Thông tin chỉ đạo điều hành

Thăng Bình tăng tốc, bứt phá, phấn đấu năm 2025 tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%

Giang Biên - Trung Thực 02/01/2025 14:37

Ngay từ đầu năm 2024, cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ở Thăng Bình đã phân vai, rõ việc trong thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Nhờ đó, năm 2024, huyện Thăng Bình đã ghi dấu với nhiều sự kiện quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số; là địa phương đầu tiên của tỉnh Quảng Nam công bố quy hoạch vùng; về đích trước 1 năm theo chỉ tiêu xoá hết hộ nghèo có khả năng lao động theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI nhiệm kỳ 2020-2025.

2025_thanhtuu2024_1.jpg
Thăng Bình là huyện đầu tiên công bố quy hoạch vùng huyện. Sự kiện có sự tham gia của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng

Đầu tháng 4 năm 2024, Thăng Bình là địa phương cấp huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh công bố quy hoạch vùng huyện đến năm 2030 theo Quyết định số số 339 ngày 7/02/2024 của UBND tỉnh Quảng Nam. Quy hoạch vùng mở ra tầm nhìn, khát vọng, nhận diện một cách khoa học về các nguồn lực, tiềm năng, lợi thế phát triển của huyện Thăng Bình trong tương lai.

Tỉnh Quảng Nam cũng xác định vùng huyện Thăng Bình là khu vực trung tâm của tỉnh, có chức năng kết nối, điều phối phát triển các ngành, lĩnh vực; hình thành không gian phát triển du lịch ven biển Duy Xuyên - Thăng Bình kết nối không gian du lịch Hội An trên cơ sở phát huy các giá trị tự nhiên sông - biển; xây dựng các trung tâm, các khu vui chơi giải trí và các khu nghỉ dưỡng, sân gôn cao cấp; từng bước giảm áp lực cho đô thị cổ Hội An trên cơ sở phát triển không gian đô thị vùng Đông thị xã Điện Bàn và các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình; đến năm 2030 phấn đấu đô thị Hà Lam mở rộng kết nối với đô thị Bình Minh và các xã lân cận, nâng cấp lên thành cấp hành chính là thị xã Thăng Bình.

Đến nay Thăng Bình đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quy hoạch Hà Lam; đô thị mới Bình Minh; đã lập và phê duyệt quy hoạch của 14 xã theo kế hoạch.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện Thăng Bình đạt 2 con số hơn 10,94%. Theo phân tích, sản xuất nông nghiệp thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, kinh tế hồi phục nhờ đó đã đạt được mục tiêu về tăng trưởng. Tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế 12.366 tỷ đồng, đạt 100,7% kế hoạch năm. Nhiều khu vực đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng kinh tế địa phương là ngành công nghiệp và xây dựng tăng 11,46%; dịch vụ tăng 14,84%; ngành nông lâm thủy sản tăng 3,81%. Ước tính thu nhập bình quân đầu người đạt 55,5 triệu đồng người/năm, tăng 9,25% so năm 2023, vượt 1,8% so kế hoạch đề ra.

2025_thanhtuu2024_2.jpg
Thăng Bình triển khai thực hiện Nghị quyết 1241

Thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, giai đoạn 2023 – 2025, UBND huyện Thăng Bình tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 1241 ngày 24/10/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công bố các quyết định liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của huyện. Cùng với đó, huyện Thăng Bình cũng tập trung hoạch định, triển khai sắp xếp bộ máy hành chính theo hướng “ tinh, gọn, mạnh”; hiệu năng – hiệu lực – hiệu quả theo định hướng của Trung ương, tỉnh.

2025_thanhtuu2024_3.jpg
Thăng Bình đã rất quyết liệt trong giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm

Trong năm, huyện Thăng Bình tiếp tục chỉ đạo giải quyết các tồn tại, vướng mắc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh, huyện, như: Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E; Đường nối từ đường Võ Chí Công đi Khu công nghiệp Đông Quế Sơn nối với Quốc lộ 14H và Quốc lộ 1A; cầu Tây Giang; dự án liên kết vùng Miền Trung qua xã Bình Nam và các dự án trên địa bàn thị trấn Hà Lam ... Đặc biệt, sau 7 năm kiên trì vận động, tuyên truyền và đối thoại, hộ bà Bùi Thị Nuôi đã bàn giao mặt bằng giúp huyện nhà hoàn thành công tác GPMB tại nút giao thông Cây Cốc. Hiện đoạn tuyến này đã được đầu tư hệ thống giao thông hạ tầng khớp nối với vùng đông đưa vào sử dụng được người dân hoan nghênh và tỉnh đánh giá cao.

Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm, trong năm 2024 có 2 xã Bình Phú, Bình Chánh được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2023. Toàn huyện có 32/94 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 34%. 3 xã đang lập hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024. Có 13 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm mới và 7 sản phẩm đánh giá lại.

2025_thanhtuu2024_4.jpg
Nông dân vùng tây phấn khởi vì đã tiếp cận được vốn Nghị quyết 53

Triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế vùng Tây theo Nghị quyết 53/NQ-HĐND của HĐND huyện với tổng kinh phí đã giải ngân hơn 2,8 tỷ đồng cho 101 mô hình, được nhân dân các xã vùng tây tích cực hưởng ứng.

Tổng thu ngân sách dự kiến 1.589 tỷ đồng, vượt 33,97% so với tỉnh giao và 32,93% so với huyện giao. Thu phát sinh kinh tế trên địa bàn dự kiến cả năm đạt 535 tỷ đồng, tăng 30% so cùng kỳ 2023. Đây là số thu cao nhất từ trước đến nay. Tổng chi ngân sách ước thực hiện năm 2024 là 1.521 tỷ đồng, vượt 34,3% so với dự toán huyện giao.

Công tác đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các dự án trụ sở công an xã, các dự án khai thác quỹ đất, công tác quyết toán dự án hoàn thành được tổ chức thực hiện theo kế hoạch đề ra. Trong năm đã tiếp tục triển khai các công trình bị tạm dừng trước đây, đến nay có các công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Giải ngân nguồn vốn đầu tư XDCB trong nhóm các địa phương có tỷ lệ cao của tỉnh, đến ngày 10/12 đạt 69% tổng các nguồn vốn.

Cùng với các lĩnh vực kinh tế, sự chuyển biến tích cực của văn hóa - xã hội cũng góp phần quan trọng làm tươi sáng hơn bức tranh kinh tế - xã hội năm 2024. Nổi bật trong lĩnh vực văn hóa, huyện đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được với sự tham gia đông đảo của người dân vùng đông. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tiếp tục được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội.

Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được chú trọng. Phối hợp các ngành của tỉnh đề xuất phương án bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia Đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Dự kiến năm 2025, tỉnh phân bổ 5,16 tỷ đồng để bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích này. Các hoạt động thể dục thể thao quần chúng được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia tập luyện. Tích cực tham gia các hội thi TDTT của tỉnh đạt kết quả cao.

2025_thanhtuu2024_5.jpg
Năm 2024, Thăng Bình giảm 161 hộ nghèo

Trong chương trình phát triển kinh tế-xã hội của huyện, giảm nghèo là mục tiêu ưu tiên với tổng nguồn lực thực hiện hơn 15 tỷ đồng từ các dự án, chương trình. Nhờ đó đã giảm 161 hộ nghèo, đạt 393% chỉ tiêu UBND tỉnh giao và Nghị quyết Huyện uỷ, HĐND đề ra. Đặc biệt toàn huyện đã xóa hết hộ nghèo có khả năng lao động, hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI trước 1 năm. Đến nay, huyện còn 1.108 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,98%.

Đặc biệt, Cuộc vận động “ xoá nhà tạm, nhà dột nát” đã khơi dậy mạnh mẽ tinh thần “Tương thân tương ái”, “Lá lành đùm lá rách”, trở thành phong trào mạnh mẽ, có sức lan tỏa sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện. Trong năm đã xây dựng mới và sửa chữa nhà ở cho 142 hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn theo Nghị quyết số 13, nguồn quỹ vì người nghèo huyện…Nhờ vậy xuân Ất Tỵ này, nhiều nhà đã được ở trong những căn nhà mới ấm áp, nghĩa tình.

Về CCHC, lần đầu tiên tổ chức thành công Cuộc thi tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số của huyện năm 2024 dưới hình thức gameshow trực tiếp. Ba đội trải qua 4 phần thi, gồm chào hỏi, sáng tạo số, kỹ năng số và tăng tốc số. Kết thúc giải Nhất thuộc về đơn vị xã Bình Dương, giải Nhì đơn vị xã Bình Minh và giải Ba đơn vị xã Bình Phú.

2025_thanhtuu2024_6.jpg
Thăng Bình giao quân đạt 100% chỉ tiêu giao

Nhiệm vụ quốc phòng và công tác quân sự địa phương được tập trung thực hiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững; giao quân đạt 100% chỉ tiêu; hoàn thành khám, tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2025, đến nay có 362 thanh niên đủ điều kiện tham gia NVQS.

Bên cạnh những kết quả đạt được, có 3/21 chỉ tiêu mà huyện không đạt kế hoạch đề ra là tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch và tỷ lệ cơ quan đạt cơ quan văn hóa. Ngoài ra chưa quyết liệt, giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng. Công tác cải cách hành chính có lúc, có nơi còn chưa tốt. Công tác giải ngân chưa đạt yêu cầu, mục tiêu đề ra.

2025_thanhtuu2024_7.jpg
Chỉ tiêu năm 2025

Năm 2025 là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến đến Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 -2026 đề ra. Năm tới huyện Thăng Bình đặt ra 19 chỉ tiêu thuộc 4 nhóm lĩnh vực kinh tế, văn hoá, môi trường và an ninh, quốc phòng.

2025_thanhtuu2024_8.jpg

Năm 2025 cũng là năm hướng đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và tập trung thực hiện sắp xếp tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị của huyện theo chủ trương của cấp trên; đồng thời thực hiện tốt công tác tư tưởng, đảm bảo sự ổn định trong hoạt động của cấp uỷ Đảng, chính quyền tại các đơn vị hành chính vừa sáp nhập. Đây là những công việc hết sức quan trọng quyết định sự phát triển của huyện trong những năm đến. Ngay từ bây giờ, cả hệ thống chính trị huyện Thăng Bình tập trung triển khai ngay các nhiệm vụ, công việc theo kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng huyện đến năm 2030 để phát triển huyện Thăng Bình theo đúng định hướng là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh trong những năm đến.

Nổi bật
Mới nhất
Thăng Bình tăng tốc, bứt phá, phấn đấu năm 2025 tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO