Xã Bình Quế - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Bình Quế là xã trung du của huyện Thăng Bình, cách thị trấn Hà Lam (huyện lỵ Thăng Bình) về phía Tây Nam 20 km; cách tỉnh lỵ Quảng Nam (thành phố Tam Kỳ) về phía Tây Bắc 14 km. Phía Bắc giáp xã Bình Chánh; phía Nam giáp xã Tam Thành (huyện Phú Ninh); phía Tây Bắc giáp xã Bình Phú; phía Đông giáp xã Bình An, phía Tây Nam giáp xã Tam Lộc (huyện Phú Ninh).

     Bình Quế có diện tích tự nhiên: 1558 ha; dân số trong kháng chiến chống Pháp có 3.212 người, hiện nay dân số trung bình của xã là 6.712 người. Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp kết hợp với nghề truyền thống đan đát mây tre. Phần lớn ruộng đất do giới địa chủ, phú nông sở hữu quản lý phát canh thu tô, nông dân là người làm thuê, bị áp bức, bóc lột, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, số đông con em của họ không được học hành. Sự khổ cực, đói nghèo của người dân đã hình thành nên tư tưởng căm thù thực dân, phong kiến.
     Là xã có nhiều diện tích đất đai là đồi núi nên có địa hình ưu thế về quân sự, có dãy núi kéo dài từ xã Tiên Sơn, Tiên Hà (huyện Tiên Phước) nối liền với xã Bình Phú, Bình Quế và xã Tam thành (huyện Phú Ninh) có độ cao từ 100 m - 340 m và nhiều đồi cao từ 30 m - 40 m. Đặc biệt có nhiều lũy tre làng bao bọc xóm thôn, rất thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng trong 02 cuộc kháng chiến. Có một con đường đất chạy dọc từ Đông sang Tây, là con đường huyết mạch quan trọng, có vị trí chiến lược quốc phòng và là con đường nối liền các xã cánh Tây của huyện Thăng Bình và huyện Phú Ninh với các xã cánh Trung và Đông của huyện Thăng Bình.…phục vụ giao lưu kinh tế, văn hóa, sản xuất và sinh hoạt đời sống của nhân dân trong huyện Thăng Bình.
     Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Bình Quế tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào yêu nước như: phong trào Cần Vương, Duy Tân, Thái Phiên, Trần Cao Vân, do những người cốt cán ở Bình Quế tổ chức, hướng dẫn tham gia, đã gây được ý thức mới trong thanh niên và giai cấp nông dân về quyền dân sinh, dân chủ.
     Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Bình Quế đã đoàn kết một lòng đi theo ngọn cờ của Đảng, tham gia các phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo. Ngày 20.12.1946, chi bộ Đảng đầu tiên của xã Bình Quế được thành lập lấy tên là chi bộ Hoàng Thị Ngân, ban đầu có 60 đảng viên do đồng chí Phan Đạm làm Bí thư. Chi bộ Đảng ra đời đã lãnh đạo nhân dân vùng dậy đấu tranh giành chính quyền.
     Tối ngày 08.8.1945, dưới sự chỉ huy của các đồng chí Phan Đạm, Nguyễn Huy Thông, Phan Cẩn, Trần Bác, Bùi Thao, … đã huy động hàng trăm thanh niên dùng gậy gộc, giáo mác, cuốc thuổng…rầm rập xuống đường hòa nhập với nhân dân các xã Bình Trung, Bình Tú kéo về phủ lỵ Thăng Bình cùng nhân dân toàn phủ đấu tranh cướp chính quyền thắng lợi. Chính quyền cách mạng thuộc về tay nhân dân, Ủy ban kháng chiến được thành lập. Trong thời gian ngắn sau đó, các tổ chức chính trị xã hội cũng được thành lập và làm nòng cốt trong các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.
     Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bình Quế là nơi địch đóng đồn bốt, xây dựng chính quyền hương, tổng nhằm đàn áp và bóc lột nhân dân nhưng cán bộ và nhân dân xã Bình Quế vẫn giữ đất, bám làng, hăng hái thi đua lao động, huy động sức người, sức của phục vụ cho kháng chiến.
     Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban kháng chiến, nhân dân Bình Quế đã tình nguyện đóng góp cho kháng chiến 100 tấn gạo, 1.000 tấn thóc, 15 triệu đồng tín phiếu, 10 lạng vàng, 35 tấn đồng; 80 con trâu, bò; 150 con heo thịt; 500 con gà, vịt phục vụ cho chiến trường Tây Nguyên và Bắc Quảng Nam; sử dụng 04 lò rèn để rèn 1.500 con dao, mã tấu; vót 5 vạn cây chông tre để rào làng chiến đấu bảo vệ vùng tự do và phục vụ cho các chiến trường. Thành lập và thường xuyên duy trì một đội quân có từ 150 - 200 người tham gia dân công hỏa tuyến để vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, khiêng thương tại các chiến trường Bắc Quảng Nam, Tây Nguyên, Hạ Lào; vận động 50 thanh niên lên đường nhập ngũ vào quân đội.
     Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân xã Bình Quế đón tiếp, bố trí chỗ ở, làm việc cho cơ quan Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh từ năm 1951 - 1952, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, còn có gia đình ông Nguyễn Cao Thiên - một địa chủ có tinh thần yêu nước đã tự nguyện đóng góp cho kháng chiến 20 tấn thóc, 1/2 triệu đồng tín phiếu dùng để nuôi một đơn vị bộ đội trong 3 năm (1951 - 1953).
     Trong đấu tranh vũ trang, Bình Quế đã xây dựng được 2 trung đội du kích. Lực lượng du kích xã Bình Quế đã phối hợp với du kích các xã lân cận tổ chức đánh địch 15 trận, diệt 65 tên địch, trong đó có 15 tên giặc Pháp.
     Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân xã Bình Quế đã tổ chức và phối hợp với các lực lượng vũ trang huyện, tỉnh, quân khu V đã đánh 817 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 2.100 tên địch, trong đó có 117 tên lính Mỹ; diệt 03 tiểu đoàn lính cộng hòa, 01 tiểu đoàn địa phương quân 116, 07 trung đội nghĩa quân, 04 trung đội dân vệ, 01 đại đội trinh sát của trung đoàn 5 ngụy, diệt 150 tên ác ôn, gián điệp, bắt sống 239 tên ngụy quân, ngụy quyền, bắn bị thương 420 tên, loại khỏi vòng chiến đấu 2.911 tên địch, bắn rơi 05 máy bay (trong đó có 02 máy bay phản lực và 03 máy bay trực thăng chiến đấu (lên thẳng)), bắn cháy 21 xe tăng, xe bọc thép; thu 251 súng các loại, 1252 quả mìn, lựu đạn, 11 máy vô tuyến PRC25 và phá hủy trên 30 km hàng rào kẽm gai ấp chiến lược. Nhân dân đã làm tốt công tác binh địch vận, gọi hàng, bỏ ngũ 192 tên lính ngụy trở về với cách mạng.
     Trong hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ của lực lượng du kích xã, hoặc du kích xã phối hợp với bộ đội địa phương của tỉnh, của huyện và bộ đội chủ lực quân khu V đã diễn ra trên địa bàn xã Bình Quế, trong đó có những trận đánh tiêu biểu sau đây:
     Ngày 01.5.1964, lực lượng du kích xã phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh phục đánh tại đồi Dương Rầm (thôn Bình Xá) tiêu diệt gọn 01 trung đội nghĩa quân, thu 16 súng các loại. Tháng 6.1966, lực lượng vũ trang xã bắn cháy 01 máy bay F105 khi đang ném bom tọa độ xuống khu vực An Xá. Tháng 3 năm 1967, lực lượng du kích dùng mìn Glomo gài và phục kích đánh 01 trung đội lính thuộc trung đoàn 5 ngụy tại cơ quan xã Bình Quế, diệt tại chỗ 8 tên. Tháng 4 năm 1968, du kích xã dùng mìn tự tạo bố trí liên kết, khi máy bay trực thăng của Mỹ hạ xuống đổ quân, mìn phát nổ, cháy tại chỗ 01 chiếc, bị thương 01 chiếc, diệt 18 tên Mỹ. Ngày 05 tháng 8 năm 1968 tại đồi Ông Lầu (thôn Bình Quang), du kích xã dùng mìn tự tạo phục kích bắn cháy 01 xe tăng M113, diệt 05 tên Mỹ; khi máy bay đến tiếp viện, bao vây, lực lượng du kích đơn vị tổ chức chiến đấu lần thứ hai bắn rơi 01 máy bay lên thẳng, diệt 02 tên Mỹ. Ngày 15 tháng 7 năm 1969, du kích xã phục kích đánh địch tại làng Sơn Đông, thôn Bình Phụng, diệt 01 trung đội nghĩa quân và 5 tên lính Mỹ, thu toàn bộ vũ khí. Ngày 24 tháng 12 năm 1969, du kích xã phối hợp với Tiểu đoàn 409 bộ đội Đặc công Quân khu V, đánh đồn Dương Rầm diệt 125 lính Mỹ, bị thương 10 tên. Ngày 17 tháng 3 năm 1970, tại đồi Ông Thơm (thôn Bình Phụng) du kích xã phục kích đánh trung đội lính Mỹ diệt 05 tên, bị thương 03 tên, thu 04 súng AR15. Ngày 20 tháng 8 năm 1971, du kích xã dùng mìn tự tạo bố trí 02 trận địa tại đồi Dương Rầm và Dương Vang (thôn Bình Xá). Khi địch đổ quân đi càn quét, trúng trận địa cài sẵn, mìn nổ làm chết 63 tên, bị thương 29 tên, thu 06 súng các loại.
     Cùng với đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị cũng diễn ra mạnh mẽ. Bình Quế đã thành lập đội quân tóc dài gồm 200 chị, dưới sự chỉ huy của bà Nguyễn Thị Ngọc Diệu và Phạm Thị Nghị. Trong tháng 7 năm 1966, đội quân tóc dài kéo xuống căn cứ Tuần Dưỡng trao thư, phát truyền đơn kêu gọi hàng trăm tên lính ngụy bỏ ngũ về với gia đình làm ăn lương thiện. Trong cuộc tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968, đội quân tóc dài của xã tổ chức huy động 150 người mang theo cờ, khẩu hiệu, truyền đơn kéo vào tỉnh lỵ Quảng Tín biểu tình. Ngoài ra, trong suốt những năm đánh Mỹ, xã đã tổ chức những chị em, cụ ông, cụ bà, thanh thiếu niên ở mỗi làng, mỗi xóm thành một đội đấu tranh hợp pháp không cho địch đốt phá nhà cửa, cưỡng hiếp phụ nữ và có tín hiệu liên lạc giữa xóm này và xóm khác phát ra một tín hiệu chung cho cán bộ, bộ đội biết để tránh và tổ chức đánh địch.
     Suốt chiều dài của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhân dân xã Bình Quế đã đóng góp 900 tấn lúa, 15 tấn gạo và 70 tấn thực phẩm để nuôi quân và thương bệnh binh; thành lập 01 Tổ quân giới có 10 đồng chí, do đồng chí Lê Thanh Vinh chỉ huy, đã chế tạo được 550 quả mìn, trong đó có 20 quả mìn chống tăng, 179 quả thủ pháo, 18 ống bộc phá, 16 quả pháo phóng và cải tiến một khẩu cối 60 ly bằng chong chóng bom Mỹ.
     Với những thành tích trong 2 cuộc kháng chiến, quân và dân xã Bình Quế đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý như: Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp: 02 Huân chương kháng chiến hạng Nhất; 05 Huân chương kháng chiến hạng Nhì; 15 Huân chương kháng chiến hạng Ba; 05 Huy chương kháng chiến hạng Nhất; 07 Huy chương kháng chiến hạng Nhì.
     Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược: Đối với tập thể: 01 Huân chương chiến công hạng Nhất; 01 Huân chương chiến công hạng Nhì; 01 Huân chương giải phóng hạng Nhì. Đối với cá nhân: 03 Huân chương Độc lập; 135 Huân chương kháng chiến các hạng (Nhất: 18; Nhì: 15; Ba: 102); 66 Huy chương kháng chiến các hạng (Nhất 34; Nhì 32); 17 Bằng khen Chính phủ, 10 Bằng khen cấp tỉnh và hàng trăm Bảng vàng danh dự, 21 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Toàn xã có 194 liệt sĩ, 69 thương bệnh binh.
     Ghi nhận những thành tích của xã Bình Quế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 24 tháng 6 năm 2005, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Bình Quế.
     Phát huy truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng mà Đảng bộ và nhân dân xã Bình Quế giành được trong 02 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; từ sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam (30.4.1975), Đảng bộ và nhân dân xã Bình Quế tập trung vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh, tháo gỡ 4.000 quả bom mìn các loại, thu gom 3 tấn bom pháo của địch, khai hoang 325 ha đất đưa vào sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Tổ chức làm đường giao thông liên xã, đến năm 2004, đã hoàn thành 10 km bê tông giao thông nông thôn. Nhân dân Bình Quế đã tham gia đóng góp hàng chục ngàn ngày công để làm các công trình thủy lợi như: hồ chứa nước Cao Ngạn, đê ngăn mặn sông Trường Giang, công trình đại thủy nông Phú Ninh....Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, bình quân lương thực đầu người năm 2004 là 450 kg/người/năm; 90% hộ nhân dân có điện tiêu dùng sinh hoạt và phục vụ sản xuất; 90% hộ có phương tiện nghe nhìn, đi lại; 70% hộ có nhà kiên cố cấp 4 trở lên; mạng lưới trường học được xây dựng kiên cố, số trẻ em trong độ tuổi ra lớp 100%; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; công tác dân số kế hoạch hóa gia đình được nhân dân hưởng ứng thực hiện tốt; công tác xóa đói, giảm nghèo có sự quan tâm đầu tư hiệu quả, Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững; Quốc phòng - an ninh luôn quan tâm chú trọng, có trên 400 thanh niên lên đường làm nghĩa vụ, trong đó có 95 đồng chí tham gia chiến đấu ở chiến trường K, hy sinh 08 đồng chí, bị thương 03 đồng chí; lực lượng dân quân tự vệ đảm bảo quân số theo tỷ lệ 2,3% dân số và đạt chất lượng đặt ra; công tác hậu phương quân đội thường xuyên quan tâm thực hiện tốt; công tác an ninh giữ vững; tình hình trật tự an toàn xã hội đảm bảo; diện mạo của một xã nông thôn đang được đổi mới từng ngày. Công tác xây dựng Đảng vững mạnh được tập trung chú trọng, từ năm 2001 - 2003 Đảng bộ Bình Quế đạt danh hiệu “trong sạch vững mạnh”; chính quyền và các đoàn thể nhân dân được củng cố đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới.
     Đặc biệt, từ sau ngày được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (2005), Bình Quế đã không ngừng phấn đấu vươn lên. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất ngành kinh tế đạt 64,3 tỷ đồng, bình quân lương thực đầu người đã đạt 472 kg/người/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 14,6 triệu đồng/người/năm. Đời sống nhân dân được cải thiện: có 100% hộ dùng điện sinh hoạt và sản xuất; bê tông hóa 16,7 km giao thông nông thôn tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nhiều khởi sắc, 3/4 thôn có nhà sinh hoạt văn hóa, 75% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, 01 thôn đạt thôn văn hóa. Sự nghiệp giáo dục có những chuyển biến tích cực, toàn xã có 1 trường THCS, 1 trường Tiểu học và 1 trường Mẫu giáo. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, dân số - KHHGĐ, bảo vệ chăm sóc trẻ em tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 13,8%. Việc thực hiện chính sách cho người có công, bảo trợ xã hội được tăng cường. Hiện nay, toàn xã có 249 liệt sĩ; 20 thương bệnh, binh; 29 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện nay có 2 mẹ còn sống). Công tác giảm nghèo đạt được những kết quả đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm còn 12,26%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hằng năm đạt 100% chỉ tiêu tuyển quân, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt yêu cầu số lượng, chất lượng. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị thường xuyên quan tâm và ngày càng vững mạnh. Đảng bộ Bình Quế hiện có 8 chi bộ với 98 đảng viên, đạt 1,4% so với dân số. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay Bình Quế đã đạt được 6/19 tiêu chí và quyết tâm xây dựng đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2019.
     Với những thành tích đạt được từ sau ngày giải phóng đến nay, xã Bình Quế được tặng thưởng: 02 Huy chương vì sự nghiệp nông nghiệp; 06 Huy chương vì sự nghiệp giáo dục; 03 Huy chương vì sự nghiệp tiến bộ phụ nữ và nhiều Giấy khen của các cấp.

Tin liên quan