Thăng Bình - Vùng đất anh hùng
Nằm ở vị trí trung độ của tỉnh Quảng Nam, Thăng Bình có diện tích tự nhiên 412,25 km2, dân số đến năm 2016 là 181.610 người. Đất đai, thổ nhưỡng và địa hình đã hình thành nên 3 vùng rõ rệt: vùng Tây của huyện giáp với các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, 4/5 diện tích đất đai là gò đồi; vùng Trung gồm các xã dọc theo Quốc lộ 1A. và tuyến đường Bắc Hà - Nam Vùng Đông là các xã ven biển và ven sông Trường Giang. Mảnh đất này giống như hình tam giác cân - đỉnh là Bình Lãnh - nằm trên độ cao 407 mét, giáp với huyện Hiệp Đức nhìn xuống đáy là Biển Đông, mút phía bắc là Bình Dương, giáp với Duy Xuyên, mút phía nam là Bình Nam giáp Tam Kỳ.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Thăng Bình trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính. Huyện Thăng Bình được hình thành năm 1403 với tên gọi là huyện Lệ Giang, sau thành Lễ Dương, năm 1906 thành phủ Thăng Bình gồm 7 tổng và 170 xã. Sau đó, một số xã phía Tây Nam của huyện nhập vào Tiên Phước(1922) sát nhập một số xã Đông Duy Xuyên vào Thăng Bình. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, phủ đổi thành huyện, tên gọi Thăng Bình có từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến nay.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Thăng Bình là một trong sáu quận của tỉnh Quảng Tín (tên gọi của chính quyền Sài Gòn, chính quyền cách mạng gọi là Quảng Nam). Từ năm 1975 đến 1996 Thăng Bình là 1trong 16 huyện thị xã tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Từ năm 1997 đến nay, Thăng Bình là 1trong 18 huyện, thành phố tỉnh Quảng Nam, có 21 xã và 1 thị trấn.
Mảnh đất khắc nghiệt và nghèo khó này có đặc sản nổi tiếng khoai lang Trà Đóa. Giữa những trảng cát hay phần đất thịt ít ỏi (cát pha). Giữa cái nắng hè miền Trung thiêu đốt, cây khoai vẫn trụ được, lá xanh, củ vùi trong đất da trắng nặng trên dưới một cân, nên còn gọi "khoai cân, khoai chục Trà Đóa" - mùi thơm - bùi - ngọt - dịu - kéo người khắp nơi đến mua bán, làm quà xa gần trong cả nước (được biết, đang có một đề tài nghiên cứu khoa học về phục hồi giống khoai lang Trà Đóa quý hiếm này).
Không chỉ có hương vị từ đất, mà còn có trong truyền thuyết về một người phụ nữ hiển linh, chữa bệnh cứu nhân độ thế, trị tội tham quan bảo vệ dân lành. Chính bà linh ứng tạo dựng nơi bãi cát hoang vắng thành chợ sầm uất, nên có tên là Chợ Được. Câu chuyện ngưòi con gái hiện hữu trên cõi đời 18 năm đem lại hạnh phúc bình an cho dân, khi qua đời dân tôn thành Bà, lập lăng thờ và cứ đến ngày 11 tháng Giêng lại tổ chức lễ hội Bà Chợ Được gồm các mục cầu an, truy niệm Bà, múa lân, đua ghe, hát bội rồi đến rước cộ Bà. Nét độc đáo của lễ rước Cộ Bà ở chỗ khán giả cũng chính là diễn viên. Hàng ngàn nam thanh nữ tú cùng các cháu nhỏ khắp nơi trong huyện đổ về kín cả lối đi.
Tháp Đồng Dương - là phật viện của người Chiêm Thành với nhiều công trình kiến trúc to lớn, độc đáo gồm đền thờ chính và các tháp nằm lân cận, phân bố trên một trục từ tây sang đông dài hơn cây số, là công trình kiến trúc văn hóa độc đáo… Bị chiến tranh tàn phá, nhưng dấu ấn cũng như tác dụng của nó đang được lưu tâm. Bờ đập Hồi ở Lạc Câu,Văn từ (Văn Thánh) phủ Thăng Bình (xưa) là những di tích văn hoá lịch sử, minh chứng cho vùng đất mà ở đó mạch nguồn văn hóa chưa bao giờ vơi cạn.
Thăng Bình là nơi có truyền thống yêu nước.
Nửa cuối thế kỷ 19, khi thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng (1/9/1858) mở màn cuộc xâm lược đất nước ta, truyền thống yêu nước của nhân dân Thăng Bình thể hiện mạnh mẽ. Hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, tháng 9/1985 Nghĩa hội Quảng Nam được thành lập, người con trung hiếu, nhà yêu nước xuất sắc của huyện Thăng Bình –Nguyễn Thành (1863-1911) là một trong bảy thủ lĩnh của Nghĩa hội. Nguyễn Thành cùng các thủ lĩnh khác đem quân về chiếm thành La Qua (Điện Bàn) và sơn phòng Dương Yên, lập ra Tân tỉnh. Nghĩa quân lập bộ máy chính quyền, xây đồn đắp lũy, tổ chức sản xuất, xây dựng đời sống, tổ chức đánh Pháp trên địa bàn ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, đến tháng 9/1887 triều đình Đồng Khánh và tên tay sai Nguyễn Thân bình định được vùng này. Phong trào tạm lắng xuống. Đến tháng 5/1904, tại nhà Nguyễn Thành tổ chức cách mạng Duy tân hội ra đời do Phan Bội Châu đề xướng, Nguyễn Thành trở thành nhân vật chủ yếu và tin cậy của Hội, vạch ra mưu lược cứu nước trong phong trào Đông du, cùng với phong trào Duy tân với chủ trương "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" công khai vận động cải cách văn hoá xã hội, chủ trương không bạo động, không cầu viện nước ngoài. Hòa chung phong trào của toàn tỉnh, các nhân sỹ tiến bộ và nhân dân Thăng Bình đã tích cực tham gia phong trào cắt tóc ngắn, dùng vải nội, mặc đồ Âu, học chữ quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan, thành lập thương hội, tập hợp những người yêu nước.
Cũng trong thời gian này, cụ Nguyễn Uýnh (Hà Lam) - cử nhân văn khoa và võ khoa, lãnh binh triều Tự Đức, lãnh chức tán tương quân vụ trong nghĩa hội Quảng Nam, trên đường tiến quân vào Nam, ông hy sinh tại Quảng Ngãi.
Sau cuộc đấu tranh đòi giảm xâu giảm thuế năm 1908, Nguyễn Thành bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo và mất tại đó, năm 1911.
Thăng Bình là nơi tiếp nhận sớm chủ nghĩa Mac-Lênnin và hình thành tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản như Hội ái hữu, hội nông dân, hội bóng đá, hội thanh niên cứu quốc. Năm 1930, Thăng Bình đã có hai đảng viên Cộng sản là Võ Duy Bình, Võ Xưng đã vận động nhân dân rải truyền đơn, treo cờ búa liềm, biểu tình ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tỉnh. Năm 1936 ở Tây Giang, chi bộ đảng đầu tiên ở Thăng Bình được thành lập, lập ra tiệm thuốc bắc lấy tên Nghĩa Hoà Đường làm nơi liên lạc. Tháng 5/1945 Uỷ ban Mặt trận Việt minh Thăng Bình được thành lập.
Và rồi thời cơ đã đến.
20 giờ ngày 18/8/1945 nhân dân Thăng Bình nổi dậy tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Lực lượng khởi nghĩa các xã hùng dũng nối nhau tiến về phủ đường, Ngày hội cách mạng ngàn năm có một của nhân dân Thăng Bình đã đến. Khí thế cách mạng "long trời lở đất" của quần chúng xông lên phá nát gông cùm, xích xiềng nô lệ bấy lâu nay.
Ngày 20/9/1945 Uỷ ban Nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Thăng Bình ra mắt nhân dân, chế độ mới, chính thể dân chủ nhân dân được xác lập.
Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đáp lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Nhân dân Thăng Bình cùng nhân dân cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống giặc Pháp suốt chín năm.
Là vùng tự do của tỉnh và khu 5, nhưng là tuyến trước, trực tiếp đối mặt với Pháp từ phía bắc của tỉnh. Thăng Bình không chút lơi lỏng cảnh giác, phong trào phòng gian bảo mật được đề cao, nên đã phát hiện và trừng trị kịp thời những tên tay sai chỉ điểm. Xây dựng công sự, tạo chướng ngại vật, tiến hành phá đường cơ động của giặc ở quốc lộ 1, đường 16, đường xe lửa ngang qua huỵên. Nhân dân, du kích phá đường tàu, lấy sắt rèn vũ khí, cắm cọc chống địch nhảy dù, đào hào cắm chông. LLVT cùng nhân dân vùng Đông dùng tà vẹt, dùng gỗ vận chuyển từ vùng cao về Chợ Bà, Cây Mộc, tổ chức cắm cọc ngang sông Trường Giang đoạn Bình Giang, Bình Dương. Ba hàng cừ cao, cứng, nhọn, sắc cản bước tiến của giặc Pháp từ Hội An vào, hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân. Dọc bãi biển, nhân dân đắp luỹ rào làng, làm công sự chiến đấu, hầm bí mật tránh tổn thất khi máy bay Pháp thả bom đánh phá. Hàng ngàn dân công phục vụ chiến trường, hàng chục trận chiến với quân Pháp có sự đóng góp của LLVT huyện. Phong trào tình nguyện Nam tiến rầm rộ. Nhân dân Thăng Bình nhường cơm xẻ áo, tạo điều kiện ăn ở cho 2.000 gia đình tản cư từ Đà Nẵng, Hội An vào. Năm 1953-1954 thời điểm gay go quyết liệt của cuộc chiến chống Pháp, quân dân Thăng Bình đóng góp tích cực người và của vào việc đánh thọc sâu vào vùng sau lưng địch, tiêu hao tiêu diệt sinh lực địch, khí thế nhân dân không ngừng phấn khởi theo đà chiến thắng giòn giã của quân ta trên khắp chiến trường khu 5 và cả nước.
Ngày 20/7/1954 Hiệp định Giơnevơ được ký kết chưa ráo mực, thì máu đồng bào đồng chí lại đổ khắp nơi. Bộ mặt phản dân hại nước, làm tay sai đế quốc Mỹ của chính quyền Ngô Đình Diệm lộ rõ ngay từ đầu. Cuộc đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử bị địch dìm trong bể máu.
Ngày 4/9/1954 Cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được diễn ra, lúc đầu,tiểu đoàn 611 của Ngụy cướp phá tài sản của dân, rồi xả súng bắn vào dân, làm chết và bị thương nhiều người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân trong huyện và các huyện lân cận tiến về Chợ Được ngày một đông, nhân dân đấu tranh đòi thi hành hiệp định Giơnevơ, chấm dứt chính sách khủng bố trắng. Quần chúng khống chế đại đội lính nguỵ buộc chúng nộp vũ khí, đưa người bị thương đi cứu chữa. Cuộc đấu tranh của nhân dân Thăng Bình bị địch dùng vũ lực đàn áp, dìm trong bể máu, 43 người chết, 27 người bị thương 58 người bị bắt. Đây là cuộc đọ sức đầu tiên của quần chúng cách mạng chống bọn Mỹ Diệm, có tác dụng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng miền Nam.
Ngày 25/10/1955 địch bắt hàng trăm người ở các xã vùng Đông về Chợ Được tra tấn, truy tìm cán bộ, chúng lọc ra 21 người (đa số là người Bình Dương) chúng trói từng tốp ba người lại với nhau đem đi chôn sống ở nỗng Tất Viên.
Ngày 13/2/1956, hơn 100 người Bình Dương đã bị bắt nhốt tại trường học Lạc Câu - họ là cơ sở mật, là cán bộ. Chúng quyết tiêu diệt hết chúng ta, nghĩa là quét sạch phong trào cách mạng Lạc Câu. Chúng gọi từng nhóm lên hỏi cung. Anh Lê Quang Cảnh - phó bí thư chi bộ Bình Dương bước tới một bước,dùng chân đạp ngã tên lính áp giải, giật thanh kiếm của nó, anh hét lên một tiếng, tiếng thét của lòng căm thù, anh lao tới đâm thẳng vào ngực tên Mai, hắn bị thưong, kêu cứu. Hỗn loạn. Không thể để lỡ thời cơ , mọi người vùng dậy, bọn lính hốt hoảng đuổi theo anh Cảnh. Mọi người la hét cởi trói cho nhau. Chạy…100 cán bộ đảng viên cơ sở thoát chết trong gang tấc. Anh Cảnh trúng đạn gục xuống còn hô "Hồ Chí Minh muôn năm", "Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!". (Liệt sĩ Lê Quang Cảnh đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND).
Suốt những năm tháng ấy, từ 1955-1956 đến 1962-1963, không tháng nào không có những vụ hy sinh, tưởng như ngọn lửa cách mạng đã bị dập tắt hết, mất hết liên lạc..Thực tế vẫn còn. Xuất phát từ lòng căm thù giặc, lớp người trẻ lại đứng lên, thay vào chỗ đứng của lớp đàn anh, cầm súng đánh Mỹ.
Tháng 9/1961 LLVT huyện từng bước phục hồi, đội công tác liên huyện do đ/c Ngô Thanh Dũng - Bí thư Huyện uỷ Thăng Bình từ căn cứ cách mạng vùng Tây xuống vùng giáp ranh tuyên truyền vận động gây dựng lại cơ sở, gây dựng lại phong trào và tiến tới đồng khởi vùng Đông. Tháng 9/1964 ta phá banh 20 ấp chiến lược, giải phóng 7 xã 3 thôn vùng Đông, mở địa bàn rộng lớn hai bên sông Trường Giang. Đến thời điểm này ta giải phóng 14 xã của huyện với 85.000 dân. Địch còn dồn sức quẫy cựa nhiều phen, nhưng xu thế cách mạng như triều dâng thác đổ, vùng giải phóng rộng ra, LLVT từng bước mạnh lên, đủ sức đánh bại kẻ thù.
Tháng 3/1965 Mỹ đổ quân lên Đà Nẵng, kẻ thù nguy hiểm và trực tiếp đã đặt chân lên mảnh đất thân yêu.
Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy phát động phong trào "tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt".
Bàn gì thì bàn, phải xem thằng Mỹ như thế nào đã. Vào Chu Lai, ra Đà Nẵng học tiếng Mỹ, làm quen với Mỹ, đúc kết thành kinh nghiệm đánh Mỹ.
Tâm trạng "sợ Mỹ" bị đẩy lùi, các mẹ các chị xung phong "xáp Mỹ" khi chúng kéo đến. Chiến thắng Đồng Dương ngày 09/12/1965 là minh chứng cho việc khẳng định quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân Thăng Bình.
Năm 1966, lính Mỹ và Nam Triều Tiên càn xuống Bình Dương. Bọn Mỹ đã thấy xuất hiện trước mũi súng của chúng một đội quân kỳ ảo - chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh của Mỹ - hằng trăm người "lính" có búi tóc trên đầu đã xông ra, nằm lăn trước xích xe bọc thép để cản chúng lại. Mẹ Mía, mẹ Bính, mẹ Biêu nằm ngang trên vồng khoai không cho chúng cày ủi, buộc chúng phải đổi hướng. Hình ảnh các mẹ các chị hiên ngang trước hàng trăm họng súng kẻ thù sẵn sàng nhả đạn, đứng trước khối xe tăng khổng lồ sẵn sàng nghiền nát các mẹ. Cái chết là mười mươi, nhưng dưới hầm bí mật du kích đang ẩn nẩp, phía sau lưng các mẹ là nhà cửa ruộng vườn khoai lúa, là sự sống. Phải chọn thôi, các mẹ đã tìm sự sống trong cái chết.
Cuối năm 1965, tiểu đoàn lính Mỹ cùng 40 xe tăng tiến vào các xã Bình Trị Bình Lãnh, Bình Phú. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, nhân dân Thăng Bình, LLVT huyện chiến đấu trong tình huống cực kỳ ác liệt và khó khăn. Pháo địch, bom địch, lính địch tràn ngập từng lối mòn trong xóm trong thôn, trên trời khói đen phủ kín, dưới đất nhà cháy người chết. Nhiều bộ phận nhỏ lẻ của du kích ngoan cường chiến đấu, ở một mũi trong chiến đấu, du kích đã diệt 2 tên Mỹ, bắn bị thương 5 tên khác, thu 2 súng AR 15. Đợt này, LLVT huyện Thăng Bình cùng trung đoàn Ba Gia đánh trận nổi tiếng Đồng Dương, Vinh Huy, và Thăng Bình đã có địa danh được tôn vinh "Cao Ngạn thành đồng" - Thăng Bình đã đóng góp vào danh hiệu vẻ vang của tỉnh "đi đầu diệt Mỹ’’.
Chiến lược "chiến tranh đặc biệt" bị phá sản, Mỹ chuyển sang "chiến tranh cục bộ" với hai gọng kìm "tìm diệt và bình định".
Nhân dân kiên cường bám trụ - một tấc không đi, một ly không rời. Mỹ ngụy đã dốc vào vùng đất Thăng Bình một cuộc vật lộn cật lực cho đến phút cuối cùng. Làng xóm xác xơ do bom đạn Mỹ, dây thép gai nhiều hơn cây cối, chặn các lối đi. Vụ điển hình tàn sát của lính Mỹ và Nam Triều Tiên tại Bình Dương năm 1967. Thực hiện chính sách "đốt sạch, phá sạch, giết sạch" địch hung dữ bắn giết trâu bò heo gà chết la liệt, nhà cháy, hầm sập, bầu trời Bình Dương nghi ngút khói bom Bọn lính Rồng Xanh dồn 200 người già phụ nữ trẻ em lại, đặt mìn định hướng sát hại dã man.
Nhân dân Thăng Bình đã trả lời bằng trí tuệ và hành động. Vùng giải phóng vẫn có nhà, dân chúng vẫn cố gắng "hợp pháp" trước mắt địch. Nhà là vài tấm tranh đặt trên 4 chiếc cọc, bên miệng hầm tránh pháo tránh bom, bên trong đặt bàn thờ bình hương, chủ yếu làm dấu hiệu cho anh em tối đến tìm về.
Tàu gáo (một loại máy bay lên thẳng) đứng lơ lửng trên không chìa súng vào nhà đòi giơ thẻ căn cước cho chúng xem. Chỉ cần vài lần quạt của trực thăng là nhà bay mất, làm lại nhà cũng đơn giản.
Khẩu hiệu "Một tấc không đi, một ly không rời" mang tính chiến lược của quần chúng đối kháng lại chiến dịch bình định của địch. Hành động đó trở thành lương tâm của mọi người dân, nhân phẩm tư chất của người dân bám trụ, thể hiện suy nghĩ: "chẳng thà uống nước hố bom/còn hơn theo Mỹ lưng khom chân quỳ".
Giặc xúc đi rồi dân lại tìm về . Sáng địch xúc 300 dân, chiều còn 200, tối còn 100, nhân dân tìm mọi cách biến khỏi đội hình càn quét của địch. Ai không về được, tạm thời ở lại trong ấp chiến lược, lại gây dựng cơ sở ngay trong lòng địch, đóng vai trò "tai, mắt"cho cách mạng. Ở trong hàng rào dây thép gai, nhưng lòng hướng về cách mạng về con cái đang chiến đấu ở làng ở xóm. Cơ sở trong lòng địch chưa bao giờ mất.
Mẹ Phạm Thị Cộng trốn khỏi khu dồn đặt chân trên cát tìm đến căn hầm người con gái út - chị Tiệm đang ở dưới đó, Mẹ ngồi xuống cát nói câu gan ruột cho con nghe "con phải ráng chịu đựng, có chết cũng chết cho tiết sạch giá trong, con đừng nghe bọn hắn mà chiêu hồi nghe con". Lòng dân kiên trung ở đâu cũng vậy-như sắt như đồng.
Ấy là cái thế tồn tại của cách mạng miền Nam nói chung, của Thăng Bình nói riêng, bất chấp mọi quyết tâm đảo ngược của kẻ thù, không thể nào "tát nước bắt cá" như chúng muốn. Mạng lưới hầm bí mật ở đâu cũng có, anh em du kích cán bộ lên xuống trước mặt dân. Kẻ thù như muốn lộn vỏ trái đất tìm hầm bí mật, nhưng trừ vài trường hợp vội vàng, trừ chỉ điểm phản bội còn không, hầm bí mật vẫn ở trong vòng bí mật, được nhân dân che chở.
Những con em người dân bị bắt lính, hoặc lý do này nọ mà phải cầm súng cho địch thì anh em hoặc tự vô hiệu hóa mình hoặc tìm cách thoái thác không tham gia chém giết đồng bào mình, họ gây dựng cơ sở nội ứng. Hoặc tìm cách trở về với cách mạng do hiểu và nghe điều hơn lẽ thiệt của cán bộ địch vận, anh Đoàn Ngọc Hoàng ở Bình Phú từ bỏ hàng ngũ địch trở về với du kích, tham gia đánh địch đẩy lui một đại đội bảo an là tiêu biểu, đó là những người "mang súng Mỹ nhưng lòng ta".
Ngay như con nít sinh ra lớn lên giữa đạn bom của kẻ thù, sớm biết cách tránh bom, lừa địch để bảo vệ các chú các anh du kích bộ đội, các em đứng không cao hơn cây súng mà đòi làm du kích, đòi đi đánh Mỹ. "Tuổi nhỏ chí lớn" không hiếm trên mảnh đất Thăng Bình. Đúng là, khi kẻ thù hướng nòng súng về phía ta, ta tìm cách quay nòng súng về phía địch, bất kể là ai, trẻ cũng như già.
Nghị quyết Bộ chính trị nêu: chuyển cuộc chiến tranh sang thời kỳ mới, giành thắng lợi quyết định. Huyện ủy mở hội nghị; làm tốt nhiệm vụ lịch sử tổng công kích tổng khởi nghĩa xuân 1968. Chỉ trong vòng 10 ngày đã có 750 thanh niên tình nguyện đi bộ đội, 150 dân công sẵn sàng phục vụ tiền tuyến. Quần chúng tranh nhau đi đấu tranh chính trị, nhiều gia đình ông bà cha mẹ con cháu xin đi.
23 giờ ngày 30 tết Mậu Thân 1968, LLVT từ nhiều hướng nhiều mũi bắt đầu áp sát mục tiêu, 3giờ ngày mồng một Tết lực lượng đấu tranh chính trị với khí thế đội quân khởi nghĩa. Hàng ngàn người Bình Giang tiến đến ngã tư Hà Lam, lính hăm dọa, một cụ già ôn tồn nói với chúng "chính phủ ông Thiệu, ông Kỳ đổ,các anh đã biết chưa?’Bọn lính đánh cụ, nhóm thiếu nhi xáp vô, hô "đả đảo đánh người". Bọn địch lại đánh các em, phụ nữ xáp vô vận đ&oci