Tọa đàm khoa học “Bảo tồn động vật hoang dã và phục hồi đa dạng sinh học”
Sáng ngày 19/3, Trường Đại học Quảng Nam phối hợp với Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học, dự án VFBC tổ chức Tọa đàm “Bảo tồn động vật hoang dã và phục hồi đa dạng sinh học” với chủ đề: Lên tiếng và hành động vì động vật hoang dã. Tham dự Tọa đàm có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và hơn 600 sinh viên và giảng viên Trường Đại học Quảng Nam.
Việt Nam được ghi nhận là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới với khoảng 51.400 sinh vật, trong đó có khoảng 10.900 loài động vật trên cạn, 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước, 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt, hơn 11.000 loài sinh vật biển khác và 7.500 chủng vi sinh vật. Đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng đến sự tồn tại và phát triển của con người. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, mua bán, sử dụng trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) ngày càng tăng, việc này đã đẩy nhiều loài ĐVHD đến bên bờ tuyệt chủng và ảnh hưởng đến tính đa dạng sinh học. Đáng chú ý, những hành vi trái phép liên quan đến ĐVHD còn là mối đe dọa đối với sức khỏe con người và vật nuôi.
Phần lớn (70%) các bệnh mới nổi (ví dụ: Ebola, Zika, viêm não Nipah), và gần như tất cả các đại dịch mà loài người đã biết (ví dụ: cúm A H5N1, HIV/AIDS, COVID-19), là bệnh lây truyền từ động vật sang người. Những loai bệnh này được lây truyền và lan rộng do tiếp xúc giữa động vật hoang dã, vật nuôi, và con người. Các mầm bệnh từ động vật hoang dã, gia súc và con người có thể cũng đe dọa trực tiếp đến suy giảm đa dạng sinh học, và phát triển nguy cơ lây bệnh sang người. Thêm vào đó, những cá nhân hay tổ chức có hành vi xâm hại ĐVHD hay sản phẩm ĐVHD trái phép còn có nguy cơ vướng lao lý. Theo các quy định hiện hành, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã có thể bị phạt tiền lên đến 2 tỉ đồng và phạt tù lên đến 15 năm.
Nguy cơ là vậy nhưng những hành vi xâm hại ĐVHD vẫn còn tiếp diễn. Một trong những hành vi phổ biến và tồn tại ở tất cả các địa phương là tiêu thụ thịt ĐVHD. Kết quả khảo sát về tiêu thụ thịt ĐVHD do WWF thực hiện trong năm 2021-2022 cho thấy, số lần ăn thịt ĐVHD trung bình của nhóm người có tiêu thụ thịt ĐVHD là 7 lần/năm và chi khoảng 400.000đ/lần/người. Ba nhóm khách hàng chính tiêu thụ thịt động vật hoang dã nằm trong độ tuổi từ 20 – 49.
Đáng chú ý, nhóm khách hàng trẻ trong độ tuổi 20 – 29 ở khu vực thành thị lại chiếm tỉ lệ khá cao và 50% số người trong nhóm khách hàng 20-29 là đang đi học, có khả năng cao tham gia vào chuỗi tiêu dùng thịt ĐVHD. Với khu vực thành thị, nhóm người có học vấn từ cao đẳng đến đại học chiếm tỉ lệ gần 70% trong số người có tiêu thụ thịt ĐVHD được khảo sát.
Nhóm khách hàng trẻ cũng mới sử dụng thịt ĐVHD được khoảng 3 năm với số lần ăn trung bình là 3-4 lần/năm – thấp hơn mức trung bình chung – là 7 lần/năm. Hai động cơ đầu tiên dẫn đến hành vi tiêu thụ thịt ĐVHD của nhóm khách hàng trẻ là cho rằng ăn thịt ĐVHD là sành điệu và thấy nhiều người ăn nên ăn theo. Những người trẻ tuổi cũng có nguy cơ trở thành người tiêu dùng thịt ĐVHD tiềm năng nếu không được cảnh báo sớm. Do đó, việc tác động đến sinh viên và/hoặc đoàn viên thanh niên là cần thiết để góp phần bẻ gãy mắc xích tiêu dùng thịt động vật hoang dã hiện tại và tiềm năng.
Nhằm góp phần giảm nhu cầu và tiến đến chấm dứt hành vi tiêu thụ thịt ĐVHD trong giới trẻ, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học phối hợp với các Trường Đại học/Cao đẳng và các đối tác địa phương đã và sẽ thực hiện chiến dịch “Bẻ gãy mắc xích tiêu dùng thịt ĐVHD” hướng đến nhóm khách hàng tiềm năng trẻ tuổi là sinh viên và đoàn viên thanh niên’ tại các địa bàn dự án.
Thông qua Tọa đàm lần này giúp nâng cao hiểu biết và kiến thức về đa dạng sinh học và bảo tồn động vật hoang dã ở nhóm khách hàng tiềm năng và trẻ tuổi, đặc biệt là nhóm sinh viên. Thúc đẩy sự tham gia của ngành giáo dục nói chung và sinh viên nói riêng vào công tác giảm cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã trái phép.