Thăng Bình tạo cơ hội để sản phẩm nông nghiệp nông thôn phát triển
Huyện Thăng Bình vừa tổ chức thành công hội chợ thương mại, trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024. Hội chợ tạo cơ hội cho các chủ thể OCOP, các cơ sở chế biến, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ,…trong và ngoài huyện được giao lưu, kết nối và phát triển sản phẩm, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng hàng Việt của người dân.
Là một trong 44 chủ thể có sản phẩm tham giahội chợ thương mại, trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2024, chị Hoàng Thị Tính - Chủ hộ kinh doanh Hoàng Thị Tính (Bình Sa, Thăng Bình) mang đến hội chợ các sản phẩm bột khoai lang tím, khoai măng và khoai chà. Là những món ăn đặc trưng của Bình Sa quê hương chị. Các sản phẩm này không chất bảo quản và có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trong đó, bột khoai lang tím đạt sản phẩm OCOP hạng 3 sao vào năm 2021. Chị Hoàng Thị Tính cho hay, nhiều lần chị đã đem các sản phẩm này tham gia giới thiệu tại các hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các địa phương trong cả nước. Mỗi nơi đến không chỉ tham gia bán hàng, chị Tính còn muốn lan tỏa món ăn đặc trưng của quê hương Bình Sa (Thăng Bình) là khoai lang nói chung và bột khoai lang tím nói riêng. Với bột khoai lang tím, người mua dùng có thể làm nguyên liệu sữa dinh dưỡng, làm bột tạo màu tự nhiên trong cháo cho trẻ em hoặc là màu trực tiếp trong chế biến các món ăn của nhiều người. Mới đây, tham gia hội chợ trưng bày và giới thiệu sản phẩm ở thủ đô Hà Nội, nhiều khách hàng, kể cả là người nước ngoài đã biết đến sản phẩm “Bột khoai lang tím” sản xuất từ cơ sở hộ kinh doanh Hoàng Thị Tính (Bình Sa, Thăng Bình), nhiều người cũng đã liên hệ đặt mua.
“Được tham gia tại các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm như thế này đối với người sản xuất và kinh doanh như chúng tôi có ý nghĩa rất lớn, là cơ hội để kết nối, đưa các sản phẩm mang hương vị quê hương vươn xa” - chị Hoàng Thị Tính nói.
Từ sự kết nối hỗ trợ của Phòng Kinh tế - Hạ tầng thành phố Hội An, cơ sở sản xuất bột sen sẻ rang củi truyền thống Kim sen sẻ, phường Cẩm Châu - thành phố Hội An của chị Mai Thị Kim tham gia hội chợ thương mại huyện Thăng Bình với 1 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Chị Kim cho hay, cơ sở sản xuất của mình làm ra sản phẩm cung cấp cho thị trường tiêu dùng khá lâu rồi nhưng đây là lần đầu tiên đến với huyện Thăng Bình và mong muốn giới thiệu cho người dân quê hương Thăng Bình biết về các dòng sản phẩm làm ra từ hạt sen sẻ của mình. Từ chị Kim được biết phần lớn nguyên liệu hạt sen để làm bột ngũ cốc Kim sen sẻ rang củi truyền thống là hạt sen làm ra từ quê hương Thăng Bình. “Vì vậy ngoài việc muốn lan tỏa những sản phẩm của mình đến với bà con, mình còn muốn tạo thêm cơ hội được kết nối, thu mua nguyên liệu hạt sen tươi đảm bảo chất lượng từ các chủ hồ sen trên địa bàn huyện Thăng Bình” - chị Mai Thị Kim chia sẻ.
Ông Trương Công Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, hội chợ vừa qua đã thu hút 74 chủ thể có sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tham gia. Riêng Thăng Bình có 44 chủ thể, các địa phương như Hội An, Nam Trà My, Duy Xuyên, Điện Bàn, Đại Lộc,… tham gia 30 gian hàng.
Thông tin từ Ban tổ chức Hội chợ thương mại, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Thăng Bình năm 2024, sau 5 ngày diễn ra (28/6 - 2/7/2024), các chủ thể đã thực hiện bán ra với tổng doanh thu hơn 320 triệu đồng.
“Hy vọng hội chợ góp phần thúc đẩy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, là cơ hội cho các chủ thể có sản phẩm OCOP, cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng công nghiệp, nông thôn tiêu biểu được giao lưu, kết nối, mở rộng đầu tư và phát triển du lịch, là cơ hội làm phong phú hơn nữa các sản phẩm đặc trưng riêng có của huyện Thăng Bình cũng như các địa phương” - ông Trương Công Sơn nói.