Xã Bình Trị - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân 02/03/2016 | 12:00 AM 2674 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết Bình Trị nằm về phía Tây huyện Thăng Bình, cách trung tâm huyện khoảng 15km về phía tây; phía Đông giáp xã Bình Định, phía Tây giáp xã Bình Lãnh, phía Nam giáp xã Tiên Sơn (Tiên Phước) và phía Bắc giáp xã Quế Châu (Quế Sơn). Với diện tích tự nhiên 19,92 km2, dân số trung bình của xã Bình Trị hiện nay là 6.626 người, mật độ dân số trung bình đạt 333 người/km2. Xã Bình Trị là địa phương nằm ở vùng bán sơn địa, địa hình có núi non xen kẽ ở phía Tây. Với địa hình thuận lợi nên trong kháng chiến chống Mỹ, nơi đây có nhiều cơ quan của Tỉnh ủy Quảng Nam và Huyện ủy Thăng Bình đóng chân làm việc an toàn và giữ được bí mật. Trước cách mạng tháng Tám, ở Bình Trị đã sớm xuất hiện các nhân sĩ yêu nước đứng ra tổ chức các phong trào đánh Pháp, đuổi Nhật. Điển hình như các cụ: Nguyễn Hân, Nguyễn Lương, xã Sáu đã chiêu mộ quân sỹ, tự may quần áo, luyện tập binh lính và rèn vũ khí xuống phủ Thăng Bình để đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng. Từ những năm 1940 - 1942, chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào Bình Trị thông qua các thầy giáo Nguyễn Cầu, Trương Kiếm vừa hoạt động hợp pháp vừa dạy học. Tháng Tám năm 1945, toàn dân dùng gậy, gộc, dao, giáo, mác, mỏ xảy… biểu tình lật đổ chính phủ Pháp - Nhật và bè lũ tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân lập nên chế độ mới. Năm 1947, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, chi bộ Đảng Bình Trị được thành lập lấy tên chi bộ Phan Đăng Lưu. Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bình Trị là địa phương có hàng trăm thanh niên tòng quân đi giết giặc, hàng ngàn dân công hỏa tuyến. Nhân dân đã đóng góp hàng ngàn tấn thóc, hàng chục tấn đồng, hàng trăm con trâu, bò cho kháng chiến. Bình Trị còn là nơi đỡ đầu cho nhân dân vùng bị chiếm tản cư lên tránh giặc. Đây cũng là nơi tỉnh mở trường đào tạo cán bộ để lãnh đạo cuộc kháng chiến. Trong những năm 1954 - 1955, Bình Trị trở thành hậu cứ vững chắc của cách mạng, phong trào nuôi giấu cán bộ phát triển rầm rộ, có nhiều cơ sở cách mạng trực tiếp nuôi giấu cán bộ, đảng viên bị địch bắt tra tấn dã man nhưng các mẹ vẫn trung kiên với cách mạng bảo vệ cán bộ đến hơi thở cuối cùng như: mẹ Hồ Thị Mãi,...Trước khí thế cách mạng của nhân dân, bọn tay sai Ngô Đình Diệm tăng cường đàn áp, khủng bố tiêu diệt cơ sở cách mạng, dồn dân nhằm cắt đứt liên lạc với “cộng sản”; tra tấn, thủ tiêu cán bộ, đảng viên hoạt động cơ sở. Tuy nhiên, địch ra sức đàn áp bao nhiêu thì ý chí cách mạng của quân và dân Bình Trị càng dâng cao bấy nhiêu, nhân dân kiên trì bám đất giữ làng, đánh địch đến cùng. Đến năm 1960 - 1961, sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được sự giúp đỡ của huyện và tỉnh, tổ chức đội vũ trang của xã được khôi phục; các cơ sở cách mạng được củng cố lại và đi vào hoạt động có hiệu quả. Cuối năm 1961, đội công tác Bình Trị đã phá thế kìm kẹp của địch bằng các trận đánh phục kích tiêu diệt những tên ác ôn khét tiếng tại ấp chiến lược Ngã Ba, Cốc Ngựa, Vinh Huy… Năm 1962, đội công tác Bình Trị liên tiếp mở các đợt tiến công diệt ác, trừ gian và vào tháng 2 năm 1962, đội công tác phối hợp với bộ đội tỉnh đánh vào trung tâm huấn luyện thanh niên tân trang tại rừng Miếu (Châu Lâm), giết chết 15 tên, bắn bị thương 22 tên ngụy. Từ đó, phong trào giết giặc của quân và dân Bình Trị ngày càng phát triển. Lực lượng vũ trang của xã từ 10 đồng chí, đến giai đoạn 1962 – 1964 lên đến 150 đồng chí. Tháng 8.1964 đến tháng 10.1964, đội công tác xã đã cùng với quần chúng nhân dân đánh vào ấp chiến lược vườn dừa và nhiều ấp chiến lược khác làm tan rã gần 5 trung đội dân vệ, diệt hàng trăm tên, thu 40 súng các loại. Hệ thống chính quyền địch ở xã bị tê liệt. Tháng 12.1964, Bình Trị giành được chính quyền về tay nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ xã, nhân dân dần ổn định đời sống và củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng lực lượng du kích lên đến một đại đội. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể đi vào hoạt động như: Thanh niên, Phụ nữ, Nông hội, Lão thành… Đặc biệt, Hội Phụ nữ đã phát động phong trào hủ gạo tiết kiệm, nhận thương bệnh binh về địa phương nuôi dưỡng đã góp phần không nhỏ vào công tác xây dựng chính quyền. Mùa xuân năm 1965, đơn vị du kích do đồng chí Nguyễn Tuần chỉ huy, phối hợp với Trung đội 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5 bao vây cứ điểm Cao Lao và chặn đánh địch tại Bình Lãnh, tiêu diệt hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí và quân trang, quân dụng khác. Riêng du kích Bình Trị thu được 53 súng các loại, trong đó có 3 trung liên. Ngày 17.2.1965, tại rừng Cốc (Vinh Huy), lực lượng vũ trang xã phối hợp với quân chủ lực đánh tan cuộc càn quét của trung đoàn 5 ngụy có xe tăng, máy bay hỗ trợ; ta tiêu diệt 2 xe M113, thu 3 xe M113, tiêu diệt hàng trăm tên địch, bắt sống 17 tên và thu được nhiều chiến lợi phẩm khác. Ngày 8.12.1965, du kích xã phối hợp với Trung đoàn 1, Sư đoàn 2, Quân khu 5 chặn đánh 2 tiểu đoàn thuộc chiến đoàn 5 ngụy và 2 đại dội biệt kích tại khu vực Trà Cai - Đá Biển, diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch, thu nhiều vũ khí; cũng tại trận đánh này, đồng chí Nguyễn Tấn Chung dùng súng Garand bắn rơi 01 máy bay địch. Ngày 10.3.1966, du kích xã phối hợp với bộ đội đánh địch đổ quân bằng trực thăng xuống Châu Lâm, diệt 105 tên địch, bắn cháy 1 máy bay và bắn bị thương 3 chiếc khác, thu 100 súng các loại. Ngày 26.6.1966, 12 đồng chí du kích xã do đồng chí Đặng Phái chỉ huy chặn đánh 2 tiểu đoàn thuộc trung đoàn 5 ngụy có xe tăng đi cùng, diệt 15 tên, bắn cháy 1 xe tăng và bắn bị thương 2 chiếc khác. Ngày 12.9.1966, 6 đồng chí du kích xã chặn đánh đại đội 743 lính Bảo an. Sau 20 phút chiến đấu, ta tiêu diệt 15 tên, bắn bị thương 11 tên khác. Ngày 5.3.1967, 1 tổ du kích xã chặn đánh Mỹ ở rừng già ông Tô, diệt 4 tên, bắn bị thương 3 tên. Đến ngày 15.3.1967, trận đánh tại Núi Ngang xuống Hóc Tây đã tiêu diệt 6 tên địch, thu 4 súng. Ngày 2.9.1967, du kích phối hợp với bộ đội chủ lực đánh Mỹ tại thôn 7, diệt 1 đại đội Mỹ, bắn rơi 1 máy bay trực thăng, thu 60 súng các loại. Rạng sáng ngày 3.9.1967, ta tiếp tục chặn đánh Mỹ chi viện lên thôn 8 (Châu Lâm), loại khỏi vòng chiến đấu 100 tên Mỹ, bắn rơi 5 máy bay trực thăng, bắn bị thương 2 phản lực, thu nhiều vũ khí. Phong trào dùng mìn cải tiến diệt xe tăng địch được phát động rộng rãi, tổ công binh đã cải tiến hàng trăm quả bom, pháo lép để đánh địch. Tháng 12.1967, tại đồi Chơm Chơm ta tiêu diệt 42 tên địch, phá hủy 1 xe bọc thép bằng quả bom 100 kg do lực lượng vũ trang xã cài. Ngày 20.6.1968, đồng chí Nguyễn Tiến cùng đội du kích xã cải tiến 2 quả bom cải tiến cùng nhiều quả pháo khác hình thành bãi mìn diệt tăng địch tại đồi Đá Biển, diệt 4 xe M141 của địch đi càn, làm hỏng 5 xe khác, tiêu diệt 85 tên Mỹ. Ngày 12.10.1968, Mỹ dùng trực thăng đổ quân, tổ du kích xã phối hợp với bộ đội chủ lực bắn cháy 01 chiếc HU1A, diệt 5 tên Mỹ. Ngày 20.10.1968, Mỹ dùng 35 máy bay trực thăng đổ quân xuống rừng Cấm, du kích xã phối hợp với bộ đội chủ lực đánh quyết liệt từ 15 giờ 30 đến 19 giờ cùng ngày, ta bắn rơi 13 máy bay trực thăng và bắn bị thương nhiều chiếc khác, diệt 1 đại đội Mỹ gần 100 tên, bắn bị thương 50 tên, thu 150 súng các loại. Ngoài những trận chiến đấu phối hợp, du kích xã còn độc lập tác chiến dưới sự đùm bọc của nhân dân, bất ngờ đánh vào rừng Bườm, sau 20 phút ta tiêu diệt 20 tên, thu 20 súng và nhiều đạn dược; du kích xã cũng đã đánh bại một đại đội Mỹ tại gò lao Châu Nho trong vòng 30 phút, diệt 35 tên, bắn bị thương 25 tên khác, thu 60 súng các loại. Ngày 07.02.1969, tại rừng Châu Đức, du kích xã phối hợp với Trung đoàn 31 chặn đánh Mỹ càn quét. Kết thúc trận này, ta diệt được 150 tên Mỹ, bắn bị thương 50 tên khác, bắn rơi 2 máy bay trực thăng, bắn bị thương 4 chiếc khác, bắt sống 2 tên Mỹ, thu 51 súng các loại. Ngày 15.02.1969, du kích xã phối hợp với Trung đoàn 38 chặn đánh Mỹ tại rừng Cốc (Vinh Huy), diệt 1 đại đội và đánh bọn Mỹ chi viện vừa đến bìa rừng, diệt hơn 100 tên, làm bị thương gần 100 tên khác, thu 50 súng các loại. Ngày 15.3.1972, đội công tác xã phối hợp với Đại đội 16, Trung đoàn 31, Sư đoàn 2 đã cùng nhân dân địa phương một lần nữa cướp chính quyền về tay nhân dân. Trận này, ta đã làm tan rã 6 trung đội nghĩa quân, 1 đại đội biệt lập, 4 trung đội phòng vệ dân sự, đưa nhân dân ở 4 khu dồn trở về làng cũ. Ngày 17.5.1974, đồng chí Đặng Kỳ đã cùng đồng đội cải trang lính sư đoàn 3 ngụy vào tận sào huyệt kẻ thù, diệt ác ôn và bắt sống 1 tên giữa ban ngày khiến quân địch hoảng sợ. Đó là những chiến công tiêu biểu trong 1.500 trận đánh lớn nhỏ của quân dân Bình Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với đấu tranh vũ trang, đội đấu tranh chính trị của xã cũng được thành lập gồm 2 bộ phận: binh vận và đấu tranh chính trị. Trên mặt trận đấu tranh chính trị đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu như: mẹ Nguyễn Thị May, cụ Hà Lương, Hà Thị Thân… Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, quân và dân Bình Trị đã đánh trên 1.500 trận lớn nhỏ (trong đó có 200 trận phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực), tiêu diệt 2.530 tên địch (trong đó có 210 tên Mỹ, 27 tên ác ôn), bắn bị thương gần 1000 tên, bắt sống 207 tên, loại khỏi vòng chiến đấu 2500 tên; tiêu diệt 3 đại đội Cộng hòa, 2 đại đội Bảo an, 2 trung đội nghĩa quân, 6 trung đội Mỹ, bắn rơi 22 máy bay các loại, bắn cháy và phá hủy 45 xe tăng; thu 1365 súng các loại, trên 4000 quả lựu đạn và hàng vạn viên đạn, thu 12 máy điện thoại; đánh phá hàng chục cầu cống, phá hủy 3 km đường giao thông, 300m đường sắt nhằm ngăn chặn bước tiến của kẻ thù; 21 lần đánh phá ấp chiến lược và khu dồn. Về đấu tranh chính trị, binh địch vận có gần 50.000 lượt người tham gia; vận động được 256 binh lính ngụy bỏ ngũ về với cách mạng; huy động nhân dân đóng góp hơn 3000 tấn thóc, gạo để nuôi quân. Ghi nhận những đóng góp của quân và dân Bình Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng và Nhà nước đã tặng nhiều phần thưởng cao quý: 384 Huân chương Kháng chiến các hạng (Hạng nhất: 70 Huân chương, Hạng nhì: 45 Huân chương, Hạng ba: 269 Huân chương); 11 Huân chương quyết chiến các hạng nhất và ba (Hạng nhất: 05 Huân chương, Hạng ba: 06 Huân chương); 02 Huân chương Độc lập hạng nhì; 18 Huy chương Giải phóng hạng nhất; 103 Bằng khen có công cách mạng; 37 Bảng vàng Gia đình danh dự; 120 Bảng vàng gia đình vẻ vang. Đặc biệt, ngày 10.4.2001, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Bình Trị được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Trị tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, tính cần cù nhẫn nại, biết vượt qua mọi kho khăn thử thách, xây dựng quê hương. Xã đã thực hiện tháo dỡ bom mìn, khai phá trên 600 ha diện tích đất hoang hóa, chuyển hóa những cánh đồng cằn cỗi thành những cánh đồng lúa, khoai màu mỡ; tham gia hàng vạn ngày công làm công tác thủy lợi. Năm 1999, bình quân lương thực đầu người của xã đạt 4500 – 5000 kg/người/năm. Sự nghiệp giáo dục được quan tâm, toàn xã có 7 cơ sở mẫu giáo, 01 trường tiểu học, 01 trường cấp 2, 3 đảm bảo phục vụ cho trên 2000 học sinh đến trường. An ninh, quốc phòng được quan tâm, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, quân dự bị động viên đạt chỉ tiêu, nhiều năm liền giữ vững tình hình an ninh chính trị trên địa bàn. Công tác xây dựng Đảng cũng được chăm lo đúng mức đáp ứng phục vụ lợi ích của nhân dân. Năm 1999, Đảng bộ xã có 6 chi bộ với 54 đảng viên. Từ sau ngày được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Bình Trị không ngừng vươn lên, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao. Năm 2014, kinh tế của xã có sự phát triển đáng kể, tổng giá trị sản xuất ngành kinh tế đạt 70.284 triệu đồng, bình quân lương thực đầu người đã đạt 371 kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 19 triệu đồng/người/năm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nhiều khởi sắc, 80% thôn có nhà sinh hoạt văn hóa, 62,4% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa. Sự nghiệp giáo dục có những chuyển biến tích cực, toàn xã có 1 trường THCS, 1 trường Tiểu học và 1 trường Mẫu giáo, trong đó 100% số trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, dân số - KHHGĐ, bảo vệ chăm sóc trẻ em tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 12%. Việc thực hiện chính sách cho người có công, bảo trợ xã hội được tăng cường. Hiện nay, toàn xã có 600 liệt sĩ; 46 thương bệnh, binh; 103 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện nay có 08 mẹ còn sống). Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả, đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm còn 9,62%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hằng năm đạt 100% chỉ tiêu tuyển quân, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt yêu cầu số lượng, chất lượng. Công tác xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Đảng bộ xã Bình Trị hiện có 09 chi bộ với 100 đảng viên, đạt 1,2% so với dân số. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay Bình Trị đã đạt được 8/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2017 sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại để đạt chuẩn xã nông thôn mới. Với những thành tích đạt được từ sau ngày giải phóng đến nay, nhất là trong 25 năm đầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xã Bình Trị được Hội đồng Bộ trưởng và các ngành Trung ương tặng 88 Bằng khen và 29 Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam.