Thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
75 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023), sức sống và giá trị hiện thực của phong trào thi đua yêu nước sâu rộng, thiết thực gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn lịch sử của đất nước vẫn hiển hiện sinh động trong thực tiễn, đặc biệt là sự gắn kết giữa nội dung các phong trào thi đua yêu nước với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thi đua ái quốc một cách thiết thực
Cách đây 75 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, kêu gọi toàn dân tích cực thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm, để công cuộc kháng chiến, kiến quốc giành thắng lợi... Từ đó đến nay, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng, động lực để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tích cực đoàn kết, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để làm nên những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng mục đích của thi đua là để: “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”. Theo Người, muốn đạt mục đích trước mắt, muốn đồng thời diệt được cả 3 thứ giặc đó để mỗi người dân đủ ăn, đủ mặc, biết đọc, biết viết, có đầy đủ lương thực và khí giới đánh thắng giặc ngoại xâm, tiến tới đạt được mục đích lâu dài thì cách làm là “dựa vào: Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân” và thế là chúng ta sẽ thực hiện: “Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc”. Ngắn gọn, súc tích và bao quát, Lời kêu gọi thi đua ái quốc thể hiện sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước.
Tùy theo tình hình thực tế của đất nước, tùy từng giai đoạn lịch sử cụ thể mà đề ra yêu cầu, mục đích khác nhau, song nội dung thi đua yêu nước phải luôn gắn liền với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, quân sự, với rèn luyện đạo đức cách mạng,... Thi đua yêu nước cũng gắn liền với tự phê bình và phê bình, vì tự phê bình và phê bình sẽ giúp phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong quá trình tổ chức và thực hiện các phong trào thi đua yêu nước. Qua đó, không chỉ góp phần động viên mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi địa phương tập trung tinh thần và lực lượng thi đua, đoàn kết nội bộ, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, mà còn cổ vũ mọi người nỗ lực tu dưỡng đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng nói, thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để mỗi người khi tham gia phong trào thi đua nâng cao tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, ý thức làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng đất nước; đồng thời, khắc phục mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ sự nỗ lực phấn đấu trong từng công việc hàng ngày, mỗi người tự chiến thắng những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong mình như quan liêu, tham ô, lãng phí, xa hoa… Do đó, thi đua không chỉ giúp “chiến thắng mọi tính xấu trong mình ta” mà còn sẽ giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ thêm để thi đua mãi. Nói về bản chất của thi đua, Hồ Chí Minh nhấn mạnh, “thi đua không phải là ganh đua” mà đó là nơi để mỗi người đều có thể tìm tòi, phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm và cùng tiến bộ.
Tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước gắn với học tập và làm theo lời Bác
Phát huy kết quả phong trào thi đua yêu nước trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”, “Chiến sĩ ở trước mặt trận thi đua giết giặc lập công, đồng bào ở hậu phương thi đua tăng gia sản xuất”, “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”… khi miền Bắc được giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, khi cách mạng Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, phong trào thi đua yêu nước đã bước sang một giai đoạn mới với những nội dung mới.
Phong trào thi đua yêu nước phát triển nhanh rộng, với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”… Từ trong mưa bom, bão đạn, phong trào thi đua: “5 dứt điểm” trong y tế; “Hai tốt” trong giáo dục, “5 xung phong” trong thanh niên, phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” của văn nghệ, “Xứng danh anh bộ đội Cụ Hồ” trong lực lượng vũ trang nhân dân, “Ba xây ba chống”, “Ba sẵn sàng”, “Ba nhất”, “Ba quyết tâm”, “Tay cày tay súng”,… của quân dân miền Bắc, các phong trào thi đua “Bám đất giữ làng”, “Một tấc không đi, một ly không dời”, “Giết giặc lập công”, “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”, “Quyết thắng giặc Mỹ”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm nguỵ mà diệt”, “Bám thắt lưng địch mà đánh”, “Căng địch ra mà đánh, vây chúng lại mà diệt”… cũng phát triển rộng khắp miền Nam.
Cùng với những thành tựu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, những chiến công của những dũng sĩ diệt Mỹ, anh hùng quân giải phóng của miền Nam “Thành đồng Tổ quốc”… đã làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm cho phong trào thi đua yêu nước của nhân dân Việt Nam phát triển sâu rộng trên cả nước. Khát vọng thống nhất non sông hoà quyện, thống nhất với ý chí quyết chiến, quyết thắng với quân thù, làm cho các phong trào thi đua của quân dân hai miền Nam - Bắc nở rộ biết bao tấm gương anh hùng, chiến sĩ thi đua. Cùng với thắng lợi trên chiến trường, sức mạnh của phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc: giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Tiếp tục phát huy sức mạnh của phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ mới, vận dụng và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước - một trong những nhân tố quan trọng, quyết định việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Ngày 4/3/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg “Về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là ngày Thi đua yêu nước”. Tùy vào tình hình và nhiệm vụ của mỗi giai đoạn, các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, nối tiếp nhau của các ngành, các giới từ Trung ương đến địa phương đã ngày một lan nhanh, tỏa rộng trong thực tiễn.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua trên địa bàn huyện Thăng Bình các cấp uỷ đảng, chính quyền, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã tuyên truyền sâu rộng về các phong trào thi đua yêu nước, nhờ đó nhiều phong trào thi đua yêu nước được tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả thiết thực. Các phong trào thi đua yêu nước không chỉ tác động tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, mà đã góp phần quan trọng và làm phong phú, cụ thể trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tác động tích cực góp phần nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong sạch vững mạnh; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy lùi tệ nạn quan liêu, tham nhũng; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, tạo nhiều việc làm, giảm số hộ nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền “đi trước một bước” nên trên địa bàn toàn huyện Thăng Bình đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua yêu nước sôi nổi gắn với các lĩnh vực của đời sống xã hội như: phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của CNVC-LĐ, lĩnh vực giáo dục và đào tạo có phong trào: “Thi đua dạy tốt, học tốt”; lĩnh vực y tế có phong trào “Lương y như từ mẫu, thầy thuốc như mẹ hiền”. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; lĩnh vực quốc phòng- an ninh có phong trào: "Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ", "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc",…
Đặc biệt là phong trào thi đua: “Thăng Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” có quy mô toàn tỉnh với sự vào cuộc rất tích cực của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành, các địa phương, mục tiêu kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và có nhiều đóng góp thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, tạo sự hài hòa giữa khu vực thành thị và nông thôn. Chính nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn không ngừng được đổi mới, đời sống người dân từng bước được cải thiện; cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế xã hội được tăng cường đầu tư phát triển mạnh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, Nhân dân tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quản lý của chính quyền các cấp. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Thăng Bình chung sức xây dựng nông thôn mới” đến nay, toàn huyện đã có 17/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trung bình 14,9 tiêu chí nông thôn mới/xã; 03 xã: Bình Nam, Bình Lãnh, Bình Quế đã trình hồ sơ, chờ tỉnh kiểm tra công nhận (dự kiến trong tháng 6/2023); có 6 thôn đạt chuẩn thôn NTM và 21 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Điểm nổi bật là các phong trào thi đua được triển khai thực hiện gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nên những giá trị nhân văn sâu sắc, là động lực to lớn để động viên toàn thể cán bộ, hội viên, đoàn viên và tinh thần hưởng ứng của nhân dân, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì cuộc sống cộng đồng, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Có thể thấy rằng, 75 năm qua, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ðảng và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Các phong trào thi đua đã động viên các tầng lớp Nhân dân vượt qua gian nan, thử thách và trở thành động lực to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.