Thăng Bình lấy ý kiến cử tri Đề án sắp xếp Đơn vị hành chính (ĐVHC): Công khai và đúng quy định
Dự kiến ngày 28/4, các địa phương gồm Bình Chánh, Bình Phú, Bình Định Bắc và Bình Định Nam (huyện Thăng Bình) sẽ lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023-2025. Việc này cần thực hiện công khai, đúng quy trình.
Nhiều băn khoăn, trăn trở
Nội dung lấy ý kiến cử tri sắp tới về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính là nhập, điều chỉnh diện tích tự nhiên, quy mô dân số của xã Bình Định Bắc, Bình Định Nam thành đơn vị hành chính mới là xã Bình Định; xã Bình Chánh sáp nhập vào xã Bình Phú thành đơn vị hành chính mới là xã Bình Phú.
Việc lấy ý kiến cử tri sẽ được tổ chức theo từng thôn của mỗi xã theo hình thức tổ chức hội nghị để phát phiếu và lấy ý kiến, dự kiến tiến hành đồng loạt vào ngày 28/4 này. Mẫu phiếu theo quy định của cấp trên.
Bà Phan Thị Hiệp - Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, công dân 18 tuổi trở lên mới được lấy phiếu trên thực tế sẽ khó đạt phiếu cao. Bởi qua rà soát, hiện có khoảng 20% cử tri của địa phương đang đi làm ăn xa nên rất khó khăn cho việc lấy ý kiến.
Ông Nguyễn Minh Cảnh - Bí thư Chi bộ thôn Mỹ Trà, ( xã Bình Chánh) kiến nghị, thời điểm lấy ý kiến trùng với việc thu hoạch lúa đông xuân nên việc huy động bỏ phiếu sẽ khó khăn. Bên cạnh đó, giải quyết thủ tục hành chính sau sáp nhập xã.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Phương - Đội trưởng Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Thăng Bình cho biết, sau sáp nhập, người dân có nhu cầu thay đổi các giấy tờ cá nhân sẽ được thực hiện miễn phí. Ngoài ra, Công an huyện sẽ bố trí tổ công tác về địa phương để thực hiện giải quyết thủ tục hành chính.
Ông Nguyễn Công Danh - Bí thư Đảng ủy xã Bình Định Nam cho biết: Từ địa phương được tách ra năm 2007, chẳng có điện, đường, trường, trạm…, đến năm 2016 Bình Định Nam là xã thứ 7 của huyện Thăng Bình về đích xã nông thôn mới. Hiện thôn An Lộc đã cơ bản đạt 10 tiêu chí xây dựng thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Qua thẩm định, công nhận thì Bình Định Nam sẽ là địa phương duy nhất của huyện có 100% số thôn đạt chuẩn NTM.
Ông Nguyễn Công Danh cho rằng, cần phát huy những kết quả mà địa phương đạt được, nên chăng khi sáp nhập, trụ sở đơn vị hành chánh mới đặt tại xã Bình Định Nam.
Tiếp tục tiếp thu, hoàn chỉnh
Theo Điều 5 Nghị định 54/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập và niêm yết danh sách cử tri để phát phiếu lấy kiến cử tri trên địa bàn tại thời điểm tổ chức lấy ý kiến. Ngoài ra theo quy định tại Điều 13 của Nghị định này, mỗi cử tri đều có quyền thể hiện ý kiến của mình vào phiếu lấy ý kiến. Cử tri phải tự mình viết và ký vào phiếu, không được nhờ người khác. Đây cũng là một trong những băn khoăn của nhiều địa phương.
Ông Trương Văn Thanh - Công chức Văn phòng - Thống kê xã Bình Phú cho rằng việc mỗi hộ gia đình được phát một phiếu, phiếu này dùng cho các cử tri trong hộ sẽ gây nhiều khó khăn cho việc lấy ý kiến và tổng hợp phiếu. “Trong quá trình lấy ý kiến cử tri, sẽ có trường hợp hộ gia đình không có đầy đủ thành viên trong diện lấy ý kiến có mặt. Theo quy định, cử tri phải trực tiếp tham gia ý kiến và có chữ kí vào phiếu nên sẽ gặp nhiều khó khăn. Hiện tại địa phương khảo sát có khoảng trên 20% cử tri thuộc diện lấy ý kiến không có mặt tại địa phương”- ông Thanh cho biết.
Ông Nguyễn Đình Hồng - Trưởng phòng Nội vụ huyện Thăng Bình cho biết việc lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã giai đoạn 2023- 2025 phải được thực hiện công khai, đúng quy định hướng dẫn của cấp trên. "Theo quy định mỗi hộ có 1 phiếu, trong phiếu này phải ghi tên tất cả thành viên đủ 18 tuổi trở lên. Kết quả phiếu được tính theo số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu”- ông Hồng nói thêm.
Theo ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập và niêm yết danh sách cử tri để phát phiếu lấy ý kiến cử tri. Huyện Thăng Bình đã thành lập 4 tổ công tác để hướng dẫn, theo dõi, giám sát việc bỏ phiếu. Nếu tỷ lệ phiếu bầu có kết quả dưới 50% không đồng ý thì phải tiến hành lần 2.
“Các ngành và các địa phương phải tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân đồng thuận chủ trương. Công tác tuyên truyền trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là một phần quan trọng giúp thông tin được truyền đạt một cách đầy đủ và minh bạch đến với người dân, từ đó tạo sự đồng thuận, ủng hộ của cộng đồng trong quá trình sáp nhập”- ông Hùng nói thêm.