Thăng Bình phấn đấu hoàn thành nhanh, chính xác cơ sở dữ liệu đất đai
Hiện nay, huyện Thăng Bình đang triển khai dự án xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tại các địa phương là thị trấn Hà Lam, xã Bình Quý và Bình Nguyên. Trước đó, địa phương này đã cơ bản hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai tại 11/20 xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện. Theo yêu cầu của UBND tỉnh, công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu đất đai phải hoàn thành trước ngày 30/6 nên huyện Thăng Bình đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Theo kế hoạch, Chi nhánh Công ty TNHH MTV Tài nguyên và Môi trường miền Nam – Xí nghiệp Trắc địa Bản đồ 301 - đơn vị thực hiện dự án sẽ tiến hành đo đạc thành lập bản đồ địa chính, chỉnh lý bản đồ địa chính, kê khai đăng ký quyền sử dụng đất; lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đối với Bình Nguyên, Bình Quý và Hà Lam. Trong đó, đơn vị đo đạc sẽ tiến hành xây dựng lưới địa chính với tổng cộng 31 điểm. Đo đạc thành lập bản đồ địa chính đối với thị trấn Hà Lam là 1.130,13 ha (19.733 thửa), xã Bình Nguyên 609,76 ha (11.290 thửa), xã Bình Quý là 2.611,77 ha (23.514 thửa). Để công tác lập hồ sơ bản đồ địa chính đảm bảo chính xác, ông Đoàn Thanh Khiết – Trưởng phòng NT&MT huyện yêu cầu trong quá trình lập hồ sơ đo đạc dữ liệu đất đai lần này cần phải tổ chức họp dân để xác định nguồn gốc đất. “Đơn vị đo đạc và địa phương phải phối hợp lựa chọn những người có đủ uy tín và am hiểu về nguồn gốc đất ở từng khu dân cư để tham gia cùng với tổ công tác đo đạc. Bên cạnh đó, để việc đo đạc hiệu quả và thống nhất thì mỗi địa phương cần phân công cán bộ địa chính theo dõi xuyên suốt quá trình triển khai đo đạc” ông Khiết nói thêm..
Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình Phan Thị Nhi cho biết, việc triển khai thực hiện xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính,cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn huyện nhằm mục tiêu đo đạc và hoàn thiện hệ thống bản đồ địa chính thống nhất theo tiêu chuẩn quy phạm hiện hành, đáp ứng yêu cầu quản lý đất đai làm cơ sở để đăng ký đất đai, giao đất, thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất và giải quyết các nội dung khác có liên quan trong công tác quản lý đất đai đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, đảm bảo các thửa đất đều được đăng ký, sẵn sàng cho việc cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bất cứ khi nào người dân, tổ chức có nhu cầu. Việc triển khai đo đạc cơ sở dữ liệu đất đai là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành, hướng tới quản lý minh bạch, hiện đại, phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thanh Phong – Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN huyện Thăng Bình cho rằng việc thu thập cơ sở dữ liệu đất đai là một nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa trong việc phát triển kinh tế xã hội địa phương. Bên cạnh đó, dự án này cũng sử dụng nguồn kinh phí lớn. Do đó, ông Nguyễn Thanh Phong yêu cầu đơn vị đo đạc phải phối hợp với các ngành chức năng liên quan của huyện và các địa phương triển khai thực hiện thật sự hiệu quả với mục tiêu là bản đồ địa chính khi hoàn thành phải sử dụng hiệu quả, phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân và không làm thất thoát ngân sách trong quá trình triển khai dự án.

Theo đơn vị thi công dự án, hiện nay đơn vị đã đúc xong 31 điểm địa chính và tường vây bảo vệ mốc. Dự kiến đến ngày 20/3 sẽ hoàn thành việc chôn mốc địa chính và đo đạc lưới địa chính của 03 địa phương. Đơn vị cũng cho biết, trong quá trình thực hiện, đo đạc bản đồ xã nào xong thì xây dựng CSDL không gian xã đó và tích hợp lên hệ thống thông tin đất đai của Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phan Thị Nhi cũng yêu cầu các ngành và các địa phương triển khai đo đạc trong giai đoạn này phải tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân để việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đảm bảo chính xác. Đơn vị đo đạc phải khẩn trương hoàn thành trước ngày 30/6 theo chỉ đạo của UBND tỉnh nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng, chính xác của hồ sơ dữ liệu.
“Đối với những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai dự án như việc xác định nguồn gốc đất, số lượng dữ liệu cần thu thập lớn, thiết bị quản lý lạc hậu, bản đồ giấy không đáp ứng yêu cầu hiện đại; thiếu cơ sở vật chất và năng lực chuyên môn tại các địa phương hay như những bản đồ địa chính trước đây có nhiều sai sót cần phải chỉnh lý thì các ngành và địa phương cần báo cáo để phối hợp tìm cách tháo gỡ, giải quyết kịp thời”, bà Phan Thị Nhi – Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình nói thêm.