Tháng Tư- Nhớ về địa chỉ đỏ Núi Chùa Ngọc Sơn
Di tích địa đạo Ngọc Sơn và Núi Chùa Ngọc Sơn vinh dự được cộng nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2020 và 2023. Nơi đây đã chứng kiến hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm của quân và dân xã Bình Phục nói riêng và huyện Thăng Bình nói chung.
1. Núi Chùa Ngọc Sơn
Ông Lê Thông - Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho biết, theo các bậc cao niên kể lại, Núi Chùa nằm trong quần thể núi Ngọc Sơn. Gọi là Núi Chùa vì xưa kia trên ngọn núi này có ngôi chùa thờ Phật. Qua thời gian và chiến tranh, đến nay ngôi chùa không còn nữa. Núi Chùa có vị trí chiến lược trong công tác quốc phòng. Đứng ở đỉnh núi có thể nhìn bao quát hết làng Ngọc Sơn, cả xã Bình Phục và nhìn thấy một số xã vùng đông của huyện Thăng Bình. Đây là một ngọn núi hiếm hoi nằm giữa đồng bằng, phía trước là một bàu nước lớn gọi là bàu Bàng, sau núi là một động cát trắng mênh mông.
Trong ký ức và tâm tưởng của người dân Bình Phục, Núi Chùa là nơi linh thiêng, huyền bí. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nơi đây đã từng “nuôi giấu cách mạng”, là nơi để du kích, bộ đội tập luyện, mai phục và theo dõi địch từ xa. Núi Chùa là địa điểm then chốt của cách mạng vùng đông Thăng Bình. Nơi đây đã diễn ra nhiều trận chiến ác liệt giữa quân ta và quân địch, làm kẻ thù khiếp sợ. Trong đó, tiêu biểu và ác liệt nhất là trận đánh của Đại đội 3, Tiểu đoàn 72 Quảng Nam diễn ra vào tháng 8 năm 1972.
Theo nguyện vọng của nhân dân, năm 2018, Ban cán sự thôn đã vận động được 400 triệu đồng để xây dựng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại đây và nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Di tích Núi Chùa Ngọc Sơn là nơi chứng kiến hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm. Quân và dân xã Bình Phục được Nhà nước phong tặng 248 huân chương, 90 huy chương, 54 bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), có 45 Mẹ Việt Nam anh hùng và 226 liệt sĩ…
2. Địa đạo Ngọc Sơn
Theo nhiều nhân chứng lớn tuổi tại địa phương kể lại, địa đạo Ngọc Sơn được quân và dân trong xã Bình Phục xây dựng từ tháng 10 năm 1947 mãi một năm sau mới hoàn thành. Địa đạo có chiều dài gần 1 km, chiều rộng 1m, chiều cao 1,2 m, nằm sâu lòng núi Ngọc Sơn. Ngọc Sơn thời chống Pháp là vùng tự do, bộ đội ta thường về trú quân, dưỡng quân, dùng địa đạo để tránh bom và đề phòng địch nhảy dù đổ quân. Đến thời chống Mỹ, du kích và nhân dân xã Bình Phục đã đào thêm một số công sự nối với địa đạo tạo nên một hệ thống dưới lòng đất.
Từ đây đã góp phần tạo nên những chiến công lớn của quân và dân địa phương. Năm 1967, địch đánh bom liên tục vào miệng hầm, dùng máy bay thả thép gai bịt miệng hầm và cho lính canh gác. Địch còn dùng máy bay thả thuốc nổ đánh sập miệng hầm và một đoạn khá dài của địa đạo. Nhiều chiến sĩ du kích cách mạng bị bắt. Địa đạo Ngọc Sơn là nơi góp phần quan trọng trong hoạt động cách mạng để giải phóng xã Bình Phục. Đây cũng là nơi thể hiện rõ nét tinh thần đoàn kết, bất khuất, kiên trung của người dân trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
Ông Lê Thông - Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho biết thêm, Bình Phục là vùng đất giàu truyền thống đấu tranh cách mạng. Đã có lớp lớp người con đứng lên cầm súng đánh giặc, giữ gìn từng tấc đất, từng mảnh vườn cho quê hương và chung bước quân hành trên chiến trường khắp mọi miền đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến đã có biết bao người con Bình Phục ngã xuống. Mỗi tấc đất, mỗi góc vườn, mỗi con đường trên quê hương này đều thấm đẫm máu đào của đồng bào, đồng chí. Trong đó, địa danh địa đạo Ngọc Sơn và Núi Chùa Ngọc Sơn mãi mãi là niềm tự hào về lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân huyện Thăng Bình nói chung, xã Bình Phục nói riêng. Di tích Địa đạo Ngọc Sơn và di tích Núi Chùa Ngọc Sơn là hai di tích có giá trị lịch sử lớn mà cha ông để lại; địa phương phải có trách nhiệm quản lý, bảo tồn một cách khoa học. Đây chính là một nhiệm vụ quan trọng của nhân dân và cán bộ xã Bình Phục.
Thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, di tích Địa đạo Ngọc Sơn và Núi Chùa Ngọc Sơn được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là niềm tự hào đối với Đảng bộ, Chính quyền và toàn thể Nhân dân xã Bình Phục. “Chúng tôi đem hết tâm huyết để bảo vệ và tôn tạo, đảm bảo cho di tích này mãi mãi trường tồn và nơi đây sẽ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ”- Ông Lê Thông, Chủ tịch UBND xã Bình Phục nói.