mềm, bất chấp mọi hiểm nguy, kể cả phải đánh đổi bằng chính mạng sống của mình, đồng bào Hà Lam, Tất viên, Ngọc Sơn, Chợ Được, Phước Châu, Vân Tây, Hưng Mỹ, Trà Đoả và nhân dân các vùng lân cận ở huyện Quế Sơn, Tam Kỳ, Tiên Phước rầm rập kéo về Chợ Đượcngày càng đông hơn và đấu tranh ngày càng quyết liệt hơn. Khí thế hừng hực tranh đấu lan tỏa khắp nẻo đường, nhân dân các xã lân cận kéo đến mỗi lúc một đông, vang động ra khắp các vùng với những tiếng la hét nguyền rủa bọn địch: “Quân khát máu”, “Quân giết người”,… Làn sóng đấu tranh ngày càng sôi sục mạnh mẽ, họ hô vang khẩu hiệu: “Bồi thường cho người bị thiệt hại”, “Phải chặn đứng bàn tay đẫm máu!”, “Đả đảo bọn giết người!”, “Yêu cầu thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ!”… Biết được cuộc đấu tranh của nhân dân Hà Lam - Chợ Được bị đàn áp các chi bộ Đảng: Ngọc Sơn, Tất Viên, Chợ Được… liền phát động quần chúng ào ạt kéo đến Chợ Được để hỗ trợ đấu tranh. Tức nước vỡ bờ, Cuộc đấu tranh từ tự phát trở thành cuộc đấu tranh chính trị do Đảng lãnh đạo. Một cuộc đấu tranh vô cùng dũng cảm giữa một bên là quần chúng nhân dân với hầu hết là người già, phụ nữ, trẻ em trên tay không một tấc sắt đã vây hãm, khống chế và làm thúc thủ hàng trăm tên lính hung ác được trang bị đầy đủ các loại vũ khí với sự yểm trợ của quân xa, máy bay và nhiều đơn vị đồng bọn sẵn sàng trợ chiến.
Lúc này Huyện ủy Thăng Bình đang tổ chức một cuộc họp gần đấy, nắm bắt được tình hình, Đảng bộ đã lãnh đạo cuộc đấu tranh đi đúng hướng, tránh để bị địch khiêu khích, lấy cớ để đàn áp nhân dân ta. Nhưng quá phẫn nỗ về tội ác dã man của địch, nhân dân ta vẫn xông vào, vừa cô lập từng tên lính, vừa tranh thủ vận động binh lính ủng hộ cuộc đấu tranh. Nhiều người đã tước vũ khí, bỏ cát vào nòng súng chất thành đống, cắt dây điện thoại làm cho sự liên lạc của địch bị gián đoạn. Bọn địch cho máy bay ném lựu đạn vào đám đông quần chúng nhân dân đang đấu tranh làm chết thêm 05 người, đồng thời rãi truyền đơn hăm doạ, bắt nhân dân giải tán. Quân địch đóng ở Hà Lam được lệnh của Quận trưởng xuống Chợ Được giải tỏa cho đơn vị đồn trú. Nhưng chưa đến nơi, chúng đã bị nhân dân bao vây đấu tranh. Nhiều chị, nhiều mẹ đã lăn xả ra đường cản xe, buộc chúng phải quay về. Đỉnh cao của cuộc đấu tranh tiếp tục được dâng cao và tính chất của cuộc đấu tranh này không còn là sự đòi bồi thường thiệt hại mà là bằng khẩu hiệu hành động cách mạng rõ ràng “Đã đảo bọn giết người”, “Nợ máu phải trả bằng máu”, “Yêu cầu thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ”. Khiếp sợ trước sự phản kháng của nhân dân, Tiểu đoàn 611 co cụm lại, ôm đầu, bó gối giữa vùng vây của nhân dân, giữa rừng cờ đỏ sao vàng. Đại diện nhân dân đã vạch trần tội ác của binh lính Liên hiệp Pháp vi phạm các điều quy định của Hiệp định Giơ- ne-vơ, và buộc chúng phải ký vào biên bản là đã phạm tội ác giết người, đồng thời lập bản kiến nghị gửi lên Ủy ban quốc tế, bắt chúng phải cung cấp vải, quan tài để khâm liệm và chôn cất tử tế những đồng bào đã bị giết hại.
Có thể nói, cuộc đấu tranh Hà Lam- Chợ Được năm 1954 đã để lại một nỗi đau thương mất mát to lớn nhưng đã đem lại nhiều ý nghĩa lịch sử sâu sắc, thể hiện tinh thần kiên quyết bảo vệ hòa bình đòi thi hành Hiệp định của nhân dân ta; đồng thời minh chứng cho sự thất bại ngay từ đầu của Mỹ Diệm trong thực hiện chủ nghĩa thực dân kiểu mới trên vùng đất Quảng Nam Đà Nẵng anh hùng. Kéo dài trong vòng chưa đầy một tuần, cuộc đấu tranh đã giành thắng lợi hoàn toàn. Trong cuộc đấu tranh này, 43 người dân Thăng Bình đã ngã xuống, 23 người khác bị thương (trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em). Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được của nhân dân Thăng Bình, của nhân dân Quảng Nam là một điển hình tiêu biểu cho phong trào đấu tranh chính trị đầu tiên của nhân dân miền Nam chống lại âm mưu thâm độc của kẻ thù.
Thắng lợi của cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được là chiến thắng của khối đại đoàn kết toàn dân, là sự phát huy truyền thống kiên cường, bất khuất của người dân Quảng Nam nói chung, và Thăng Bình, Hà Lam - Chợ Được nói riêng. Thắng lợi của Cuộc đấu tranh đã làm sáng tỏ vai trò lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam, Huyện ủy Thăng Bình, các chi bộ đảng ở địa phương đã lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời để Cuộc đấu tranh đi đúng hướng và thắng lợi.
Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được thể hiện rõ tinh thần kiên trung, bất khuất của nhân dân Thăng Bình nói riêng và nhân dân Quảng Nam nói chung đã ngã xuống vì độc lập tự do của quê hương, vì lý tưởng cách mạng. Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được còn là chứng tích tố cáo bộ mặt tàn bạo của bọn Mỹ -Diệm đã gây ra cho những người dân vô tội trên quê hương Thăng Bình. Đặc biệt, phong trào đấu tranh Hà Lam- Chợ Được đã đánh dấu một bước ngoặt của cách mạng miền Nam, chuyển từ đấu tranh chính trị bất bạo động lên đấu tranh bạo động, chuyển từ giữ gìn phong trào sang thế tiến công nhằm vào quân thù, góp phần đi đến sự khủng hoảng của chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Đặc biệt, với thắng lợi đã đạt được về mặt chính trị tư tưởng, cuộc đấu tranh đã dấy lên làn sóng đấu tranh chống Mỹ Diệm, và cũng là nguồn cỗ vũ tinh thần lớn lao cho phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, nhất là phong trào cách mạng của nhân dân tỉnh Quảng Nam.
70 năm đã trôi qua, nhưng Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được mãi mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Thăng Bình. Tinh thần bất diệt cũng như những bài học quý giá từ cuộc đấu tranh này vẫn luôn luôn sống động, soi sáng các chặng đường mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Đó là bài học về tiến hành chiến tranh cách mạng, huy động sức mạnh toàn dân, toàn diện và tự lực cánh sinh, tạo thành một sức mạnh tổng hợp đè bẹp mọi thế lực thù địch, chống phá nước ta. Sức mạnh của cuộc đấu tranh bắt nguồn từ tinh thần yêu nước thiết tha nồng nàn, từ khát vọng tự do, lòng căm thù giặc sâu sắc của nhân dân ta, từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc.
Kỷ niệm 70 năm thắng lợi của cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được, là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử vẻ vang, hào hùng các thế hệ cha ông; tri ân và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã đấu tranh, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc; khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Thời gian đến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thăng Bình sẽ tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, tinh thần đoàn kết, sáng tạo; nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bức phá vươn lên; xây dựng Thăng Bình ngày càng phát triển bền vững, giàu đẹp, văn minh.