Du lịch - Di tích

Sáu thập kỷ nhắc mãi Chiến thắng Hà Châu - An Lý

Trung Thực- Giang Biên 30/08/2024 17:18

Cách đây 60 năm, rạng sáng ngày 4 tháng 9 năm 1964, chiến thắng ấp Hà Châu đã góp phần giải phóng hoàn toàn xã Bình Phú. Đánh tan mục tiêu bình định của địch là dồn dân lập ấp. Chiến thắng này đã tạo thế vững chắc, an toàn cho Địa điểm căn cứ Huyện ủy Thăng Bình tại thôn Linh Cang, đồng thời mở ra con đường chiến lược cho bộ đội chủ lực từ Tiên Sơn – Tiên Cẩm – Tiên Hà tiến xuống giải phóng các xã vùng đông của huyện Thăng Bình. Tròn 60 năm “Địa điểm chiến thắng Hà Châu - An Lý” đã được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Người dân xã Bình Phú kể về câu chuyện làm giàu trên mảnh đất quê hương

 

     Ấp chiến lược liên hoàn Hà Châu - An Lý

     Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, từ năm 1955, chính sách “tố cộng, diệt cộng” của Mỹ - Diệm không những không đàn áp được phong trào cách mạng mà còn thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh của các tầng lớp nhân dân miền Nam.

     Tại Bình Phú, cuối năm 1961, địch tiến hành lập ấp chiến lược Phước Hà, sau đó tiếp tục lập ấp chiến lược liên hoàn Hà Châu - An Lý gồm 2 khu, trong đó, khu Hà Châu là nơi giam giữ những gia đình địch cho là cộng sản, còn An Lý là khu tập trung dân thường. Ấp chiến lược liên hoàn Hà Châu - An Lý được địch xây dựng kiên cố, bố trí hẳn một trung đội dân vệ canh gác nghiêm ngặt, kiểm soát gắt gao mọi hoạt động của nhân dân.

Ông Hoạch tham gia trận cách mạng tại quê hương khi ấy chỉ mới 17 tuổi

 

     Trước các thủ đoạn đó, trên cơ sở Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, Huyện ủy Thăng Bình trực tiếp chỉ đạo cách mạng Bình Phú tiếp tục phát triển trên cơ sở, chuyển hướng hoạt động. Lực lượng cách mạng từ thế đấu tranh chính trị, giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công cách mạng bằng cả 2 lực lượng chính trị và quân sự.

     Ông Lê Văn Hoạch năm nay đã 77 tuổi. Ổng kể, năm ông 17 tuổi đã chứng kiến ngọn ngành sự tàn ác của kẻ thù đối với dân làng Bình Phú. Chúng lập khu dồn, gọi là ấp chiến lược kiểu mới của Mỹ, hiện đại lắm, hắn thách cộng sản mà đánh được ấp Hà Châu là nước suối Hà Châu chảy ngược. Gia đình nào cố tình chống cự, bọn chúng cho đốt phá nhà cửa, thóc gạo, bắn giết trâu bò, heo gà. Mặc dù phải dùng đến vũ lực để có thể dồn dân vào các khu dồn nhưng bọn chúng phải mất đến 5 tháng mới ổn định được tình hình ở Bình Phú. Thời kỳ đó, người dân họ tin cách mạng lắm, họ chỉ cho bộ đội sơ đồ trong khu dồn để giải phóng quê hương.

Ông Trần Anh Vũ - Nguyên Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự Thăng Bình giai đoạn 1963 -1964 kể về sự đùm bọc của người dân Bình Phú thời chiến

 

     Đầu năm 1963, đội du kích xã Bình Phú gồm 15 người phối hợp với đội công tác xã tổ chức đánh phá ấp chiến lược Phước Hà, đưa nhân dân trở về làng cũ làm ăn. Bị đánh bật ra khỏi ấp chiến lược Phước Hà, địch rút về cố thủ ở ấp chiến lược Hà Châu. Lúc này, du kích xã Bình Phú phối hợp với bộ đội địa phương của tỉnh và huyện tấn công địch ở Phước Cang, An Lý, đánh bật một tiểu đoàn cộng hòa và đại đội bảo an ra khỏi vùng giải phóng. Sau khi tổ chức đánh phá thành công ấp chiến lược Phước Hà, lực lượng cách mạng Bình Phú càng được phát triển và hoạt động rộng khắp trên địa bàn. Trên đà thắng lợi, ta tiếp tục giải phóng Đồng Linh, Phước Cang, Đức An, tạo vùng căn cứ rộng lớn. 

     Đầu năm 1964, Tỉnh ủy Quảng Nam phát động phong trào quần chúng nổi dậy đấu tranh phá kìm, phá ấp, xây dựng lực lượng cách mạng tại chỗ. Trên cơ sở đó, rạng sáng ngày 4.9.1964, lực lượng du kích xã Bình Phú phối hợp với đội công tác huyện Thăng Bình và bộ đội Tiểu đoàn 70 của tỉnh đánh phá ấp chiến lược Hà Châu bằng 2 mũi tấn công. Mũi thứ nhất, ta đánh thẳng xuống phía bắc ấp Hà Châu từ dọc tuyến đường đồi Đất Đỏ; mũi thứ hai, ta đi bao từ phía đập An Lý đánh thọc ra phía nam ấp Hà Châu. Lúc bấy giờ, địch ở ấp Hà Châu có một đại đội bảo an gồm 80 quân và một trung đội dân vệ. Chỉ trong vòng 40 phút, lực lượng địa phương và Đại đội 1 của Tiểu đoàn 70 đã đánh phá hoàn toàn ấp chiến lược Hà Châu, tiêu diệt gọn đại đội bảo an, bắt sống 4 tù binh, thu 2 khẩu trung liên, 3 khẩu cối 81, 40 khẩu tiểu liên, đưa gần 100 hộ dân trở về làng cũ sinh sống.

     Ông Trần Anh Vũ - Nguyên Chính trị viên Ban chỉ huy quân sự Thăng Bình giai đoạn 1963 -1964 kể, nếu như không có sự đùm bọc, bảo vệ của người dân Bình Phú thì có lẽ những người như ông khó lòng sống sót dưới vòng vây của quân thù. Những gia đình như bà Bùi, bà Tiên họ dành hết cho cách mạng, họ không kể chi hết. Họ chết họ chịu chứ họ không sợ.

     Ông Vũ cho hay, lúc còn khoẻ tôi vẫn hay ghé thăm nơi mình từng chiến đấu, từng được che chở. Chừ mấy người đó họ chết cả rồi, con cái cũng đi làm ăn xa hết. Nhớ lắm, vẫn muốn về thăm quê hương cách mạng Bình Phú.

     Xây dựng quê hương anh hùng

     Qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân Bình Phú đã phối hợp đánh địch 1.300 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 4042 tiên địch.

     Với những thành tích xuất sắc, quân và dân Bình Phú  đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt, ngày 11.6.1999 nhân dân và LLVT nhân dân xã Bình Phú được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu AHLLVTND vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

Bình Phú hiện thu hút doanh nghiệp vào đầu tư giải quyết việc làm cho người dân

 

     Đặc biệt hơn 10 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phú xác định xây dựng NTM là quá trình phấn đấu lâu dài, liên tục và không có điểm dừng. Do đó sau khi đã đạt chuẩn xã NTM vào năm 2017, Bình Phú tiếp tục duy trì bền vững các tiêu chí. Đến năm 2023, Bình Phú là một trong 2 địa phương đầu tiên của huyện Thăng Bình xây dựng và đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. 

     Hiện nay, hạ tầng kinh tế được đầu tư xây dựng, giao thông nông thôn được nhựa hóa và bê tông hóa 43,69 km, bê tông giao thông nội đồng 6,02 km, bê tông hóa kênh mương thủy lợi 34,2 km; điện sinh hoạt được phủ kín trên toàn xã và 100% hộ dùng điện an toàn; xã có chợ để giao thương hàng hóa, có 1 Công ty May mặc giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. 

     Thu nhập bình quân đầu người đạt 56,5 triệu đồng/người/năm; trường học được tầng hóa, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đạt chuẩn và trên chuẩn 100%, chất lượng giáo dục được nâng lên, các trường học trên địa bàn xã đạt chuẩn cơ sở vật chất mức 1 mức 2; cơ sở vật chất văn hóa và y tế luôn được đầu tư, người dân tham gia bảo hiểm y tế trên 98%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,32 %.

Thôn Linh Cang xã Bình Phú hôm nay

 

     Chỉ tính riêng trong năm 2023, tổng giá trị sản xuất ngành kinh tế ước tính đạt 289 tỷ đồng, đạt 106,64% so với kế hoạch năm đã đề ra. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 56 triệu đồng/người/năm.

     Ông Trần Thanh Hải - Chủ tịch UBND xã Bình Phú nhấn mạnh, tròn 60 năm “Địa điểm chiến thắng Hà Châu - An Lý”  nay đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là vinh dự rất lớn, chúng tôi tiếp tục giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân và nhất là đối với học sinh trên địa bàn xã, tiếp tục bảo tồn, bảo quản và phát huy giá trị của di tích lịch sử. Quyết tâm duy trì 19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và tiến đến xây dựng xã NTM kiểu mẫu trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nổi bật
Mới nhất
Sáu thập kỷ nhắc mãi Chiến thắng Hà Châu - An Lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO