Xã Bình Sa - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân

Bình Sa là xã nằm ở vùng Đông của huyện Thăng Bình, cách thị trấn Hà lam (huyện lỵ Thăng Bình) 15 km. Phía Đông có con sông Trường Giang và giáp với xã Bình Đào, Bình Hải, phía Tây giáp xã Bình Tú và Bình Trung, phía Nam giáp xã Bình Nam, phía Bắc giáp xã Bình Triều. Tổng diện tích tự nhiên là 2.040 ha, trong đó, đất nông lâm nghiệp thuỷ sản là 1.094,14 ha, đất phi nông nghiệp là 802,65ha, đất chưa sử dụng là 143,06 ha. Dân số trong kháng chiến chống Pháp có 7.221 người; trong kháng chiến chống Mỹ có 7.500 người; hiện nay, dân số trung bình toàn xã là 6.764 người, mật độ dân số trung bình là 332 người/km2. Nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp chiếm 84,2%, thương mại – dịch vụ chiếm 10,8%, tiểu thủ công nghiệp chiếm 4%.

     Về đất đai, thổ nhưỡng, Bình Sa là một xã có đất thuần cát chiếm 4/5 diện tích tự nhiên và ¾ diện tích đất canh tác. Chính nhờ ruộng đồng xen lẫn với những dải cát trắng dài nên trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều đơn vị đến trú quân, dàn quân để chặn đánh các trận càn quét của địch, chuẩn bị lực lượng mở các chiến dịch đánh vào cứ điểm Tuần Dưỡng, quận lỵ Thăng Bình, Núi Quế.
     Bình Sa là nơi có phong trào cách mạng từ rất sớm, trước năm 1936 đã xuất hiện một số sĩ phu yêu nước đứng ra tổ chức “Nghĩa Hòa Đường”, Hội dạy chữ quốc ngữ vừa bán thuốc bắc, dạy học vừa hoạt động phong trào Văn Thân yêu nước. Đặc biệt, ngày 19.6.1936 chi bộ Đảng ở Tây Giang được thành lập gồm 3 đồng chí: Nguyễn Niệm, Hoàng Tánh và Nguyễn Ngẫu do đồng chí Nguyễn Niệm làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập ở huyện Thăng Bình. Chi bộ Tây Giang ra đời có ảnh hưởng quan trọng đối với phong trào đấu tranh cách mạng của huyện Thăng Bình và một số địa phương giáp Tam Kỳ, đóng góp tích cực vào phong trào đấu tranh đòi dân sinh - dân chủ của huyện trong những năm 1936 - 1939. Trong những năm 1936 - 1937 các “Hội Ái hữu”, “Hội Nông dân tương tế” được tổ chức. Đầu năm 1938, những người con yêu nước của xã tìm đến các tổ chức cách mạng ở Tam Kỳ để hoạt động và tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin để về xây dựng chính quyền cách mạng ở địa phương. Nhân dân đứng lên đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, đòi giảm tô, giảm tức cho người làm thuê; chống không đi phu, không đi lính cho Pháp, Nhật, bí mật tổ chức mít-tinh tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyển chọn quần chúng giác ngộ cách mạng thành lập tổ chức “Thanh niên cứu quốc”, “Thanh niên phản đế”. Cùng với nhân dân trong huyện, nhân dân Bình Sa đã tích cực hưởng ứng tham gia các phong trào chống thực dân Pháp như: phong trào Cần Vương, Đông Du, Duy Tân, phong trào chống sưu thuế…
     Giai đoạn 1939 - 1945, Bình Sa tiếp tục khôi phục, phát triển phong trào cách mạng; đặc biệt ngày 15.6.1940 sau khi phân tích, đánh giá tình hình, đồng chí Võ Toàn (Võ Chí Công), Bí thư Tỉnh ủy đã trực tiếp công bố kết nạp đảng viên cho 3 đồng chí: Nguyễn Thế Tạo, Nguyễn Hữu Chỉnh, Phạm Hưng và thành lập chi bộ Đảng An Thạch, lấy mật danh là chi bộ Quảng Đông, đồng chí Nguyễn Thế Tạo được chỉ định làm Bí thư chi bộ. Chi bộ ra đời đã tập trung lãnh đạo xây dựng phong trào, phát triển tổ chức hội và hội viên, tuyên truyền vận động phát triển cơ sở cách mạng, lãnh đạo nhân dân đấu tranh đánh Pháp, đuổi Nhật. Và qua chi bộ Quảng Đông, các đồng chí Võ Toàn, Nguyễn Sắc Kim và các cán bộ của tỉnh, của Xứ ủy về Bình Sa hoạt động bí mật để chỉ đạo hoạt động ở huyện Thăng Bình.
     Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, hưởng ứng “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”, nhân dân Bình Sa đã đóng góp nhân tài vật lực phục vụ kháng chiến, ủng hộ gần 800 kg đồng, 03 lạng vàng, hàng vạn ang lúa, hơn 300 con trâu bò, tham gia gần 5.000 ngày công phục vụ dân công hỏa tuyến để vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí tại các chiến trường. Có 323 thanh niên xung phong lên đường nhập ngũ, hàng chục gia đình, hàng trăm chị em phụ nữ nhận đỡ đầu, nuôi giấu nhiều đơn vị bộ đội từ các chiến trường về an dưỡng hoặc trú quân tại địa phương. Trong chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, quân và dân Bình Sa đã đánh 63 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 85 tên địch, trong đó có 37 tên Pháp; làm bị thương 64 tên, trong đó có 41 tên Pháp, thu 113 súng trường các loại, 173 quả lựu đạn và một số quân trang, quân dụng khác, bắt sống 18 tên ngụy, vận động 74 binh lính địch bỏ hàng ngũ trở về.
     Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Sa là một trong những xã địch tập trung đánh phá ác liệt nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng. Với Luật 10/59 và chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, Mỹ - Diệm đã khủng bố cơ sở cách mạng vô cùng tàn khốc, sát hại nhiều cán bộ, đảng viên và những người chúng tình nghi liên quan đến cách mạng, nhiều đồng chí bị chúng giết như: Lê Tấn Kinh, Trần Dư, Huỳnh Quang, Hoàng Khôi… Song cán bộ, đảng viên không khuất phục, vẫn một lòng đi theo cách mạng; nhiều gia đình cơ sở cách mạng vẫn kiên trung nuôi giấu cán bộ, đào hầm bí mật để chở che cán bộ hoạt động nằm vùng ngay trong nhà mình năm nầy, tháng nọ, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Trong thời gian ngắn, trên địa bàn xã có 66 cơ sở ngầm, 54 cơ sở mật đơn tuyến tuổi từ 14 - 25. Chính nhờ cơ sở cách mạng mà hầu hết cán bộ đảng viên về công tác trên đất Bình Sa đều đảm bảo an toàn.
     Từ tháng 9.1954 đến năm 1962 phong trào đấu tranh chính trị liên tục diễn ra đòi chính quyền Ngô Đình Diệm phải thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi tự do tổng tuyển cử. Ngày 4.9.1954, cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được diễn ra, có 2.700 quần chúng nhân dân ở Bình Sa tham gia đấu tranh. Phong trào đấu tranh lan rộng làm quân thù khiếp sợ trước sức mạnh như vũ bão của quần chúng.
     Thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào chiến trường miền Nam cùng với phương tiện chiến tranh hiện đại. Bình Sa là một trong các địa phương của huyện Thăng Bình nằm trong vùng trọng điểm đánh phá, càn quét của Mỹ - ngụy nhưng cán bộ, đảng viên và nhân dân vẫn kiên cường bám trụ đánh địch, quyết tâm bảo vệ vùng giải phóng. Với khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”, nhân dân Bình Sa bám đất giữ làng, xây dựng nhiều cơ sở cách mạng, tạo thế cho các lực lượng vũ trang của huyện, tỉnh, Quân khu 5 tổ chức đánh tiêu diệt địch có hiệu quả. Tháng 8 năm 1964, trong cao trào giải phóng nông thôn, đồng bằng; dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam và Huyện ủy Thăng Bình, được sự hỗ trợ của các đơn vị vũ trang tỉnh, quân và dân Thăng Bình đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa quyết tâm giải phóng các xã vùng Đông Thăng Bình. Trong vòng 01 tháng đã tiến công liên tục và tiêu diệt hàng trăm tên tề ngụy, ác ôn, phá tan chính quyền cơ sở của địch ở các xã Bình Dương, Bình Giang, Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa, Đầu năm 1964, đội du kích mật xã Bình Sa được thành lập dưới danh nghĩa đội bóng đá thanh niên hoạt động hợp pháp. Trong hàng ngàn trận đánh lớn, nhỏ của lực lượng du kích xã hoặc du kích xã phối hợp với bộ đội địa phương của huyện, tỉnh và bộ đội chủ lực Quân khu 5 đã diễn ra trên địa bàn xã Bình Sa, trong đó có những trận đánh tiêu biểu sau đây:
     Chiến công đầu tiên của lực lượng du kích xã Bình Sa là trận chống càn vào ngày 25.12.1964 tại khe Bà Túc (thôn Tiên Đoả) đã diệt gọn một tiểu đội lính cộng hòa (9 tên chết và 11 tên bị thương), làm thất bại trận càn quy mô lớn của địch vào các xã Bình Triều, Bình Đào, Bình Sa, Bình Hải. Đêm 26.7.1965, du kích xã tập kích đánh vào đồn Ngọc Phô (Bình Tú) diệt gọn 1 trung đội biệt kích gồm 26 tên, thu 23 súng và 1 máy vô tuyến và các quân trang khác. Ngày 10.5.1966 nữ du kích xã dùng súng trường K44 bắn cháy máy bay do thám L19 rơi trên nổng cát Cây Mâm, 2 tên giặc lái đều chết. Đêm 10.6.1967 du kích xã phối hợp với đơn vị V15 Huyện đội đánh vào chợ Quán Gò (Bình An) tiêu diệt 25 lính bảo an, làm bị thương 7 tên ngụy, thu 12 súng. Ngày 20.6.1967, du kích xã phối hợp với đơn vị D72, V15 Huyện đội tham gia trận đánh đoàn xe “Công xa” giữa ban ngày trên Quốc lộ 1A đoạn Bình Nguyên - Hương An, làm cháy và hư hỏng 97 xe quân sự các loại, diệt 1 tiểu đoàn lính cộng hòa, thu nhiều loại vũ khí, làm thất bại âm mưu của địch mở trận càn với quy mô lớn xuống vùng Đông Thăng Bình. Tiếp nối chiến công, ngày 23.10.1967, du kích xã, thôn và nhân dân Bình Sa phối hợp với bộ đội chủ lực E31, F2 đánh thắng trận càn với quy mô lớn của Mỹ - ngụy, diệt 115 tên Mỹ, bắn cháy 12 xe tăng, bắn rơi 3 máy bay HU, thu 37 súng các loại. Tối 21.2.1968, 3 du kích xã bắn rơi 1 máy bay HU-1A tại xóm Nò Tiên Đỏa. Ngày 27.3.1968, du kích xã làm nhiệm vụ đánh địch phía trước ở thôn Tứ Thăng (Bình Trung) tiêu diệt 17 tên, làm bị thương 21 tên nghĩa quân. Ngày 6.6.1968, du kích xã độc lập phục kích tại Gò Đu (thôn Cổ Linh) diệt 19 tên, bắn bị thương 6 tên lính Cộng hòa, bắn cháy 1 xe tăng M113. Đáng chú ý, 8.6.1968 du kích xã gài 1 bãi mìn và dùng toàn thủ pháo chặn đánh trận càn bằng xe tăng của Sư đoàn quân Mỹ từ Tuần Dưỡng vào Bình Sa tại Khe Lớn (Châu Khê) tiêu diệt 9 tên Mỹ, phá hỏng 1 xe tăng M41, 3 xe tăng M.113. Cũng trong năm 1968, tại khe Giếng Mạch (Tây Giang) du kích xã đánh tan một đại đội lính Bảo an thu được 47 súng các loại. Ngày 15.2.1969, du kích xã chặn đánh trận càn của 1 tiểu đoàn thuộc Sư 2 của ngụy tại nổng cát thôn Bình Trúc diệt 19 tên, bắn cháy 1 xe tăng M.113. Trưa ngày 20.2.1969, 01 tiểu đội du kích cải trang lính địch do đồng chí Trần Quang Khâm, chỉ huy xáp lá cà đánh ngay vào đội hình địch diệt 12 tên, thu toàn bộ vũ khí. Sáng ngày 05.3.1969, du kích xã chống càn tập kích tiêu diệt 13 tên lính địa phương quân, 2 tên cố vấn Mỹ. Đêm 21.3.1969, du kích xã tổ chức tập kích vào khu dồn tiêu diệt 7 tên ngụy, bắn bị thương 4 tên lính nghĩa quân, đánh tan rã trung đội xây dựng nông thôn. Ngày 12.4.1969, du kích xã, thôn chống càn của quân hỗn hợp Mỹ - ngụy tại khe Tân Hưng - Bình Trúc bắn cháy 1 xe tăng, bắn rơi 1 máy bay HU1A. Ngày 10.5.1969 du kích xã phối hợp với bộ đội D70 đánh trận chống càn tại nổng Xã Mai, Bình Trúc diệt 9 tên nghĩa quân, thu 7 súng AR15, 1 súng cối 60 ly. Ngày 20.6.1969, du kích xã, thôn phối hợp với D72 Tỉnh đội đánh trận càn của lính sư 2 ngụy vào đóng tại trường học Cổ Linh tiêu diệt 49 tên, thu được 32 súng các loại. Ngày 10.7.1969 lực lượng công binh dùng mìn tự tạo gài đánh trận càn xe tăng Mỹ tại Khe Lớn (Châu Khê) diệt 2 tên Mỹ, phá hỏng 1 xe tăng M.113. Tháng 9.1969 du kích xã, thôn chặn đánh các trận càn tại khe ông Tiến, xóm mới thôn Tây Giang, diệt 19 tên địch, bị thương 2 tên, bắn cháy 1 xe tăng, thu được 10 súng các loại. Ngoài ra, du kích xã, thôn đã tận dụng bom lép, pháo lép cải tiến thành mìn, lựu đạn cài trên đường địch thường qua lại, chiến thuật này đã tiêu diệt hàng trăm tên địch. Từ những thành tích nổi bật về đấu tranh vũ trang, tháng 8.1969, Bình Sa được Tỉnh đội Quảng Nam mời dự hội nghị thi đua toàn quân, được báo cáo điển hình về phong trào “nhân dân du kích chiến tranh” và được nhận Bằng khen của tỉnh.
     Từ đầu năm 1970 đến tháng 3.1975 tuy Bình Sa bị địch dồn dân, chiếm đóng, chính quyền cách mạng phải chuyển hình thức thành Đội công tác. Nhưng thực chất đó là một tổ chức cơ sở Đảng lãnh đạo, là bộ máy chính quyền thu gọn, hoạt động ngay trong lòng địch, luôn bám sát nhân dân để lãnh đạo xây dựng cơ sở cho phong trào cách mạng, xây dựng lực lượng, chuẩn bị thời cơ nổ ra giải phóng, giành lại chính quyền.
     Đầu năm 1970, Đội công tác xây dựng được 6 cơ sở hoạt động bí mật, thường xuyên theo dõi, nắm tình hình địch. Đêm 15.2.1970, Đội công tác phối hợp với đơn vị V15 Huyện đội đánh vào đồn Cây Mân - Châu Khê tiêu diệt gọn 1 Trung đội nghĩa quân thu 25 súng, trong đó có 1 đại liên 30, 1 cối 60 ly, 5 M79, 1 máy vô tuyến. Tháng 3.1971, Đội công tác phối hợp đưa V15, Tiểu đoàn 72 về đánh đồn Hưng Mỹ, đốt khu dồn giải tỏa cho nhân dân về vườn cũ. Tháng 9.1972, phối hợp với Đội công tác xã Bình Hải cùng Tiểu đoàn 72 Tỉnh đội vượt đường quốc lộ 1A về đánh chiếm Bình Hải, tiến sang đánh các chốt điểm thường đóng quân của địch tại Bình Sa, diệt 05 tên nghĩa quân, thu 4 súng. Đó là những chiến công tiêu biểu trong 47 trận đánh lớn nhỏ của Đội công tác Bình Sa từ cuối năm 1969 đến tháng 3.1975.
     Cùng với những thành tích về đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị diễn ra mạnh mẽ. Từ đầu năm 1965 đến cuối năm 1969, nhân dân Bình Sa đã có 187 lần đấu tranh chính trị vào các căn cứ của địch và đấu tranh trực diện với quân Mỹ - Ngụy càn quét vào địa phương. Điển hình đầu tiên của phong trào đấu tranh chính trị là ngày 14 tháng Giêng năm 1965 có 2.300 người kéo về quận lỵ Thăng Bình đòi bọn ngụy quyền quận phải chấp nhận những yêu sách của nhân dân đặt ra. Vào tháng 5.1967, cuộc đấu tranh chính trị tại ngã ba Ngọc Phô đi Hà Lam có 2.300 người dân Bình Sa tham gia biểu tình không cho bọn thủy quân lục chiến hạm đội 7 đổ quân ở Đông Dương. Cuộc đấu tranh lớn nhất và nổi bật nhất là Tết Mậu Thân 1968, 3.640 người dân Bình Sa đấu tranh trực diện với địch trên đoạn chợ Quán Gò; địch đàn áp bắn vào đội hình, ta hy sinh 33 người, bị thương 57 người… Nhiều tấm gương xung kích đi đầu đã dũng cảm hy sinh như: anh Võ Cao, Hồ Công, cụ Hoàng Tiến, mẹ Thái Thị Kiểu, chị Nguyễn Thị Phú, cụ Trần Tuyền…
     Công tác binh địch vận cũng được chú ý, nhân dân Bình Sa đã vận động 271 người bỏ ngũ quay về với chính quyền cách mạng. Những tấm gương tiêu biểu làm công tác binh vận giỏi như: các chị Phan Thị Ái, Thủy Thị Lan, Hoàng Thị Quý và dũng cảm nhất là chị Thủy Thị Hoa bị địch phát hiện, bắt tù rồi đem đi thủ tiêu.
     Công tác hậu phương quân đội đã trở thành phong trào mạnh mẽ. Từ 1965 - 1969, toàn xã có 127 thanh niên lên đường gia nhập thanh niên xung phong; 1 tiểu đoàn dân quân, 420 người thường xuyên làm nhiệm vụ dân công hỏa tuyến, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường và tại địa phương. Mỗi thôn có 1 trung đội chiến thuyền giao vận đường sông và mỗi năm toàn xã có đến 1.500 lượt người tham gia dân công dài, ngắn hạn vận chuyển hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm, đạn dược ra tiền tuyến. Phong trào đóng góp, nhận nuôi cán bộ, bộ đội, du kích đã trở thành ý thức tự giác, là trách nhiệm của toàn dân. Tiêu biểu cho phong trào là những gia đình: Ông Kiều Viết Nhượng (thầy Cửu Trả), ông Thủy Ngọc Bích (tức Xã Mai), ông Bùi Cư, Hoàng Đề, Liên Khá, Huỳnh Thị Thế, … thường xuyên nuôi cán bộ, du kích trong nhà, mỗi năm đóng góp cả ngàn ang lúa đảm phụ nuôi quân, có lúc nuôi cả đại đội bộ đội. Phong trào nhận nuôi giấu thương binh cũng dấy lên mạnh mẽ trong giới mẹ, chị với khẩu hiệu: “Nhà nhà nuôi giấu thương binh, người người chăm sóc thương binh”. Nhiều gia đình đã tháo dỡ nhà ngói, nhà xây của mình để làm công sự, hầm bí mật cho an toàn, nhiều nhà nhận chăm sóc, nuôi giấu từ 3 - 5 thương binh đến khi lành bệnh hoặc chuyển đi nơi khác, các mẹ, các chị đã lặn lội vào lòng địch móc nối mua sữa, đường, thuốc men về phục vụ thương binh, khi cơ sở y tế của ta còn thiếu thốn. Tiêu biểu cho phong trào có các mẹ: Huỳnh Thị Thành, Trần Thị Thừa, Bùi Thị Tường, Kiều Thị Kình, Châu Thị Bửu, Huỳnh Thị Hoành, Huỳnh Thị Đạm, Bùi Thị Xuyến. Các chị như: Kiều Thị Hạnh, Trần Thị Tùng…
     Giai đoạn từ năm 1970 đến năm 1975, Bình Sa tập trung xây dựng cơ sở cách mạng ở hầu hết các thôn. Tiêu biểu cho các cơ sở cách mạng vững chắc thời gian này, đó là gia đình các mẹ: Bùi Thị Tường, Huỳnh Thị Thành, Hoàng Thị Liễng, Phạm Thị Điệu, Châu Thị Bửu, Nguyễn Thị Đại và nhiều tấm gương tiêu biểu khác đã dám chấp nhận nguy hiểm, hy sinh trong ngay trong lòng địch để che giấu, nuôi dưỡng cán bộ, bộ đội.
     Ngày 20.3.1975, dưới sự trực tiếp lãnh đạo của Đội công tác được sự hỗ trợ của đơn vị Tiểu đoàn 72 Tỉnh đội Quảng Nam, lực lượng vũ trang và nhân dân Bình Sa đã nhất tề đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, toàn bộ hệ thống đồn bốt, cơ quan chính quyền ngụy bị quét sạch, 6 trung đội nghĩa quân, biệt kích và 6 trung đội dân vệ bị đánh tan rã hoàn toàn, 450 tên ngụy quân, 120 tên ngụy quyền, cảnh sát tề điệp ra đầu hàng, trình diện, giao nộp toàn bộ vũ khí cho chính quyền cách mạng. Xã Bình Sa được hoàn toàn giải phóng.
     Trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, quân và dân xã Bình Sa đã đánh 1.225 trận lớn nhỏ, diệt 1.972 tên (trong đó có 35 tên Mỹ và 97 ác ôn tề ngụy khét tiếng), đánh bị thương 927 tên, bắt sống 83 tên, loại khỏi vòng chiến 3.282 tên địch; tiêu diệt và làm tan rã 1 đại đội lính bảo an, 08 trung đội nghĩa quân, bắn rơi 9 máy bay các loại, bắn cháy và làm hư hỏng 98 xe tăng và xe quân sự; thu 1262 súng các loại, 1.350 quả mìn và lựu đạn, 2,21 tấn đạn các loại, 07 máy vô tuyến điện và nhiều quân trang, quân dụng khác.
     Về đấu tranh chính trị và binh địch vận có 187 lần với 51.300 lượt người tham gia, vận động 271 binh lính ngụy bỏ hàng ngũ địch về với cách mạng, đào 6.640m giao thông hào, gần 2000 hầm chông, đóng góp quỹ phụ nuôi quân 2.250 tấn lúa, 61 tấn gạo, gần 4000 chiếc áo ấm gửi ra chiến trường; xây dựng 9,6 km kẽm gai để ngăn chặn địch tiến công, vót 2.300.000 cây chông; huy động hơn 20.000 ngày công với gần 1.780 lượt người tham gia phục vụ “Dân công hoả tuyến”, vận chuyển 1.735 tấn lương thực, 350 tấn vũ khí phục vụ chiến trường, chuyển 324 thương, bệnh binh về tuyến sau điều trị; vận động 275 thanh niên lên đường nhập ngũ.
     Trong cuộc kháng chiến hy sinh gian khổ ấy, Bình Sa có 1.720 đồng bào, đồng chí đã ngã xuống với quê hương và trên khắp các chiến trường, trong đó có 688 liệt sĩ, 104 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện nay có 12 mẹ còn sống), 326 thương, bệnh binh, 439 người bị bắt tù đày tra tấn.
     Với những thành tích hào hùng ấy, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Bình Sa đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng các phần thưởng cao quý như: Đối với tập thể: Cờ “Mưu trí, dũng cảm, giết giặc lập công”; 01 Huân chương Quân công Giải phóng hạng Nhất, 02 Huân chương chiến công hạng Nhất, hạng Ba. Đối với cá nhân: 02 đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân1; 53 Huân chương độc lập các hạng (Nhất: 12; Nhì: 18; Ba: 23; 703 Huân chương Kháng chiến các hạng (Nhất: 128; Nhì: 255; Ba: 320; 456 Huân chương Giải phóng các hạng (Nhất: 102; Nhì: 167; Ba: 187); 482 Huy chương Kháng chiến các hạng (Nhất: 136; Nhì: 165; Ba: 181); 231 Huân chương chiến sĩ vẻ vang; Huân chương kháng chiến chống Mỹ các hạng (Nhất: 116; Nhì: 1

Tin liên quan