Sắp xếp dvhc cấp xã trên huyện Thăng Bình giai đoạn 2023 - 2025

Thăng Bình: Chủ động các phương án khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

T.C 28/11/2023 15:54

Trong giai đoạn 2023-2025, tỉnh Quảng Nam thực hiện sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 14 đơn vị hành chính cấp xã; Tại huyện Thăng Bình, có 3 địa phương phải thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là Bình Định Bắc, Bình Định Nam và xã Bình Chánh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc số lượng cán bộ công chức ( CBCC) và người hoạt động không chuyên trách bị dôi dư khá lớn, với 39 người ( CBCC: 32 người; Người hoạt động không chuyên trách: 7 người) , chưa kể các lực lượng giáo dục, y tế. Đây là số lượng cán bộ, công chức viên chức tương đối lớn trong thực thi các nhiệm vụ tại địa phương. Trước thực tế này, Thăng Bình đã chủ động đưa ra nhiều phương án để thực hiện đảm bảo các quy định từ cấp trên, tạo được sự đồng thuận trong nhân khi thực hiện sáp nhập.

Thăng Bình đang nổ lực thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo đúng lộ trình

 

     Thực hiện các Nghị quyết của UBTV Quốc Hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đối với cấp xã, Bình Chánh là 1 trong 3 địa phương phải thực hiện việc sáp nhập trong giai đoạn 2023- 2025, khi có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% theo quy định. Theo ông Hồ Chí Dũng, Chủ tịch UBND xã, thời gian qua, địa phương đã tích cực tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, hiểu về tầm quan trọng khi thực hiện sáp nhập. Hầu hết đều rất đồng tình với chủ trương này, tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn nhất định trong việc sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư.

     “Đối với cán bộ dôi dư, những đồng chí chuẩn bị nghĩ hữu theo chế độ thì thuận lợi, còn những đồng chí tuổi dỡ dang, đề nghị cấp trên quan tâm, có chế độ chính sách để hỗ trợ, quan tâm tới cán bộ không chuyên trách dôi dư khi sáp nhập trở lại, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động để tạo sự đồng thuận”- ông        Dũng nói.

     Việc sắp xếp các ĐVHC cấp xã tạo điều kiện để phát triển không gian địa giới hành chính kéo theo sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, dịch vụ của toàn huyện; giúp cho công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn phù hợp với tình hình phát triển của địa phương. Phát huy được lợi thế của từng vùng, dẫn đến chất lượng quản lý tốt hơn, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, tăng nguồn lực phát triển. Năng suất lao động cao hơn do phát triển tập trung và chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Cạnh đó, cũng làm giảm chi phí đầu tư vào xây dựng trụ sở, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa hàng năm. Đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho công tác xây dựng quy hoạch các công trình về vệ sinh môi trường như: hệ thống cống, rãnh thoát nước, khu xử lý rác thải, khu nghĩa trang tập trung,… giúp cho công tác quản lý về môi trường cấp xã ngày một tốt hơn. 

     Tuy nhiên, việc sáp nhập, hợp nhất các ĐVHC cấp xã cũng sẽ làm thay đổi nội dung các giấy tờ của các cá nhân, tổ chức trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách có sự xáo trộn trong việc giải quyết công việc theo địa bàn mới, số cán bộ chuyện trách và không chuyên trách cấp xã bị dôi dư sau sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến công việc cũng như đời sống. Ngoài ra,  việc sáp nhập sẽ gây dư thừa một số công trình đã đầu tư xây dựng trước đây, như: trụ sở làm việc, Nhà văn hóa, Trạm y tế,... dẫn đến dễ lãng phí tài sản công.

     Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng cán bộ dôi dư, giúp họ an tâm công tác, và tránh lãng phí trụ sở làm việc tại các địa phương sáp nhập, Thăng Bình đã có những phương án cụ thể. Ông Lê Quang Hạt, Phó Bí thư thường trực huyện uỷ Thăng Bình cho hay: Sau khi có Kết luận 48 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 35 của UBTV Quốc hội, và Chỉ thị số 42 của Tỉnh uỷ Quảng Nam, Ban thường vụ Huyện uỷ Thăng Bình đã ban hành Chỉ thị số 33, về việc tạm dừng việc tuyển dụng Cán bộ công chức đối với các xã trong lộ trình sáp nhập, đồng thời chỉ đạo các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ rà soát, phân loại từng trường hợp cụ thể để giải quyết trên tinh thần là đảm bảo quyền lợi của cán bộ công chức.

     “Hết nhiệm kỳ này thì cán bộ chủ chốt cơ bản cũng nghĩ hưu. Chúng tôi đã chỉ đạo các ngành tham mưu của huyện sẽ điều chuyển qua những địa phương còn thiếu công chức hiện nay. Đối với trụ sở, sẽ sử dụng trụ sở sau khi sáp nhập để làm trụ sở công an, tính toàn làm sao để không lãng phí trụ sở” - Ông Hạt nói

      Phó Bí thư thường trực Huyện uỷ Lê Quang Hạt cũng cho biết thêm: Đối với những trường hợp hết tuổi công tác, thì giải quyết chế độ hưu theo quy định; Còn đối với những trường hợp còn tuổi công tác, thì xem xét điều động về làm việc tại các cơ quan ban ngành của huyện, hoặc điều động qua các xã trong huyện đang thiếu cán bộ công chức. Ngoài ra, những trường hợp nào còn tuổi công tác, nhưng có nguyện vọng nghĩ hưu trước tuổi, thì trong thời gian công tác, các cơ quan tiến hành gặp mặt, động viên và hướng dẫn các thủ tục để làm hồ sơ nghĩ hưu trước tuổi. 

     Đối với các trụ sở, tài sản công sau sắp xếp, Ban chấp hành đảng bộ huyện cũng đã thống nhất phương án, là sử dụng toàn bộ trụ sở, cơ sở vật chất, trang thiết bị của xã Bình Phú hiện nay để làm trụ sở làm việc mới sau khi sáp nhập hai xã Bình Chánh và Bình Phú; Còn trụ sở làm việc của xã Bình Định, sẽ là trụ sở của xã Bình Định Bắc hiện nay. 

     Theo ông Nguyễn Chín, Trưởng Ban tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Nam, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách phù hợp để giúp cho đội ngũ cán bộ yên tâm công tác. 

     Ông Chín cho biết: “Nghị quyết 35 cho phép cán bộ công chức trở lại làm việc sau 5 năm sắp xếp. Do vậy ngoài vận động để cán bộ yên tâm, tỉnh ủy Quảng Nam sẽ nghiên cứu ban hành các chính sách bổ sung thêm cho cán bộ cấp huyện, xã, thậm chí cán bộ bán chuyên trách dôi dư”

      Sắp xếp đơn vi hành chính chưa bao giờ là việc dễ dàng, vì vậy những tâm tư lo lắng nảy sinh trong quá trình thực hiện là điều khó tránh khỏi. Do đó, song song với việc đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ công chức, viên chức và người dân hiểu, đồng thuận chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, tỉnh Quảng Nam và huyện Thăng Bình đang tiếp tục lựa chọn cách làm thận trọng, vận dụng các chính sách, cơ chế linh hoạt để đảm bảo sắp xếp đúng lộ trình theo các mốc thời gian đã được ấn định./.

Nổi bật
Mới nhất
Thăng Bình: Chủ động các phương án khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO