Xã Bình Tú - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân 02/03/2016 | 12:00 AM 2699 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết Bình Tú là xã thuộc vùng Trung của huyện Thăng Bình, cách thị trấn Hà Lam (huyện lỵ Thăng Bình) về phía Nam 5 km; cách tỉnh lỵ Quảng Nam (thành phố Tam kỳ) về phía Bắc 16 km. Phía Bắc giáp xã Bình Phục; phía Nam giáp xã Bình Trung; phía Tây giáp xã Bình Chánh và Bình Quý; phía Đông giáp xã Bình Sa và Bình Triều. Bình Tú có diện tích tự nhiên 2003 ha; dân số trong kháng chiến chống Mỹ có 9.500 người, hiện nay, dân số trung bình của xã là 12.886 người. Là xã đồng bằng, có đường Quốc lộ 1A chạy ngang qua và một con đường thảm nhựa chạy dọc từ Tây sang Đông, là con đường huyết mạch quan trọng, có vị trí chiến lược quốc phòng và là con đường nối liền các xã cánh Tây của huyện: Bình Chánh, Bình Phú, Bình Định, Bình Trị với các xã cánh Đông: Bình Triều, Bình Sa, Bình Hải, Bình Minh…phục vụ giao lưu kinh tế, văn hóa, sản xuất và sinh hoạt đời sống của nhân dân trong huyện. Về đất đai, thổ nhưỡng, vùng phía Đông chủ yếu là cát trắng bạc màu; vùng phía Tây của xã chủ yếu là cát pha lẫn đất thịt. Nhân dân trong xã chủ yếu sống bằng nông nghiệp với cây lúa nước là chủ yếu, cùng cây khoai lang, cây sắn. Dưới thời Pháp thuộc, giai cấp bần cố nông chiếm khoảng 80 - 90%, phần lớn ruộng đất do giới địa chủ, phú nông sở hữu quản lý phát canh thu tô, nông dân là người làm thuê, bị áp bức, bóc lột, không được học hành. Sự khổ cực, đói nghèo của người dân đã hình thành nên tư tưởng căm thù thực dân, phong kiến. Tháng 3 năm 1940, chi bộ Đảng đầu tiên của xã Bình Tú ra đời gồm 5 đảng viên, do đồng chí Võ Dần làm Bí thư. Đây là dấu ấn lịch sử của nhân dân Bình Tú và là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị của những ngày đầu tiền khởi nghĩa. Và từ đây, nhân dân xã Bình Tú thực hiện ý nguyện chính đáng của mình có được sự lãnh đạo bằng chủ trương, nhiệm vụ của Đảng Cộng sản. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Bình Tú tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào chống thực dân Pháp như: phong trào Cần Vương, Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân, do những người cốt cán ở Bình Tú tổ chức, hướng dẫn tham gia, đã gây được ý thức mới trong thanh niên và giai cấp nông dân về quyền dân sinh, dân chủ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng, vào tháng 9 năm 1941, có trên 500 quần chúng nhân dân tổ chức mít tinh tại An Thạch để ủng hộ phong trào khởi nghĩa Bắc Sơn. Tháng 7 năm 1945, các đoàn thể cứu quốc ở các nơi trong xã đã trưởng thành một bước, cán bộ cốt cán được bổ sung nhiều hơn trước. Từ đó, xã tiến hành tuyển chọn 200 thanh niên có tư tưởng tiến bộ, có ý chí chiến đấu vì nhân dân để thành lập các tiểu đội, trung đội tự vệ, đồng thời tiến hành tổ chức huấn luyện quân sự. Cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở phủ Thăng Bình, xã Bình Tú có trên 1.000 cán bộ và nhân dân dùng gậy gộc, giáo mác, cuốc thuổng…rầm rập kéo về phủ lỵ cùng nhân dân toàn phủ đấu tranh cướp chính quyền thắng lợi. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bình Tú có 120 thanh niên ưu tú là con em của nông dân tham gia vệ quốc đoàn; hơn 350 lượt người tham gia các đoàn dân công hỏa tuyến phục vụ chiến trường, tiếp lương, tải đạn, khiêng thương tại chiến trường Tây nguyên, hạ Lào và trong tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; nhân dân Bình Tú đã đóng góp 450 tấn gạo, 45 con trâu, bò; 250 con heo và hàng ngàn con gà vịt ủng hộ kháng chiến. Hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”, nhân dân đã đóng góp 55,5 chỉ vàng, 935 kg đồng; tham gia hơn 10.000 ngày công đào 45 km giao thông hào, vót hàng ngàn cây chông tre để rào làng chiến đấu bảo vệ vùng tự do. Xã Bình Tú còn dành riêng 30 mẫu ruộng, giao cho Nông hội quản lý phát canh thu hoa lợi để nuôi quân và mua sắm đồng phục cho dân quân du kích. Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Tại Điều 14C của Hiệp định, quy định sau 2 năm (tức tháng 6.1956), nhân dân ta sẽ tiến hành Tổng tuyển cử tự do, thống nhất nước nhà, nhưng đế quốc Mỹ hất cẳng thực dân Pháp, dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm để thực hiện âm mưu xâm lược lâu dài đối với nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ. Khi Ngô Đình Diệm lên nắm quyền, bọn chúng đã ban hành Luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam, thực hiện chiến dịch “tố cộng”,“diệt cộng” với dã tâm “giết lầm hơn bỏ sót”. Ở Bình Tú ngày đêm chúng truy lùng, bắt bớ, tra tấn, giam cầm, thủ tiêu cán bộ, đảng viên, những người tham gia kháng chiến chống Pháp, đàn áp đồng bào, truy bức cơ sở, nhằm triệt tiêu “mầm mống cộng sản” một cách man rợ, hèn hạ; hàng chục cán bộ, đảng viên bị thủ tiêu, hàng trăm người bị bắt, tù đày; trong số đó, có nhiều người bị tàn phế, thương tật suốt đời. Song cán bộ, đảng viên không khuất phục, vẫn một lòng vì dân, vì Đảng, trung thành với sự nghiệp của Đảng; nhiều gia đình cơ sở cách mạng vẫn kiên trung nuôi giấu cán bộ, đào hầm bí mật để chở che cán bộ hoạt động nằm vùng ngay trong nhà mình năm này, tháng nọ, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đầu năm 1962, Bình Tú tiếp tục móc nối, xây dựng lại cơ sở và hoạt động mạnh bên trong vùng địch tạm chiếm; thành lập đội vũ trang mật gồm 10 thanh niên, dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoàng Hoanh. Từ đây, thực lực cách mạng của xã Bình Tú được tăng cường vững mạnh hơn. Những năm tiếp theo, Bình Tú vừa tăng cường cơ sở chính trị, kinh tế, binh địch vận, thành lập Đội du kích B (bí mật)…trên cơ sở đó, triển khai phương án diệt ác ôn, tề ngụy, phá thế kèm kẹp của Mỹ ngụy, giải phóng quê hương, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Đầu năm 1966, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào chiến trường miền Nam cùng với phương tiện chiến tranh hiện đại. Chúng tăng cường càn quét, đánh phá vùng giải phóng với âm mưu giành lại thế chủ động trên chiến trường và hoàn thành chương trình bình định nông thôn trên toàn miền Nam trong vòng 18 tháng; nhưng âm mưu của Mỹ bị quân và dân ta đánh bại trên chiến trường, chiến tranh cục bộ bị phá sản; rồi đến chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, thay màu da trên xác chết, chúng chủ trương rút quân Mỹ dần về nước đưa quân ngụy thay quân Mỹ trên chiến trường. Xã Bình Tú là một trong các địa phương của huyện Thăng Bình nằm trong vùng trọng điểm đánh phá, càn quét của quân Mỹ - ngụy để thực hiện các chiến lược đó; nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Bình Tú vẫn kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một ly không rời” cùng nhân dân đánh địch, quyết tâm bảo vệ vùng giải phóng. Trong hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ của lực lượng du kích xã, hoặc du kích xã phối hợp với bộ đội địa phương của tỉnh, của huyện và bộ đội chủ lực quân khu V đã diễn ra trên địa bàn xã Bình Tú làm quân thù khiếp sợ. Tháng 8 năm 1963, du kích xã bất ngờ tập kích đánh ấp chiến lược An Bình, diệt gọn 01 trung đội nghĩa quân 35 tên, thu trên 40 súng các loại, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược, trở về làng cũ. Ngày 5.8.1964, du kích xã giữa ban ngày tổ chức đánh trung đội nghĩa quân tại Cẩm Lũ, tiêu diệt 12 tên, thu 5 súng và nhiều lựu đạn, đạn dược. Đêm ngày 20.12.1964, đội công tác và du kích mật tổ chức đánh trung đội nghĩa quân gần cầu Cẩm Lũ, diệt 5 tên, bắt sống tên Trung đội trưởng, thu 4 khẩu súng. Tháng 2 năm 1966, du kích xã phối hợp cùng bộ đội chủ lực quân khu V phục kích tấn công tiêu diệt 01 đại đội, phá hủy 4 xe GMC của trung đoàn 5, sư đoàn 2 quân ngụy Sài Gòn. Tháng 2 năm 1967, phối hợp với bộ đội chủ lực quân khu V, phục kích đánh đoàn xe quân sự của Mỹ - ngụy trên tuyến Quốc lộ 1A (đoạn Bà Rén, Hương An, Ngọc Phô, Cẩm Lũ), diệt và bắt sống trên 600 tên địch, trong đó có 01 đại đội lính thuỷ đánh bộ Mỹ, thu nhiều quân trang quân dụng. Ngày 14.4.1967, du kích và đội công tác đánh đoàn bình địch của địch tại xóm Gò Bướm - Tú Ngọc, diệt 12 tên. Ngày 10.8.1967, du kích mật và du kích xã đánh vào ấp chiến lược Tú Mỹ, diệt 2 trung đội nghĩa quân và đoàn bình định nông thôn, tiêu diệt 31 tên, thu 40 súng và nhiều quân trang quân dụng. Ngày 6 tháng 6 năm 1970, du kích mật cải trang người chăn trâu diệt tên ác ôn Dương Thặng ngay trên đường y đi gây nợ máu đối với nhân dân. Tháng 12 năm 1971 du kích xã đánh 2 trận diệt 45 tên địch, thu 40 súng các loại. Tháng 8 năm 1972, tại Tú Trà du kích xã phục kích tấn công và tiêu diệt 12 tên lính ngụy từ chi khu quận lỵ Thăng Bình đi càn quét vùng giải phóng xã Bình Tú, thu 9 súng các loại. Tháng 12.1973, du kích liên tiếp phục kích chống địch càn tại An Bình – Mỹ Trà tiêu diệt được 12 tên. Sau khi địch co cụm về Rừng Bồng, ta tiếp tục tổ chức truy kích, tiêu diệt 35 tên, thu 15 súng các loại, đồng thời tổ chức cắm cờ từ rừng Bình Chánh đến Cẩm Lũ. Trong 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, quân và dân xã Bình Tú đã đánh trên 200 trận lớn nhỏ, tiêu diệt gần 300 tên địch (trong đó có 15 tên Mỹ, 20 tên ác ôn có nợ máu với nhân dân); phá hủy 8 xe GMC, 04 xe tăng, thu và phá hủy 1.200 vũ khí các loại. Xây dựng được 150 cơ sở mật, đào 250 hầm bí mật nuôi giấu, chở che 150 cán bộ, bộ đội; có 230 thanh niên tòng quân giết giặc; có 350 thanh niên tham gia lực lượng du kích chiến đấu, bám đất giữ làng; trên 2000 lượt người tham gia đấu tranh chính trị, binh địch vận, vận động 550 binh lính ngụy bỏ hàng ngũ địch trở về với cách mạng. Nhân dân Bình Tú đã đóng góp cho kháng chiến 250 tấn lương thực, 05 tấn thực phẩm… Trải qua hai cuộc kháng chiến, quân và dân xã Bình Tú được Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược: 01 Huân chương kháng chiến hạng Nhì; 03 Bằng khen của Ủy ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược: đối với tập thể được tặng 02 Huân chương chiến công hạng Ba, 01 Huân chương giải phóng hạng Nhì, 01 Cờ phong trào giữ đất, giành dân, 01 Cờ diệt ác, phá kèm và nhiều Bằng khen của Quân khu V; đối với cá nhân: 10 Bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 05 Huân chương Độc lập, 236 Huân chương kháng chiến các hạng (Nhất: 63; Nhì: 28; Ba 145), 603 Huy chương kháng chiến các hạng (Nhất 263; Nhì 340), 94 Bằng khen của Chính phủ, 20 Bằng khen cấp tỉnh và hàng trăm gia đình được nhận Bảng vàng danh dự, Bảng vàng gia đình vẻ vang. Ngày 24 tháng 6 năm 2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Bình Tú vì đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Phát huy truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng mà Đảng bộ và nhân dân xã Bình Tú giành được trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30.4.1975), Đảng bộ và nhân dân xã Bình Tú tập trung vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn, khai hoang mở rộng diện tích, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống tạo thế phát triển đi lên. Công tác cải tạo và xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp triển khai nhanh, đồng bộ, năm 1979 Bình Tú đã xây dựng được 03 hợp tác xã nông nghiệp có quy mô lớn, thật sự là chỗ dựa tin cậy của nhân dân; quan hệ sản xuất được xác lập, từng bước hoàn thiện, nhân dân đóng góp hàng chục ngàn ngày công để làm thủy lợi, đào đắp kênh mương, khai hoang, vỡ hóa, mở rộng diện tích. Năm 2004, toàn xã có 100% hộ nhân dân có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất; mạng lưới trường học được xây dựng kiên cố, số trẻ em trong độ tuổi ra lớp 100%, chất lượng học sinh giỏi ngày càng tăng; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được nhân dân hưởng ứng thực hiện tốt; công tác xóa đói, giảm nghèo được quan tâm; đời sống tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện; quốc phòng, an ninh giữ vững; tình hình trật tự an toàn xã hội đảm bảo; diện mạo của một xã nông thôn đang được đổi mới từng ngày. Với những thành tích đạt được từ sau ngày giải phóng đến năm 2004, Đảng bộ và nhân dân xã Bình Tú được tặng thưởng: 07 năm liền Đảng bộ đạt danh hiệu “Trong sạch vững mạnh”; Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ tặng năm 2002. Năm 1982 - 1987 là xã dẫn đầu phong trào thi đua của huyện Thăng Bình được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý của Trung ương và tỉnh Quảng Nam. Từ sau ngày được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2005), xã Bình Tú đã không ngừng phấn đấu vươn lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất ngành kinh tế đạt 271,7 tỷ đồng, bình quân lương thực đầu người đã đạt 830 kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 21,5 triệu đồng/người/năm. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay Bình Tú là xã đầu tiên của huyện Thăng Bình cơ bản đạt chuẩn xã nông thôn mới. Đời sống nhân dân được cải thiện: có 100% hộ dùng điện sinh hoạt và sản xuất; bê tông hóa trên 70 km giao thông nông thôn tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nhiều khởi sắc, 100% thôn có nhà sinh hoạt văn hóa, 83,05% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, 7/8 thôn đạt thôn văn hóa. Sự nghiệp giáo dục có những chuyển biến tích cực, toàn xã có 1 trường THCS, 2 trường Tiểu học và 1 trường Mẫu giáo, đặc biệt 75% số trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, dân số - KHHGĐ, bảo vệ chăm sóc trẻ em tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 6,47%. Việc thực hiện chính sách cho người có công, bảo trợ xã hội được tăng cường. Hiện nay, toàn xã có 188 liệt sĩ; 47 thương bệnh, binh; 20 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh (hiện nay có 01 mẹ còn sống). Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm còn 3,46%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hằng năm đạt 100% chỉ tiêu tuyển quân, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt yêu cầu số lượng, chất lượng. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị thường xuyên quan tâm và ngày càng vững mạnh. Đảng bộ Bình Tú hiện có 14 chi bộ với 171 đảng viên, đạt 1,33% so với dân số. Đảng bộ xã Bình Tú đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh tiêu biểu” trong 5 năm liền (2000 – 2014). Với những nỗ lực phấn đấu từ năm 2005 đến nay, nhân dân và cán bộ xã Bình Tú được tặng thưởng: Huân chương Lao động hạng Nhì; 03 Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh Quảng Nam; 03 cờ thi đua xuất sắc của UBND huyện Thăng Bình; 09 Bằng khen UBND tỉnh; 07 năm liền tập thể lao động xuất sắc.