Thăng Bình ký kết các chương trình phối hợp
Chiều ngày 11/8, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình; Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện; Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện tổ chức hội nghị ký kết các chương trình phối hợp năm 2023.
Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội huyện tổ chức ký kết Chương trình phối hợp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Thăng Bình.
Tại chương trình, 2 đơn vị ký kết với các nội dung như tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong huyện, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, cộng đồng dân cư về công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là cán bộ làm công tác giảm nghèo; vận động người nghèo, hộ nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và xã hội.

Hằng năm, phối hợp xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức triển khai công tác giảm nghèo, vận động các đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”; thực hiện các chương trình an sinh xã hội như: triển khai các hoạt động nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết, vật tư sản xuất cho người nghèo, thăm và tặng quà tết cho trẻ em nghèo, thành viên khác thuộc hộ nghèo. Đồng thời, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các hộ khá giúp đỡ hộ nghèo; các địa phương có điều kiện kinh tế phát triển giúp đỡ những địa phương còn khó khăn trên địa bàn huyện.
Định kỳ hằng năm 2 đơn vị đánh giá kết quả thực hiện; sơ kết giữa kỳ; năm 2025 tổng kết thực hiện chương trình phối hợp.
* Cũng trong chiều ngày 11.8, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện tổ chức ký kết Chương trình phối hợp về việc đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới trên địa bàn huyện Thăng Bình.

Theo đó, 2 cơ quan phối hợp triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa theo phương thức truyền thống và hiện đại, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử; triển khai đồng bộ, linh hoạt các hoạt động kích thích tiêu dùng hàng Việt Nam; tổ chức Hội chợ trưng bày các sản phẩm địa phương; các chuyến đưa hàng Việt Nam về nông thôn, các điểm bán hàng Việt Nam; triển khai các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng các mô hình hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt Nam đảm bảo chất lượng đến với người tiêu dùng. Ngoài ra còn phối hợp tổ chức Chương trình nhận diện hàng Việt Nam, tuyên truyền giới thiệu các điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”.
Thông qua Chương trình phối hợp làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng cơ quan trong triển khai thực hiện Cuộc vận động; phối hợp đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, khơi dậy tinh thần của doanh nghiệp, người dân và các tổ chức, cơ quan nhằm góp phần phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tăng cường hoạt động bảo vệ người tiêu dùng.