Doanh nghiệp

Thăng Bình: Song hành cùng doanh nghiệp

T.C 10/10/2024 14:02

Huyện Thăng Bình có 9 cụm công nghiệp theo quyết định 3924 năm 2028 của UBND tỉnh Quảng Nam. 600 doanh nghiệp đang hoạt động; 3000 hộ kinh doanh cá thể, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động, và đóng góp ngân sách nhà nước gần 300 tỷ đồng mỗi năm. Đó là những con số minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghĩ của mỗi doanh nghiệp sau thời kỳ hậu Covid-19. Song hành với đó chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo, áp dụng các giải pháp linh hoạt của chính quyền địa phương, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, hỗ trợ dưới mọi hình thức phù hợp để các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, ổn định sản xuất, giải quyết công ăn việc làm và có những đóng góp nhất định cho sự phát triển của huyện Thăng Bình.

Gặp gỡ, động viên doanh nghiệp luôn được Thăng Bình quan tâm thực hiện

Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, cơ sở sản xuất dăm gỗ của công ty TNHH Bình An Phú tại xã Bình Định Bắc đã được xây dựng đồng bộ với diện tích hơn 2,0 ha và máy móc thiết bị hiện đại, đảm bảo công suất chế biến gần trăm tấn gỗ dăm mỗi ngày. Theo thông tin từ lãnh đạo Công ty, doanh thu mỗi năm từ hoạt động xuất khẩu dăm gỗ gần 600 tỷ đồng và hiện đang có 100 lao động đang làm việc tại đây với mức thu nhập hàng tháng từ 7 triệu đồng trở lên. Điều đáng ghi nhận là có cả những công đoạn sản xuất dành cho những người lao động lớn tuổi ở địa phương.

Nhà máy sản xuất dăm gỗ tại xã Bình Định Bắc hiện đang có 100 lao động địa phương

“Tôi làm ở đây từ ngày công ty thành lập đến nay, công việc và thu nhập cũng phù hợp với những công nhân lớn tuổi như tôi, tôi cảm thấy cũng thoải mái”- Bà Đặng Thị Loan, một công nhân đang lao động tại đây cho biết.

Đóng chân tại cụm Công nghiệp Hà Lam - Chợ Được với diện tích khoảng 1,4 ha, Công ty TNHH Seaside Sofacut & Sew được thành lập vào năm 2020 với 100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất mặt hàng liên quan đến May bọc ghế SoFa. Hiên công ty đang giải quyết việc làm cho 350 lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 7 đến 15 triệu đồng/ một tháng. Được thành lập ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, nên cũng như bao doanh nghiệp khác, Sofacut gặp rất nhiều trở ngại và đứng trước nguy cơ giải thể.

Ông WU WEI QIANG- Giám đốc Công ty cho biết: Vào thời điểm đó, công ty luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời từ chính quyền các cấp trong tỉnh và huyện, nhất là về hồ sơ thủ tục. Công ty đã dần đứng vững và khẳng định thương hiệu của mình tại những thị phần truyền thống với tổng sản phẩm xuất khẩu mỗi năm hơn 800.000, mang lại doanh thu gần 10 tỷ đồng.

Công nhân công ty Seaside Sofacut & Sew có mức thu nhập từ 7 đến 15 triệu đồng/1 tháng

“Công ty chúng tôi luôn thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đối với Nhà nước Việt Nam, nhất là những chính sách có liên quan đến người lao động theo Luật lao động ,các ngày lễ, tết truyền thống, công đoàn công ty luôn chăm lo cho đời sống của đoàn viên. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được những hỗ trợ tích cực từ các bên, về thủ tục, quy trình để chúng tôi yên tâm sản xuất”- ông QIANG nói thêm.

Cùng với SoFacut, hiện tại cụm CN Hà Lam Chợ Được, nhà máy xử lý nước thải đã được cấp phép, tỷ lệ lấp đầy hơn 65%, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động với nhiều lĩnh vực khác nhau, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động. Điều đáng chú ý là dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng trong thời gian vừa qua, Thăng Bình vẫn thu hút được thêm 03 dự án vào làm việc tại đây, và đã được UBND Tỉnh ban hành Quyết định chủ trương đầu tư. Và đặc biệt cuối năm 2024 này, sẽ đưa dự án Nhà máy sản xuất bánh nướng nhân thủy sản và sản phẩm rau củ chế biến đông lạnh xuất khẩu với tổng mức đầu tư khoảng 80 tỷ của Công ty TNHH Đông Phương tại Cụm công nghiệp Hà Lam – Chợ Được, sẽ giải quyết góp phần giải quyết việc làm cho 450 lao động địa phương.

Nhiều sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp tham gia tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh

Tại rất nhiều diễn đàn đã diễn ra, Lãnh đạo các cấp luôn khẳng định sự cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong nỗ lực quyết tâm xây dựng một chính quyền kiến tạo, hỗ trợ và phục vụ cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, vì vậy, quan điểm của huyện là sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo môi trường đầu tư lành mạnh, bình đẳng trong kinh doanh, kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình hoạt động của các doanh nghiệp.

“Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong phạm vi, chức năng và theo quy định của pháp luật để cùng tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp”- Ông Hùng nói.

Nổi bật
Mới nhất
Thăng Bình: Song hành cùng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO