Xã Bình Triều - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Bình Triều là xã vùng cát, trung tâm của 7 xã vùng Đông huyện Thăng Bình. Xã nằm về phía Đông Bắc của huyện, cách quốc lộ 1A khoảng 3km, cách huyện lỵ 5km. Phía Đông giáp sông Trường Giang, phía Tây giáp hai xã Bình Tú và Bình Phục, phía Nam giáp xã Bình Sa và phía Bắc giáp xã Bình Giang. Diện tích tự nhiên 1.266 ha. Dân số năm 1954 có 7.500 người; sau 30.4.1975 chỉ còn lại 4.200 người; hiện nay dân số trung bình của xã là 9.720 người.

     Trải qua các thời kỳ lịch sử, xã Bình Triều đã qua nhiều lần thay đổi tên gọi khác nhau. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Hưng Mỹ được thành lập gồm có Hương Đông, Hương Tây, Tiên Mỹ. Hợp xã lần thứ nhất năm 1946, Vân Tây, Phước Ấm, Phước Châu hợp thành xã Phước Thăng. Năm 1948, hợp xã lần thứ 2 thì xã Phước Thăng cùng với các xã An Thạnh, Phú Khương và Ngọc Sơn thành xã Thăng Mỹ. Năm 1950 hợp xã lần 3 từ Vân Tiên đến Hiền Lương là xã Thăng Triều. Riêng xã Hưng Mỹ thuộc về Thăng Phương. Đến năm 1954 xã Bình Triều được thành lập gồm 4 thôn: Hưng Mỹ (thôn 1), Vân Tiên (thôn 2), Phước Ấm (thôn 3), Phước Châu (thôn 4) cho đến ngày hôm nay. Về đặc điểm vị trí địa lý, Bình Triều là địa bàn chiến lược quan trọng do có 2 tuyến đường giao thông huyết mạch là đường 14E đi qua trung tâm xã, nối liền huyện lỵ Thăng Bình với các xã vùng Đông và đường ĐH từ Ngọc Phô (Bình Tú) đến Hưng Mỹ.
     Theo dòng lịch sử, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, xã Bình Triều là vùng tự do, là hậu phương vững chắc của các tiền tuyến; nơi đây là căn cứ địa của các cơ quan, các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh, huyện để củng cố và xây dựng lực lượng, chuẩn bị mọi điều kiện để bộ đội triển khai tấn công tiêu diệt kẻ thù và cán bộ, công an… đi vào vùng tạm chiếm hoạt động, xây dựng cơ sở, tổ chức đấu tranh với địch. Chính vì vậy, thực dân Pháp đã tập trung, nhiều lần đổ quân càn quét, lấn chiếm, tàn sát nhân dân, nhằm uy hiếp, đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân.
     Vào sáng ngày 12.7.1947, giặc Pháp cho máy bay quần lượn và ném bom tàn phá xóm Trung, thôn Phước Châu làm chết nhiều dân thường vô tội. Sau đó, tiểu đoàn lính Lê Dương và quân Pháp đổ bộ vào Đồng Trì (thuộc Bình Hải ngày nay), càn quét vào Vân Tiên, Hưng Mỹ ra Vân Tây. Đến Chợ Được chúng đóng quân, đốt phá, hãm hiếp phụ nữ, giết chết hàng chục người dân, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.
     Đối với địch, chúng xác định nơi đây là địa bàn tiền tiêu, là cửa ngõ để chúng xâm nhập các xã vùng Đông huyện Thăng Bình. Xuất phát từ vị trí địa lý, tầm quan trọng trong thực hiện âm mưu của giặc Pháp, nên Bình Triều nằm trong tầm khống chế bằng hỏa lực từ hướng Biển Đông và các đồn bót của địch dội vào các làng mạc, chúng đã gây ra biết bao đau thương, mất mác, tàn sát dân lành vô tội; từ đó Nhân dân xã Bình Triều khắc sâu lòng căm thù quân cướp nước và lũ bán nước và tình yêu quê hương, đất nước càng gắn bó, thủy chung với cán bộ, bộ đội cụ Hồ. Mặc dù bị địch liên tiếp đàn áp, khủng bố, nhưng nơi đây, từ những ngày đầu kháng chiến cho đến ngày toàn thắng, ngày đêm là nơi tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men cho cán bộ, bộ đội chủ lực, từ vùng tự do gửi ra tiền tuyến.

Trải qua 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Bình Triều dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đóng góp nhân tài, vật lực cho kháng chiến; xây dựng, củng cố chính quyền, từng bước ổn định đời sống của Nhân dân, đẩy mạnh các hoạt động văn hóa xã hội, phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua. Do đó, xã nhà đã được Đảng và Nhà nước các cấp biểu dương, khen thưởng: Năm 1947, Phước Thăng, Thăng Mỹ được nhận cờ thi đua của Ty Bình dân học vụ; phong trào dân quân, du kích được công nhận là đơn vị khá của huyện; phong trào phụ nữ được Hội Phụ nữ tỉnh tặng cờ thi đua về phong trào nuôi quân, ủng hộ bộ đội…
     Chín năm trường kỳ kháng chiến (1945-1954) chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi; ngày 20.7.1954, thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Theo quy định của Hiệp định, xã Bình Triều cũng như các địa phương khác của huyện Thăng Bình thuộc quyền kiểm soát của quân Liên hiệp Pháp, mà thực chất là quân của Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ. Từ một vùng tự do trong kháng chiến, Bình Triều trở thành vùng của địch kiểm soát.
     Sau khi quân đội Liên hiệp Pháp tiếp quản Thăng Bình; ngày 04.9 - 07.9.1954, trên địa bàn xã Bình Triều xảy ra cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được; nhân dân Bình Triều cùng với nhân dân các địa phương trong và tỉnh Quảng Nam đã kéo về chợ Được để đấu tranh với kẻ địch, đòi bọn địch bồi thường nhân mạng và đền bù thiệt hại tài sản của nhân dân do chúng gây ra. Cuộc đấu tranh có lúc lên đến đỉnh điểm trên 5.000 người tham gia. Từ phong trào trở thành cao trào đấu tranh một mất, một còn với kẻ địch; bọn địch cũng đã tàn sát 43 người chết, 23 người bị thương. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Thăng Bình, nhân dân Bình Triều và tất cả bà con tham gia đấu tranh chính trị tin Đảng, nghe theo sự chỉ đạo của Đảng, không để tình hình phúc tạp hơn sẽ bất lợi cho phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Và cuộc đấu tranh kết thúc để bảo toàn lực lượng.
     Sau cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được, bọn địch tiếp tục đóng đồn Chợ Được, chúng hình thành một bộ máy ngụy quân, ngụy quyền, ngày đêm lùng sục, bắt bớ, giam cầm, tra tấn dã man, tàn sát cán bộ, đảng viên và những người cốt cán của phong trào cách mạng. Chúng mở nhiều đợt “tố cộng”, “diệt cộng”, lê máy chém đi khắp xóm thôn để truy tróc “cộng sản”. Năm 1957, chúng lập nên trại cải hối, cơ quan khu 1 ở Hưng Mỹ với nhiều hình phạt man rợ, liên tục truy lùng, bắn giết người tàn bạo, nhất là từ khi có Luật 10/59, chúng tăng cường bắt bớ, giam cầm, khảo tra, tù đày, sát hại những người con của quê hương Bình Triều mà chúng coi là cộng sản. Tội ác của chúng “trời không dung, đất không tha”. Tuy vậy, cán bộ, đảng viên và Nhân dân xã Bình Triều không nao núng tinh thần mà còn nung nấu ý chí căm thù, đoàn kết thương yêu nhau, kiên quyết đấu tranh chống chế độ độc tài Mỹ - Diệm để giành lấy quyền tự do dân chủ.
     Ngày 13 tháng 01 năm 1959, Hội nghị lần thứ 15, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa II) đã ban hành Nghị quyết về đường lối cách mạng miền Nam, nêu rõ “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là con đường cách mạng bạo lực, khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tình hình cụ thể và yêu cầu hiện nay của cách mạng, thì con đường đó là lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang hoặc nhiều, hoặc ít để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân”.
     Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng và sự lãnh đạo của Huyện ủy Thăng Bình, chi bộ xã Bình Triều kịp thời lãnh đạo chuyển hướng đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Trong một thời gian ngắn, 150 cơ sở cách mạng được xây dựng hoạt động trong lòng địch; nhiều thanh niên tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện lòng yêu nước đã bí mật thoát ly lên chiến khu tham gia bộ đội chiến đấu giết giặc cứu nước. Đầu năm 1964, phong trào cách mạng sục sôi ở 6 xã vùng Đông Thăng Bình, Huyện ủy Thăng Bình mở Hội nghị truyền đạt mệnh lệnh chuẩn bị "Đồng khởi" giành chính quyền về tay nhân dân. 17 giờ ngày 5.5.1964, an ninh vũ trang và du kích xã Bình Triều phối hợp với bộ đội huyện và tỉnh đột kích tiêu diệt tên bí thư Quốc dân đảng. Sau đó, địch tăng cường khủng bố, truy tìm nhằm tiêu diệt các cơ sở cách mạng của ta, một số cơ sở cách mạng của ta bị lộ, buộc phải lui vào hoạt động bí mật, củng cố lực lượng. Đến ngày 05.9.1964, với sự hỗ trợ của Tiểu đoàn 70, an ninh vũ trang và du kích xã Bình Triều đã đánh tan trung đội bảo an, làm chủ Chợ Được. Nhân dân nổi dậy vây bắt bọn ác ôn, phá thế kìm kẹp, giải phóng xã nhà và thành lập chính quyền cách mạng.
     Sau ngày "Đồng khởi", quê hương được giải phóng, chi bộ Đảng được khôi phục với tổng số đảng viên là 20 đồng chí. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ủy ban nhân dân cách mạng xã Bình Triều ra đời và lãnh đạo nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương lúc bấy giờ là: chăm lo xây dựng lực lượng du kích, an ninh vũ trang vững mạnh, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, xây dựng các đoàn thể quần chúng, đóng góp nhân tài vật lực cho kháng chiến, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng. Trong thời gian này, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Bình Triều đã xây dựng 9km hàng rào chiến đấu chạy dọc từ Hưng Mỹ đến địa giới xã Bình Giang; bố trí nhiều bãi chông, bãi mìn ở những nơi xung yếu để chống địch càn quét. Đồng thời xây dựng được một số cơ sở mật ngay trong bộ máy ngụy quyền, làm cơ sở cho nội tuyến của ta hoạt động.
     Thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ - ngụy chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào chiến trường miền Nam cùng với phương tiện chiến tranh hiện đại. Từ năm 1965 - 1968, địch đã càn quét 232 đợt vào Bình Triều, riêng năm 1968 có 97 lần bằng xe cơ giới. Với phương châm “lấy vũ khí Mỹ đánh Mỹ”, du kích xã sử dụng bom lép, pháo lép cải tiến thành mìn, phục kích bám đánh địch liên tục đánh bại nhiều cuộc càn quét của chúng như: Ngày 25.2.1966, tại cống Thời - Hưng Mỹ, tổ công binh địa phương đã dùng bom cải tiến đánh cháy 1 xe M141, tiêu diệt được 12 tên Mỹ. Tháng 2.1967, tại Động Nghĩa, du kích xã dùng bom cải tiến tiêu diệt 01 xe M118. Tháng 10.1966, đơn vị du kích thôn Hưng Mỹ đã chặn đánh và diệt 21 tên ngụy; sau trận này lực lượng du kích và nhân dân Hưng Mỹ còn hiệp đồng tác chiến với các đơn vị bộ đội huyện tấn công địch ở Hà Lam, Tư Chánh, Ngọc Phô… tiêu diệt nhiều tên địch.
     Nhiều tấm gương chiến đấu gan dạ, mưu trí, hi sinh anh dũng như: Phan Điểm, Đoàn Thiện, Đoàn Sâm, Nguyễn Dân, Phan Văn Tuấn, Trần Tụng, Nguyễn Linh… sống mãi trong niềm tự hào, tiếc thương của người dân Bình Triều.
     Đi đôi với nhiệm vụ xây dựng, giữ vững vùng giải phóng, đã có hàng trăm thanh niên lên đường tòng quân giết giặc cứu nước, nhiều đoàn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nối tiếp nhau chuyển hàng ra mặt trận, hàng trăm tấn lương thực đã cùng anh chị em vượt đường dây tiến ra phía trước. Du kích và Nhân dân Bình Triều luôn giữ vững “đường dây” Ngọc Phô - Hưng Mỹ, phục vụ bộ đội, du kích, dân công qua lại chiến đấu, vận chuyển thương binh, lương thực, thực phẩm lên vùng căn cứ phía Tây. Đặc biệt, các em thiếu nhi của xã đã thành lập các chi đội mang tên Lê Văn Tám tham gia đánh địch, lấy súng Mỹ về cho du kích; mưu trí, dũng cảm, giải vây cứu cán bộ, không để bị địch bắt…
     Sau chiến dịch Xuân - Thu 1968, Mỹ - ngụy tập trung lực lượng càn quét hòng chiếm lại Bình Triều, chúng đóng các đồn Chợ Được, Vân Tây, Hưng Mỹ, lùa xúc dân vào khu dồn. Lực lượng vũ trang và nhân dân xã Bình Triều kiên cường trụ bám, đánh trả quyết liệt, gây cho địch nhiều tổn thất. Để đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân, một sự kiện không thể nào quên của người dân Bình Triều là ngày 12.10.1969, Mỹ - ngụy ném bom hủy diệt làng Phước Châu, giết chết 92 người dân và làm hàng chục người khác bị thương. Song với quyết tâm “Một tấc không đi, một ly không rời”, nhân dân Bình Triều chịu đựng gian khổ, vượt qua bom đạn, một lòng trung thành với cách mạng. Cán bộ, du kích ngày nằm hầm bí mật, đêm về len lỏi vào các khu dồn diệt ác, phá kèm vận động quần chúng, bố trí gài mìn sẵn sàng đánh địch, nhờ đó cơ sở cách mạng luôn vững chắc trong dân.
     Suốt thời gian từ tháng 7.1954 đến cuối năm 1968 là quá trình đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, có biết bao đồng bào, đồng chí đã anh dũng ngã xuống trên mảnh đất quê hương, giành lấy những thắng lợi vô cùng vẻ vang, góp phần cùng cả nước đánh bại kẻ thù xâm lược. Qua những năm tháng gian lao, thử thách to lớn, ngày đêm chiến đấu với kẻ thù, với cảnh đói cơm, lạt muối nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn một lòng trung kiên với Đảng, với cách mạng, giữ niềm tin đến ngày thắng lợi cuối cùng.
     Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 giành thắng lợi, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang chiến tranh và chấp nhận ngồi vào bàn Hội nghị Pari; tiếp đến là cuốc tiến công chiến lược năm 1972, đặc biệt là chiến thắng vang dội của trận “Điện Biên Phủ trên không”, đưa đến Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, kẻ thù đã cố tình phá hoại Hiệp định, tiếp tục lấn đất, giành dân, để giành thế chủ động trên chiến trường. Cuộc chiến đấu của cán bộ, đảng viên, du kích và nhân dân Bình Triều vẫn tiếp tục diễn ra quyết liệt, quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng.
     Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, các đơn vị bộ đội tiểu đoàn 70, 72 của tỉnh và bộ đội huyện, phối hợp cùng với Đội công tác các xã tiến quân về giải phóng vùng Đông. Nhân dân Bình Triều vùng lên diệt ác, phá kiềm, phá khu dồn, giành chính quyền, giải phóng quê hương vào ngày 23.3.1975. Ngay đêm đó, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời xã Bình Triều được thành lập và tổ chức ra mắt nhân dân.
     Trong 21 năm chống Mỹ, lực lượng du kích và nhân dân xã Bình Triều đã đánh 450 trận lớn nhỏ; tiêu diệt 2.150 tên địch (trong đó có 72 tên Mỹ); làm bị thương 760 tên, (trong đó có 21 tên Mỹ); đánh thiệt hại 01 trung đội Mỹ; 02 đại đội địa phương quân; 01 đại đội lính Bảo an; 04 trung đội nghĩa quân; 04 trung đội phòng vệ dân sự; diệt 45 tên tề ngụy ác ôn, bắt sống 37 tên ngụy quân, ngụy quyền; bắn cháy 03 máy bay, 07 xe tăng, 05 xe ủi đất, làm hư hỏng 15 xe tăng, xe bọc thép; đánh sập 32 lượt cầu cống trên các tuyến đường huyết mạch; thu trên 1000 súng các loại, 12 máy vô tuyến và nhiều quân trang, quân dụng. Vận động 130 binh lính địch bỏ ngũ quay về với nhân dân và cách mạng. Tổ chức 26 lần đấu tranh chính trị trực diện với địch, nhân dân Bình Triều đã tham gia hàng ngàn lượt người cùng kéo đi đấu tranh ở quận lỵ Thăng Bình, Tuần Dưỡng, Tam Kỳ; dựng hàng chục km hàng rào, đào hàng ngàn hầm bí mật, hầm chông, giao thông hào phục vụ chiến đấu…
     Để có được thắng lợi, quân và dân xã Bình Triều đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương và trên nhiều chiến trường là: 1.662 người; trong đó có 1.031 người được công nhận là liệt sĩ; 113 người là thương, bệnh binh; 122 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
     Những thành tích mà quân và dân xã Bình Triều đóng góp cho kháng chiến đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng các danh hiệu thi đua cao quý. Đối với tập thể: 01 Huân chương Giải phóng hạng Nhất và 03 Huân chương Giải phóng hạng Nhì; 05 Huân chương kháng chiến hạng Ba; 02 Huân chương bắn máy bay; 02 Huy chương đánh xe tăng. Đối với cán bộ và nhân dân được tặng thưởng: 32 Huân chương Độc lập các hạng; 987 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Nhì, Ba (trong đó hạng Nhất: 197, hạng Nhì: 237, hạng Ba: 553); 86 Huy chương kháng chiến hạng Nhất;171 Huy chương kháng chiến hạng Nhì; 112 Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng; 90 Bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh; 108 Bảng vàng danh dự; 245 Bảng gia đình vẻ vang.
     Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, Bình Triều tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Đã phá gỡ hàng trăm quả bom, mìn; khai hoang mở rộng diện tích trên 240 ha; trên mặt trận này có hàng chục người phải hy sinh và bị thương. Tiến hành cải tạo và xây dựng quan hệ sản xuất mới, bằng việc cải tạo và xây dựng hợp tác hóa nông nghiệp, đưa nông dân đi vào làm ăn tập thể, đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng đã tạo ra sự chuyển biến đáng kể.
     Thực hiện đường lối đổi mới, xã Bình Triều đã đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Năng suất và sản lượng lương thực hằng năm đều tăng. Chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi, mô hình kinh tế bước đầu được triển khai thực hiện có hiệu quả, nhất là mô hình trồng sau sạch. Số hộ nghèo giảm rõ rệt, năm 1975 có trên 60% hộ nghèo, đến năm 2014 giảm còn 10,7%; diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay, từ chỗ nhà cửa của nhân dân tạm bợ tranh, tre, đến nay Bình Triều đã có 90% hộ có nhà kiên cố cấp 4 trở lên, 80% số hộ có xe máy; 90% hộ có ti vi. Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng, đã nhựa hóa và bê tông hóa được tuyến đường giao thông nông thôn liên xã dài 9km, 35 km đường liên thôn, làng xóm, xây 07 cầu và 27 cống tạo nhiều thuận lợi cho nhân dân đi lại sinh hoạt, lao động sản xuất, lưu thông hàng hóa. Điện sinh hoạt được phủ kín trên toàn xã và 100% hộ dùng điện, trường học được tầng hóa, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đạt chuẩn và trên chuẩn 100%, chất lượng giáo dục được nâng lên, toàn xã có 1 trường THCS, 2 trường Tiểu học và 1 trường mẫu giáo, trong đó 50% số trường đạt chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất văn hóa và y tế được nâng lên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nhiều khởi sắc, 100% thôn có nhà sinh hoạt văn hóa. Bình Triều là một trong những xã có phong trào văn hóa - văn nghệ phát triển mạnh của huyện. Đặc biệt, nơi đây hằng năm có Lễ hội Bà Chợ Được với nghệ thuật chưng cộ nổi tiếng. Các đối tượng chính sách, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công cách mạng được quan tâm đúng mức và kịp thời. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã về cơ bản được giữ vững; hằng năm giao quân đều đạt 100%. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, Đảng bộ Bình Triều hiện có 09 chi bộ với 164 đảng viên, Đảng bộ xã 3 năm liền (2011 - 2013) được công nhận Đảng bộ trong sạch vững mạnh; bộ máy chính quyền từng bước củng cố, xây dựng vững mạnh; hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể từng bước đổi mới phương thức hoạt động, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của xã. Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay Bình Triều đã đạt 08/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2020 đạt 19/19 tiêu chí.
     Với những nỗ lực phấn đấu, xã Bình Triều đã được Trung ương, tỉnh, huyện khen thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen đã c

Tin liên quan