Thăng Bình tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất phân hữu cơ từ phụ phẩm nấm rơm
Sáng ngày 26/10, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình tổ chức hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nấm rơm tại thôn Tú Trà, xã Bình Chánh.

Mô hình triển khai từ tháng 7 đến tháng 10/2023. Có 50 hộ nông dân tham gia được hướng dẫn kỹ thuật cơ bản của quy trình ủ phụ phẩm từ rơm sau khi đã làm nấm với chế phẩm vi sinh Emzeo, Trichoderma để tạo phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng.
Rơm sau khi ủ với chế phẩm vi sinh Emzeo, Trichoderma, giúp thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy, giảm mùi hôi thối, đặc biệt làm cho rơm ủ mau tơi. Bón phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nấm rơm giúp cải tạo đất, tăng độ phì cho đất trồng. Bên cạnh đó, chế phẩm vi sinh Trichoderma có khả năng chống được các loại nấm gây bệnh thối rễ, thối thân,… trên cây trồng.

Việc triển khai mô hình sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nấm rơm sẽ tận dụng nguồn phụ phẩm rơm làm nấm thải ra, tạo nên nguồn phân bón hữu cơ có giá trị dinh dưỡng cao đối với cây trồng, thân thiện với môi trường và giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trong sản xuất nấm rơm của người dân địa phương.
Được biết, xã Bình Chánh (Thăng Bình) có hơn 10 hộ làm nấm rơm, nhưng đây là địa phương có lượng phụ phẩm thải ra từ trồng nấm rơm khá nhiều. Theo khảo sát, mỗi đợt trồng nấm, một trại nấm có thể thải ra từ 10 – 20 tấn phụ phẩm nấm rơm.