Thăng Bình xây dựng “nghề cá có trách nhiệm”
Không chỉ đạt mục tiêu về xây dựng tổ chức công đoàn, phát triển đoàn viên, năm 2024 vừa qua, Liên đoàn Lao động huyện Thăng Bình còn tham gia tốt cùng chính quyền các cấp của huyện trong việc vận động ngư dân gia nhập tổ chức và thành lập nghiệp đoàn nghề cá, góp phần thúc đẩy kinh tế biển phát triển, đồng thời xây dựng hình mẫu ngư dân làm “nghề cá có trách nhiệm”.

Chuẩn bị cho chuyến biển đầu xuân Ất Tỵ 2025 này, tâm thế của anh Hoàng Hiền (thôn Phước An, xã Bình Hải, Thăng Bình) không đơn thuần là một ngư dân như các năm trước mà trong anh còn có sự háo hức, vui tươi của một đoàn viên nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Hải. Anh Hiền chia sẻ, gần 50 tuổi, với nhiều năm làm nghề đánh bắt cá trên biển; từng tham gia góp vốn đóng tàu vỏ thép đánh bắt cá xa bờ, anh Hiền hiểu khá rõ nỗi vất vả, gian truân của nghề đi biển. Có những chuyến biển “thuận buồm xuôi gió” cập bờ, các anh mang về nguồn thu từ vài tạ đến cả tấn cá, mực, thu nhập lên đến hàng chục triệu đồng mỗi người, nhưng cũng có khi về tay trắng, lỗ vốn. Những lúc như vậy, chúng tôi phải vay mượn tiền từ người thân, vay từ ngân hàng để chuẩn bị cho những chuyến mưu sinh nghề biển tiếp theo.
“Là lao động tự do, nên mỗi khi có sự cố, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Còn bây chừ trở thành đoàn viên nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Hải, hy vọng những khó khăn vướng mắc này chúng tôi sẽ có nơi để giải bày, nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ kịp thời” - anh Hoàng Hiền, thôn Phước An, xã Bình Hải nói.


Xã Bình Hải là địa phương cuối cùng của huyện Thăng Bình thành lập Nghiệp đoàn nghề cá. Có 207/400 ngư dân được kết nạp trở thành đoàn viên. Ông Nguyễn Kim Tư - Chủ tịch UBND xã Bình Hải cho biết, người dân Bình Hải chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản. Toàn xã có 184 tàu thuyền, trong đó, 22 tàu đánh bắt xa bờ, 162 tàu đánh bắt vùng bờ. Bình quân mỗi năm, ngư dân xã Bình Hải tham gia đánh bắt khoảng 500 tấn cá, tôm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Để nghề cá hoạt động ổn định, nâng cao nhận thức của ngư dân, đặc biệt là hành nghề khai thác và đánh bắt cá có trách nhiệm, thời gian qua, địa phương phối hợp Liên đoàn lao động huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành lập Nghiệp đoàn nghề cá. Chúng tôi mong muốn, nghiệp đoàn làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân trong việc chăm lo bảo vệ những quyền lợi chính đáng, giúp đoàn viên yên tâm cải hoán, đóng mới tàu thuyền vươn khơi bám biển, đưa ngành đánh bắt thủy hải sản của huyện Thăng Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Ông Trần Văn Nam cho biết, Nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Hải được thành lập theo Quyết định 68/QĐ-LĐLĐ ngày 25/10/2024 trực thuộc Liên đoàn lao động huyện, với 207 đoàn viên; Ban Chấp hành gồm 9 ủy viên, bản thân ông được chỉ định làm Chủ tịch lâm thời. Từ một ngư dân trở thành chủ tịch Nghiệp đoàn, ông Nam không chỉ hiểu rõ những khó khăn mà ngư dân gặp phải khi hành nghề đánh bắt thủy sản trên biển, mà ông còn nhận thức được trách nhiệm đầu tàu trong việc tập hợp, tuyên truyền, tuyên truyền vận đoàn viên, ngư dân của địa phương tham gia đánh bắt cá có trách nhiệm. Vì vậy vừa quan tâm tổ chức các hình thức tuyên truyền chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước có liên quan đến hoạt động đánh bắt hải sản, giúp ngư dân có điều kiện tiếp cận các thông tin, kiến thức về các quy định khai thác đánh bắt cá trên biển, để tích cực tham gia “nghề cá có trách nhiệm”, ông cùng các thành viên trong ban chấp hành nghiệp đoàn thường xuyên theo dõi nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đoàn viên ngư dân, kịp thời có những giải pháp hỗ trợ hợp lý, đồng thời thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động ngày càng thu hút đoàn viên tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức, phát huy truyền thống lao động cần cù, đoàn kết trong đánh bắt để xây dựng nghiệp đoàn ngày càng phát triển vững mạnh.

Ông Trần Ngọc Đội - Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Thăng Bình cho biết: Thăng Bình 4/20 xã, thị trấn thuộc bãi ngang ven biển gồm Bình Minh, Bình Dương, Bình Nam và Bình Hải. Có gần 200 tàu có công suất lớn từ 250 CV trở lên tham gia đánh bắt xa bờ và nhiều tàu, thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ. Sản lượng đánh bắt hằng năm đạt từ 10.000 đến 14.000 tấn, thu nhập bình quân từ 150 - 200 triệu đồng/một lao động. Để nâng cao giá trị khai thác thủy hải sản, xây dựng nghề cá có trách nhiệm, Liên đoàn lao động huyện tập trung phối hợp các địa phương vận động thành lập nghiệp đoàn nghề cá. Đến nay, đã thành lập 4 Nghiệp đoàn nghề cá, với 665 đoàn viên. Liên đoàn Lao động huyện và các Nghiệp đoàn thường xuyên phối hợp với UBND các xã, đồn biên phòng Bình Minh tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân về các quy định khai thác và đánh bắt cá xa bờ; tuyên truyền quyền và chủ quyền biển, đảo; các quy định nêu trong Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Thủy sản năm 2017,.... Ngoài ra, thông qua Icom và máy bộ đàm trên các tàu cá, ngành chức năng, chính quyền địa phương và nghiệp đoàn thường xuyên cung cấp thông tin về phong trào toàn dân tham gia bảo vệ biên giới biển đảo của Tổ Quốc, bảo đảm an toàn khi đi khai thác cũng như khi về cảng cá báo cáo theo qui định đến các chủ tàu, thuyền viên và đoàn viên. Bên cạnh đó, các địa phương còn xây dựng 37 tổ đoàn kết đánh bắt trên biển.
"Vừa tham gia đánh bắt cá đúng quy định, đoàn viên nghiệp đoàn còn đoàn kết hỗ trợ lai dắt và giúp đỡ tàu, thuyền không may gặp nạn trên biển, tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, động viên đoàn viên khó khăn, bệnh tật, ... với số tiền gần 60 triệu đồng. Nhìn chung, ngay sau khi thành lập các Nghiệp đoàn nghề cá và đoàn viên nghiệp đoàn của huyện Thăng Bình phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ khi hành nghề trên biển" - ông Trần Ngọc Đội thông tin thêm.

Theo ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện, Thăng Bình hiện có 452 tàu cá (từ dưới 6m đến trên 15m), trong đó có 348 tàu cá (trên 6m đến 15m) đã được cấp phép, những tàu cá dưới 6m không cấp giấy chứng nhận. Thời gian qua, cùng với tuyên truyền các văn bản pháp luật cho chủ tàu cá khai thác vùng biển xa, khai thác vùng biển quốc tế. Huyện cũng đã phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh giám sát chặt chẽ toàn bộ tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác trái phép như: tàu cá chưa lắp thiết bị VMS, ngưng hoạt động xóa đăng ký, chưa được cấp phép khai thác… vận động ngư dân nâng cấp, đóng tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ.
Triển khai thực hiện hướng dẫn đăng ký, cấp phép tàu cá theo Thông tư số 06 của Bộ NN&PTNT, Thăng Bình đã hướng dẫn ngư dân đăng ký kê khai, lập hồ sơ và thực hiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, Giấy phép khai thác thuỷ sản được 193/194 tàu( trong đó Bình Dương có 5 tàu, Bình Minh có 34 tàu, Bình Nam có112 tàu, Bình Hải có 42 tàu).
Cũng theo ông Húy, việc vận động thành lập nghiệp đoàn nghề cá của huyện Thăng Bình không chỉ vì mục tiêu về phát triển tổ chức công đoàn hay phát triển đoàn viên, mà đây còn là giải pháp để huyện chúng tôi tăng cường quản lý hoạt động khai thác hải sản trên biển, thúc đẩy kinh tế biển phát triển. "Trong xu thế hội nhập, chúng tôi mong muốn sẽ cùng với cả tỉnh tham gia chống khai thác hải sản bất hợp pháp không khai báo, không theo quy định, đồng thời tạo dựng hình mẫu ngư dân làm “nghề cá có trách nhiệm” - ông Nguyễn Văn Húy, Phó Chủ tịch UBND huyện nói.