Xã Bình Định - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân 04/03/2016 | 12:00 AM 3064 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết Xã Bình Định (nay là xã Bình Định Bắc và Bình Định Nam) thuộc vùng trung du, nằm về phía Tây huyện Thăng Bình, cách trung tâm huyện 10 km, phía Đông giáp xã Bình Quý, phía Tây giáp xã Bình Trị, phía Bắc giáp huyện Quế Sơn, phía Nam giáp xã Bình Phú. Thời Pháp thuộc, xã Bình Định gồm các làng: Châu Lâm, Đồng Đức, Đồng Lộc, Hưng Lộc, Xuân Thăng, Xuân Thái, Đồng Dương, Bình Lâm, Xuân An, Thọ An. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, xã Bình Định sáp nhập lại còn 5 làng: Châu Xuân, Đồng Lộc, Song Xuân, Tân Thành và Thọ An. Đến năm 1948, các làng này sáp nhập lại thành 3 thôn: Thăng Vinh, Thăng Việt và Thăng Ba. Đến cuối năm 1949, xã Bình Định được sáp nhập thêm một phần xã Bình Trị và Bình Quý và đổi tên thành xã Thăng Lâm. Do yêu cầu quản lý hành chính, đến năm 1956, xã Thăng Lâm được đổi tên thành xã Bình Định. Đến năm 1969, xã Bình Định tách ra thành 2 đơn vị hành chính là xã Bình Định và xã Bình Minh. Sau 30.4.1975, hai xã này được sáp nhập lại thành xã Bình Định. Đến năm 2007, do diện tích tự nhiên quá rộng, địa hình cách trở, cũng như dân số khá đông, công tác quản lý hành chính gặp nhiều khó khăn; xã Bình Định được tách ra thành 2 đơn vị hành chính độc lập là xã Bình Định Bắc và xã Bình Định Nam theo Nghị định số 33-NĐ/CP ngày 08.3.2007 của Chính phủ. Sau khi chia tách, xã Bình Định Bắc có diện tích tự nhiên 1.452 ha với 4.883 người, xã Bình Định Nam có diện tích tự nhiên 1.678 ha với 5.274 người. Với địa hình tự nhiên có núi đồi, sông suối bao bọc xen kẻ, Bình Định có nhiều đặc điểm thuận lợi cho việc xây dựng căn cứ địa cách mạng phục vụ cho 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đây là địa phương sớm có phong trào cách mạng hoạt động mạnh mẽ. Tháng 4.1946, chi bộ Đảng Châu Xuân được thành lập gồm 6 đảng viên, đây là chi bộ Đảng đầu tiên của xã. Chi bộ Châu Xuân ra đời đã lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng và có sức lan tỏa mạnh trong quần chúng nhân dân. Đầu năm 1947, ở các làng còn lại của xã đều lần lượt được thành lập chi bộ Đảng như: chi bộ Đồng Đức, Hưng Lộc, Xuân Thái, Châu Đức, Đồng Dương, Bình Lâm, Xuân An và Thọ An. Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, quân dân xã Bình Định, cùng quân dân cả nước đã nhất tề đứng lên chống thực dân Pháp, xây dựng lực lượng và căn cứ địa cách mạng, trở thành hậu phương lớn, nuôi giấu các đơn vị chủ lực và thương, bệnh binh. Chính nhờ phong trào cách mạng phát triển rộng khắp trong nhân dân nên từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bình Định là nơi trú quân của đơn vị chủ lực và cũng như là nơi đóng góp nhiều nhân tài, vật lực cho kháng chiến. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, quân và dân Bình Định đã tham gia đánh 8 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 75 tên, bắt sống 30 tên, phá hủy 1 xe quân sự, thu 27 súng các loại, 1 máy vô tuyến. Ngoài ra, địa phương còn đóng góp hàng chục tấn đồng, hàng ngàn tấn thóc, hàng chục triệu đồng tín phiếu, vận động 1.022 thanh niên thoát ly tham gia du kích, bộ đội. Huy động 385 người tham gia dân công, góp phần cùng đồng bào cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong thời kỳ chống Mỹ, Bình Định có nhiều năm là xã thuộc vùng giải phóng, trở thành hậu cứ vững chắc của cách mạng. Chính vì vậy mà Mỹ - ngụy tập trung đánh phá rất ác liệt nhằm mở rộng vùng kiểm soát phía tây của huyện Thăng Bình, nhằm để tiêu diệt lực lượng cách mạng. Dù chịu sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, chịu bao mất mát, hy sinh nhưng quân và dân Bình Định luôn nêu cao tinh thần bất khuất, quật cường, quyết tâm bám làng, giữ đất khiến kẻ thù phải khiếp sợ. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, xã Bình Định trở thành cầu nối quan trọng với hậu cứ; đồng thời là một trong những vùng chiến trường ác liệt nhất vùng Tây Thăng Bình. Tại Bình Định, chính quyền Ngô Đình Diệm và bè lũ tay sai với Luật 10/59 đã lê máy chém đi khắp nơi, tiến hành khủng bố ráo riết những người tham gia cách mạng, những gia đình có người thân tham gia cách mạng, nhiều tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng như các đồng chí: Trần Sang, Trần Nhị, Nguyễn Thiếu…, Cuối năm 1958, các cơ sở cách mạng được nối lại và hoạt động mạnh mẽ. Đến cuối năm 1961, sau khi Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng chuyển phương hướng cách mạng, miền Nam từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, với phương châm bám đất, giữ làng, 2 chân 3 mũi giáp công. Quân và dân Bình Định tổ chức lại lực lượng, củng cố, xây dựng các tổ chức cơ sở, cài cắm người của ta vào hàng ngũ của địch để xây dựng cơ sở ngay trong lòng địch, vận chuyển lương thực, thực phẩm, vũ khí từ trong vùng chiếm đóng ra hậu cứ, chuẩn bị thời cơ hành động. Trong quá trình đối đầu với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, quân và dân Bình Định dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã phối hợp cũng như trực tiếp chiến đấu với kẻ thù để bảo vệ xóm làng, quê hương với những trận đánh tiêu biểu đi vào lịch sử. Tháng 2.1964, đội vũ trang của xã đã phối hợp cùng với lực lượng vũ trang huyện tổ chức đánh các chốt điểm như đồi 59, đồi Sơn khu vực Đình Hưng Lộc, tạo thế cho lực lượng quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược Hà Châu ngày 05.9.1964, tiêu diệt, làm tan rã 1 đại đội bảo an, 3 trung đội dân vệ, tiêu diệt 3 tên ác ôn khét tiếng, loại khỏi vòng chiến đấu 200 tên, thu 145 súng, 3 máy vô tuyến, 1 cối 60 mm cùng hàng ngàn viên đạn; giải phóng 4000 dân đưa về làng cũ. Thừa thắng xông lên, tháng 10.1964 ta tập kích Hội đồng xã tại xóm Bắc (Bàu Vùng), giành chính quyền về tay nhân dân. Tiếp đến, ngày 16.4.1965, dưới sự chỉ huy của đồng chí Hoằng – Xã đội trưởng, ta tổ chức trận chống càn do địch tổ chức kéo dài gần 20 ngày; trận này ta diệt gần 100 tên, thu 45 súng, bắn rơi 2 máy bay A37. Đây là trận đánh và chiến thắng quân chủ lực ngụy đầu tiên trên đất Bình Định. Ngày 18.6.1965, du kích xã phối hợp với trung đoàn 1, sư 2 phục kích địch càn từ Bình Qúy lên thôn 5, diệt và bắt sống 430 tên, thu 2 xe M113, bắn rơi 2 máy bay, thu 150 súng các loại và hàng ngàn viên đạn. Tháng 10.1965, du kích thôn 2, thôn 5 Bình Định đã bắn rơi máy bay trực thăng tại cánh đồng Hà Lam. Ngày 8 và 9.12.1965, du kích và nhân dân xã phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 Quân khu 5, bộ đội địa phương, quân và dân huyện Thăng Bình tổ chức tập kích, tiêu diệt quân ngụy tại Đồng Dương; trận này ta đã giành được thắng lợi và tiêu diệt chiến đoàn ngụy gồm Tiểu đoàn Biệt động quân ngụy số 11, 2 tiểu đoàn bộ binh 1 và 3, 1 trung đội biệt kích, 1 tiểu đội biệt chính và Ban chỉ huy Chiến đoàn, đánh tan rã 1 tiểu đoàn khác, loại khỏi vòng chiến đấu 772 tên (có 3 cố vấn Mỹ), bắt sống 53 tên, thu 208 súng các loại. Bắn rơi 4 trực thăng và bắn bị thương 2 máy bay phản lực. Chiến thắng Đồng Dương đã đánh bại cuộc hành quân liên kết của Mỹ - ngụy, góp phần hoàn thành được nhiệm vụ và mục tiêu của chiến dịch Hiệp Đức - Đồng Dương. Tháng 5.1966, du kích xã phối hợp với Trung đoàn 31 chặn đánh 1 tiểu đoàn ngụy tại xóm Bà Đãi thôn 6, diệt 100 tên, bắn cháy 2 xe M118. Trong trận này, Bình Định có mẹ Dục đã anh dũng chiến đấu và hi sinh để cứu 2 thương binh của Trung đoàn 31. Tháng 3.1967, du kích xã tiếp tục phối hợp với Trung đoàn 31 phục kích bọn Mỹ đổ bộ xuống xóm ông Miên thôn 2, bắn rơi 8 máy bay HU1A, diệt 90 tên. Ngày 15.5.1967, tổ công binh do đồng chí Trần Nghè trực tiếp chỉ huy đã linh hoạt, sáng tạo gài 1 quả bom cải tiến kết hợp bố trí mìn chống tăng tại Đồng Dàng nhằm phục kích đoàn xe Mỹ đi càn, phá hủy 2 xe M141, làm hỏng 11 chiếc khác, tiêu diệt 100 tên lính Mỹ. Đây là trận diệt xe tăng Mỹ hiệu quả nhất kể từ khi Mỹ đổ quân vào đất Thăng Bình. Ngày 9.9.1967, du kích xã phối hợp với Trung đoàn 31 tập kích đồi Ông Đô xã Bình Qúy, diệt gọn tiểu đoàn 37 ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu 100 tên, bắt sống 30 tên, thu 100 súng, hàng nghìn viên đạn và nhiều quân trang, quân dụng khác. Tháng 1.1968, du kích xã do đồng chí Nguyễn Mới chỉ huy, phục kích đánh Mỹ tại dốc Đảng, diệt 17 tên, bắn rơi 1 máy bay HU1A tại Gò Da thôn 2, thu 1 súng M79, 5 AR15 và hàng trăm viên đạn các loại. Đến tháng 3.1968, du kích xã phối hợp với Trung đoàn 31 phục kích bọn Mỹ đi càn từ Quế Sơn xuống, diệt 85 tên, thu 60 súng cùng hàng ngàn viên đạn. Ngoài ra, trong thời gian từ năm 1965 đến năm 1972, phong trào du kích thôn đánh địch bằng mìn tự tạo, sử dụng chiến thuật du kích bắn tỉa, tiêu diệt gần 200 tên, thu trên 100 súng các loại, tham gia đánh gần 100 trận lớn nhỏ, diệt hàng ngàn tên Mỹ và chư hầu, phá hủy hàng chục xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi hàng chục máy bay, phá hỏng hàng trăm khẩu súng. Trải qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Bình Định đã đánh 1395 trận, loại khỏi vòng chiến đấu 4.965 tên, trong đó có 278 tên Mỹ, 143 tên lính Nam Triều Tiên, bắt sống 810 tên, bắn cháy 27 xe tăng, 8 xe quân sự, bắn rơi 12 máy bay các loại, 3 lần đánh sập cầu cống, 9 lần đánh sập cơ quan Hội đồng địch, 22 lần đánh vào các khu dồn của địch, thu 18 súng cối, 37 máy thông tin, 45 súng M79, 22 súng đại liên M60, 13 súng 12,7 mm, 9 súng ĐKZ57 và trên 1000 súng AR15. Xã đã vận động 1.960 người thoát ly tham gia du kích, bộ đội; huy động 216 lượt người tham gia dân công từ 3 - 6 tháng, 16.000 lượt người tham gia dân công ngắn hạn, đóng góp hàng năm từ 80 - 100 tấn lương thực, tiếp nhận và nuôi dưỡng 226 thương binh. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, Bình Định có nhiều tấm gương đã chiến đấu dũng cảm. Tiêu biểu như: Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Huỳnh Hà đã một mình dùng lựu đạn đánh quần lộn với lính Pháp để tiêu diệt địch và đã anh dũng hi sinh; đồng chí Trần Tá ôm mìn lao vào tiêu diệt lô cốt địch. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, một mình mẹ Dục đã hi sinh thân mình để cứu 2 thương binh; em Nga mặc dù bị địch đánh đập tra khảo nhưng thà hi sinh chứ không chịu khai báo; hay như gương của đồng chí Phạm Nhỉ mặc dù lạc đơn vị nhưng vẫn một mình 1 súng đánh thẳng vào đồn địch, khiến giặc phải khiếp sợ. Còn nhiều tấm gương các đồng chí, cán bộ, đảng viên như Nguyễn Hùng, chị Hòa, chị Điềm, Nguyễn Thị Phổ… đã sống và chiến đấu dũng cảm, quên mình vì quê hương, đất nước. Kết thúc chiến tranh, Bình Định có 57 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 1.435 liệt sĩ, gần 400 thương bệnh binh các loại. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, quân và dân xã Bình Định đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đối với tập thể đã được trao tặng 5 Huân chương chiến công. Đối với cá nhân, đã có 322 Huân chương chiến công các hạng, 607 Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Nhất, Nhì, Ba; 736 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; 1713 Huân chương kháng chiến hạng nhất, nhì, ba; 695 Huy chương Chiến công và chiến sĩ giải phóng; 41 Huân chương Độc lập Nhất, Nhì, Ba; 162 Bảng vàng danh dự; 175 Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng; 342 Bằng gia đình vẻ vang, 471 Bằng gia đình có công với nước. Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, Nam - Bắc sum họp một nhà; quân và dân Bình Định tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí và nghị lực; tiến hành khai hoang phục hóa, tháo gỡ bom mìn trên 1000 ha đất canh tác, ổn định sản xuất và sản lượng lương thực không ngừng tăng lên. Bên cạnh khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế; công tác xây dựng Đảng, chính quyền cũng được chú trọng; các ban ngành, đoàn thể ngày càng được củng cố. Đảng bộ nhiều năm đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, đa số hộ được sử dụng điện và có phương tiện nghe nhìn. Xã đã xây dựng được hàng chục cầu cống phục vụ việc đi lại; hoàn thành bê tông hóa giao thông nông thôn. Hệ thống giáo dục của xã được đồng bộ từ cấp mẫu giáo đến cấp Trung học cơ sở, hệ thống trường học được kiên cố hóa nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu dạy và học của con em địa phương. Công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân cũng được chú trọng với 1 cơ sở y tế, phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân địa phương. Công tác chính sách cũng được chú trọng từng bước, giải quyết tốt tồn đọng sau chiến tranh, đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa và các đối tượng chính sách tại địa phương luôn được Đảng bộ và chính quyền quan tâm. Trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc, quân và dân xã Bình Định đã được Đảng và Nhà nước tặng Cờ luân lưu dẫn đầu về phong trào tuyển quân; Bằng khen của Bộ GTVT về phong trào giao thông nông thôn; có 322 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Chiến công, 736 chiến sĩ vẻ vang và 972 Bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, ngày 27 tháng 02 năm 2002 nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Bình Định được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Từ sau ngày được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, xã Bình Định không ngừng vươn lên và lập được nhiều thành tích mới. Năm 2007, xã Bình Định được tách thành hai đơn vị hành chính độc lập là Bình Định Bắc và Bình Định Nam. Từ năm 2007 đến nay, kinh tế xã Bình Định Nam có sự phát triển đáng kể khá. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất ngành kinh tế đạt 87 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 16.500.000 đồng/người/năm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nhiều khởi sắc, 66,7% thôn có nhà sinh hoạt văn hóa, năm 2014 xã Bình Định Nam 76% hộ gia đình đạt gia đình văn hoá, có 4 thôn đạt thôn văn hóa. Sự nghiệp giáo dục có những chuyển biến tích cực, toàn xã có 1 trường Tiểu học và 1 trường mẫu giáo. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, dân số - KHHGĐ, bảo vệ chăm sóc trẻ em tiếp tục được cải thiện. Việc thực hiện chính sách cho người có công, bảo trợ xã hội được tăng cường. Hiện nay, toàn xã có 219 liệt sĩ; 39 thương bệnh, binh; có 61 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện nay có 2 mẹ còn sống). Công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm còn 11,54%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hằng năm đạt 100% chỉ tiêu tuyển quân, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt yêu cầu số lượng, chất lượng. Công tác xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Đảng bộ xã Bình Định Nam hiện có 9 chi bộ với 87 đảng viên, đạt 0,6% so với dân số. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay Bình Định Nam đã đạt được 9/19 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2019 sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại để đạt xã nông thôn mới. Sau khi chia tách, xã Bình Định Bắc có bước phát triển khá toàn diện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống nhân dân được nâng cao. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất ngành kinh tế đạt 77,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 21 triệu đồng/người/năm. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có nhiều khởi sắc, 100% thôn có nhà sinh hoạt văn hóa, 80% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa, 05/05 thôn đạt thôn văn hóa. Sự nghiệp giáo dục có những chuyển biến tích cực, toàn xã có 1 trường THCS, 1 trường Tiểu học và 1 trường mẫu giáo, trong đó Trường Mẫu giáo đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, dân số - KHHGĐ, bảo vệ chăm sóc trẻ em tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 11.62%. Công tác giảm nghèo được quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 giảm còn 7.19%. Việc thực hiện chính sách cho người có công luôn được quan tâm chú trọng, hiện nay, toàn xã có 472 đối tượng chính sách, trong đó: có 215 Liệt sĩ (57 đối tượng là thân nhân Liệt sĩ đang hưởng tuất hàng tháng), có 45 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện nay có 03 mẹ còn sống), 37 Thương binh, 11 Bệnh binh, 52 đối tượng Huân chương, 02 đối tượng đang hưởng trợ cấp tuất từ trần, 02 đối tượng đang hưởng chế độ người nhiễm chất độc hóa học, 31 đối tượng tù đày, 08 đối tượng thanh niên xung phong và 79 đối tượng Huy chương. Công tác thực hiện chính sách bảo trợ xã hội cũng được thường xuyên, hiện nay có tổng số 256 đối tượng đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hằng năm đạt 100% chỉ tiêu tuyển quân, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt yêu cầu số lượng, chất lượng. Công tác xây dựng hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực. Đảng bộ xã Bình Định Bắc hiện có 09 chi bộ với 117 đảng viên, đạt 2.21% so với dân số. Đảng bộ nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Bình Định Bắc đã đạt được 14/19 tiêu chí, phấn đấu trong năm 2015 sẽ hoàn thành các tiêu chí còn lại để đạt xã nông thôn mới. Với những thành tích đạt được, từ sau ngày được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đến nay, xã Bình Định Bắc đã được Trung ương, tỉnh, huyện khen thưởng: Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2009 đến năm 2013 góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Nam; Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam đã có thành tích trong công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua (năm 2012); Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khen tặng cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang xã Bình Định Bắc, huyện Thăng Bình đã có thành tích trong phong trào thi đua quyết thắng góp phần phát triển kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh năm 2009 - 2010 và năm 2012 – 2013 và nhiều Giấy khen của các cấp.