Xã Bình Đào - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân 04/03/2016 | 12:00 AM 2935 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết Xã Bình Đào nằm ở vùng Đông huyện Thăng Bình, có diện tích tự nhiên là 1.153 ha; trong đó đất nông lâm nghiệp thủy sản là 688,10 ha, đất phi nông nghiệp là 292,93 ha, đất còn lại là đồi cát trắng chạy dọc phía Đông của xã. Xã Bình Đào trước năm 1984 bao gồm cả xã Bình Minh bây giờ; từ năm 1984, 3 thôn ven biển của xã được tách ra để thành lập xã Bình Minh. Hiện nay, xã Bình Đào có 4 thôn là: Trà Đóa 1, Trà Đóa 2, Phước Long và Vân Tiên. Phía Đông giáp xã Bình Minh; phía Tây giáp các xã Bình Giang, Bình Triều, Bình Sa; phía Bắc giáp xã Bình Dương; phía Nam giáp xã Bình Hải. Dân số trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp có 6.701 người; sau năm 1975 có 11.000 người; hiện nay dân số toàn xã có 7.412 người. Nhân dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Từ khi có Đảng cộng sản ra đời và lãnh đạo cách mạng, nhân dân xã Bình Đào sớm tiếp thu đường lối, chủ trương của Đảng và tham gia phong trào đấu tranh cách mạng mạnh mẽ. Năm 1941, đồng chí Hồ Xuân Phong - người thanh niên ưu tú của xã tham gia Hội cứu quốc và sau này trở thành đảng viên cộng sản đầu tiên của xã, đã tích cực xây dựng phong trào, lãnh đạo và tổ chức nhân dân trong xã phối hợp với nhân dân các địa phương trong huyện, hàng trăm người dân kéo về phủ lỵ Thăng Bình khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 18.8.1945. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954), cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Bình Đào đã đóng góp nhiều công sức, tiền của cho kháng chiến. Các vệ quốc quân của xã Bình Đào đã anh dũng chiến đấu chống kẻ thù xâm lược và trở thành những cảm tử quân anh dũng như: Trần Nồng, Hứa Bân, Lê Ký... Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Mỹ - Diệm dựng lên chính quyền tay sai ở miền Nam, ra sức đàn áp nhân dân, trong đó có nhân dân xã Bình Đào, nơi có truyền thống yêu nước và cách mạng. Ngay lập tức, quần chúng nhân dân xã Bình Đào đã nhất tề đứng lên với 3.000 lượt người tham gia cuộc đấu tranh Hà Lam - Chợ Được. Cuộc đấu tranh liên tục 4 ngày đêm (04.9 - 07.9.1954) đã diễn ra quyết liệt, từ phong trào trở thành cao trào, bọn địch đã tàn sát 43 người chết và làm 23 người bị thương. Tội ác của kẻ thù đã gây ra đối với nhân dân huyện Thăng Bình “trời không dung, đất không tha”; nhân dân xã Bình Đào và cả nước không bao giờ quên. Tiếp đến, nhân dân xã Bình Đào đã tham gia phong trào chống cuộc trưng cầu dân ý (23.10.1955) - trò hề bầu cử mị dân của địch, nhằm truất phế Bảo Đại, đưa Ngô Đình Diệm - tay sai đắc lực của Mỹ lên thay. Trước ngày bầu cử, cơ sở ta đã tung truyền đơn, biểu ngữ, khẩu hiệu ở những nơi công cộng, vận động nhân dân đi bầu ít, kéo dài thời gian bầu cử và nhân cuộc tập hợp đó để tuyên truyền cách mạng. Ngày 5.9.1964, được Huyện ủy chỉ đạo, quân dân Bình Đào đã tiến công và nổi dậy, bắt sống và tiêu diệt 30 tên ngụy quân, ngụy quyền ác ôn, đập tan hệ thống tổ chức bộ máy ngụy quyền xã, thôn, giải phóng hoàn toàn xã Bình Đào trong 01 ngày. Đến tháng 12.1964, quân và dân Bình Đào lại tiếp tục đánh cuộc càn quét của địch, ta đánh thiệt hại 01 trung đội cộng hoà, đẩy lùi cuộc càn quét của địch. Đặc biệt là những chiến công đánh bằng mìn của lực lượng du kích xã trong tháng 3.1966, khi địch càn quét từ xã Bình Dương vào đến xã Bình Đào, lực lượng du kích Bình Đào đã tiêu diệt được 17 tên địch (trong đó có 2 cố vấn Mỹ), trận đánh này đã được Tỉnh đội Quảng Nam tặng Bằng khen. Tháng 4.1966, đánh sập lầu Thông Kỳ - cơ quan quận Đảng bộ Quốc dân đảng, tiêu diệt 01 trung đội bảo an và 5 tên quận bộ Quốc dân đảng. Với tinh thần sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, du kích Bình Đào đã dùng vũ khí địch cải tiến hàng trăm quả mìn chống tăng, đánh địch càn quét vào địa bàn xã Bình Đào đầu năm 1967; diệt 3 xe tăng, 30 tên Mỹ - ngụy, bẻ gãy cuộc hành quân của chúng. Vào tháng 5.1967, tại Cồn Muồng, du kích xã Bình Đào tổ chức tấn công lực lượng địch vào càn quét, có 12 xe tăng, xe bọc thép hỗ trợ, đánh cháy và hỏng 6 xe tăng, tiêu diệt 50 tên địch. Chỉ tính trong 2 năm 1967 - 1968, du kích xã Bình Đào đã đánh trên 100 trận lớn nhỏ bằng vũ khí tự tạo; trong đó, có 22 trận đánh xe tăng, phá hủy và bắn hỏng tại chỗ 36 chiếc và 17 chiếc bị thương. Ngoài độc lập tác chiến, lực lượng vũ trang Bình Đào còn tham gia phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu, bộ đội tỉnh và huyện, đánh địch trong trận càn năm 1967, tiêu diệt 01 đại đội Mỹ, bắn cháy 17 xe tăng; phối hợp với bộ đội đặc công 409 đánh địch ở bến đò sông Đào, diệt 20 tên địch; cùng bộ đội (R25) Quảng Đà đánh đại đội không vận số 1 của Mỹ ở rừng Phường Củi, diệt và làm bị thương hàng chục tên. Chỉ tính riêng trong 3 năm 1965 – 1968, quân và dân xã Bình Đào đã tổ chức đánh hơn 100 trận lớn nhỏ, bảo vệ vùng giải phóng. Tháng 2.1969, du kích Bình Đào đã chặn đánh 1 trung đội công binh của Mỹ, tiêu diệt 27 tên, phá hủy 1 xe tăng M118. Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, tốc độ và quy mô của cuộc chiến tranh ác liệt hơn. Xã Bình Đào là một xã nằm trong địa bàn địch lập ra vành đai trắng của khu vực phía Nam Đà Nẵng. Đứng trước tình hình đó, Huyện ủy chỉ đạo, tháng 7.1970, chính quyền xã được chuyển thành Đội công tác hoạt động trong vùng địch tạm kiểm soát, thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở, củng cố và phát triển lực lượng để tiến lên giành chính quyền. Tháng 2.1970 Đội công tác phối hợp với đặc công huyện tiêu diệt 1 trung đội ngụy ở đồi Ông Tương, thu 20 súng các loại. Tháng 9.1972, phối hợp với Tiểu đoàn 72 tỉnh đội đánh và tiêu diệt 1 đại đội địa phương quân tại đồng Sát Chỉ. Từ năm 1970 - 1975, ngoài việc phối hợp tác chiến, Đội công tác xã Bình Đào đã đánh trên 100 trận đánh độc lập vào các đồn bót, khu dồn dân tập trung, diệt ác ôn, phá kèm kẹp; tiêu biểu là trận đánh đồi Tân An vào tháng 2.1971, tiêu diệt 17 tên nghĩa quân, thu 17 súng; tháng 5.1971 đánh đồi Lai, diệt 5 tên địch, trong đó có tên đại úy ác ôn khét tiếng. Chiến công xuất sắc của Đội công tác là diệt ác, trừ gian; từ năm 1970 đến 1975 đã tiêu diệt trên 100 tên ác ôn có nợ máu với nhân dân. Ngày 18.3.1975 nhân dân Bình Đào đã nổi dậy, diệt ác, phá kiềm, giành chính quyền về tay nhân dân. Toàn bộ hệ thống đồn bót, ấp chiến lược bị quét sạch, bộ máy ngụy quân, ngụy quyền bị đánh tan. Kết quả đã tiêu diệt 07 trung đội nghĩa quân, 06 trung đội dân vệ, thu 500 súng các loại, bắt 50 tên ác ôn. Cùng với đấu tranh vũ trang, quân và dân Bình Đào đã tích cực tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị trực diện với địch, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Từ tháng 1.1965 đến tháng 12.1968, Bình Đào đã có gần 30.000 lượt người tham gia đấu tranh chính trị. Cao điểm là ngày 14.01.1965, hơn 3.000 quần chúng nhân dân xã Bình Đào đã kéo về quận lỵ Thăng Bình đấu tranh đòi yêu sách không được bắn pháo xuống làng, đòi cho chồng con bị bắt lính trở về với gia đình, chống địch càn quét, bắn giết đồng bào. Địch đã đàn áp dã man, nhưng nhân dân kiên cường đấu tranh quyết liệt, đồng thời vận động được 65 anh em binh lính bỏ hàng ngũ địch trở về với cách mạng. Công tác đấu tranh binh vận được tổ chức chặt chẽ, bằng nhiều phương pháp kết hợp như khi địch đi càn, đội quân tóc dài ra ngăn cản vận động. Móc nối với vợ con binh lính kêu gọi và vận động, ta đã tiến hành được 67 lần và đã có 250 binh lính bỏ ngũ trở về với cách mạng… Trải qua 21 năm chống Mỹ cứu nước, nhân dân và lực lượng vũ trang xã Bình Đào đã đánh 1.005 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương 1.352 tên địch trong đó, có 63 tên Mỹ; trừ khử 215 tên ác ôn có nợ máu với nhân dân; bắt sống 125 tên ngụy quân, ngụy quyền; tiêu diệt 01 đại đội cộng hòa, 04 trung đội Bảo an, Địa phương quân, 02 trung đội nghĩa quân, 01 trung đội Mỹ; bắn rơi 5 máy bay các loại, bắn cháy và làm hỏng 36 xe tăng; đánh sập 42 lượt cầu cống. Đã đào được 18,3 km giao thông hào, 6.500m hàng rào chiến đấu, 15 bãi hầm chông, xây dựng được 9.000 m đường luồng theo chân rừng. Trên mặt trận đấu tranh chính trị, binh địch vận đã có 50.000 lượt người tham gia, vận động được 250 binh lính ngụy bỏ hàng ngũ quay về với cách mạng, hơn 3.000 lượt người tham gia đi dân công phục vụ chiến đấu. Để làm nên những chiến công oanh liệt, xã Bình Đào cũng chịu sự mất mác, hy sinh không nhỏ: có 1.451 người chết, được công nhận 840 liệt sĩ; 673 người bị thương, có 82 thương, bệnh binh. Với những thành tích đóng góp trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược và những năm sau ngày giải phóng quê hương, quân và dân xã Bình Đào đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: 3 Huân chương kháng chiến các hạng; 3 Huân chương Giải phóng các hạng; có 910 cá nhân được thưởng Huân, Huy chương các loại và các hạng; 5 danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 54 mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (hiện nay có 08 mẹ còn sống) cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Có 1 cá nhân đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân1. Sau ngày giải phóng năm 1975, quân và dân xã Bình Đào đã khẩn trương khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định cuộc sống; cải tạo và xây dựng, khôi phục kinh tế,cải thiện đời sống nhân dân; tháo gỡ 1.727 quả bom mìn, giải phóng được hàng chục ha đất sản xuất; khai hoang vỡ hóa được 99 ha. Nhân dân đã đóng góp sức người, sức của để xây dựng các công trình thủy lợi tưới tiêu, ngăn mặn với trên 10.000 lượt ngày công. Trong phong trào này, cán bộ, nhân dân xã Bình Đào đã được Hội đồng Bộ trưởng tặng Bằng khen đối với xã có nhiều năm liền làm tốt công tác thủy lợi. Sự nghiệp giáo dục được chăm lo phát triển, hệ thống trường lớp kiên cố hóa các cấp 1,2,3 và mẫu giáo; trẻ em trong độ tuổi đi học ra lớp 100%; hoàn thành công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Công tác đền ơn đáp nghĩa luôn được quan tâm, chú trọng chăm lo xây dựng nhà tình nghĩa, nghĩa trang liệt sĩ, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh; nhiều năm liền xã Bình Đào luôn đạt và vượt chỉ tiêu nghĩa vụ quân sự và được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen các cấp. Với hướng mở kinh tế vùng cát, Bình Đào đang nâng dần thu nhập và cải thiện mức sống của người dân, xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, tiến tới làm giàu, đồng thời giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Với những thành tích đạt được xuất sắc, ngày 22.8.1998, nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Bình Đào vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì có những thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Từ sau ngày được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Bình Đào tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức; đoàn kết thống nhất; chung sức, đồng lòng ra sức thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Cơ cấu kinh tế có bước phát triển chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ. Năm 2014, tổng giá trị sản xuất ngành kinh tế đạt 122,18 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 13,2 triệu đồng/người/năm. Kết cấu hạ tầng được chú trọng đầu tư phát triển, đã xây dựng được nhà đa năng kết hợp với Trạm y tế; bê tông hóa 6,07 km giao thông nông thôn, 3,7 km giao thông nội đồng tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại và sản xuất. Mạng lưới điện được phủ đều khắp trên toàn xã, đến nay có 100% hộ dùng điện. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được triển khai thực hiện tốt, 100% thôn có nhà sinh hoạt văn hóa, 85% hộ gia đình đạt gia đình văn hoá. Phong trào xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ được thực hiện tích cực, Bình Đào được đánh giá là đơn vị mạnh trong phong trào văn hoá văn nghệ và TDTT của huyện. Sự nghiệp giáo dục có những chuyển biến tích cực, toàn xã có 1 trường THCS, 1 trường Tiểu học và 1 trường Mẫu giáo, trong đó trường THCS Nguyễn Hiền và trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, dân số - KHHGĐ, bảo vệ chăm sóc trẻ em luôn được quan tâm. Việc thực hiện chính sách cho người có công, bảo trợ xã hội được tăng cường. Hiện nay, toàn xã có 431 liệt sĩ, 84 thương bệnh, binh, 27 gia đình có công đang được hưởng các chính sách trợ cấp của Nhà nước. Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,16%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hằng năm đạt 100% chỉ tiêu giao quân, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt yêu cầu số lượng, chất lượng. Công tác xây dựng Đảng thể hiện rõ vai trò của Đảng lãnh đạo toàn diện, nhiều năm liền Đảng bộ đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh. Đảng bộ Bình Đào hiện có 9 chi bộ với 146 đảng viên, đạt 1,97% so với dân số. Bộ máy chính quyền từng bước củng cố, xây dựng vững mạnh; Mặt trận và các đoàn thể từng bước đổi mới phương thức hoạt động, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của của xã. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay Bình Đào đã đạt được 11/19 tiêu chí và quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới vào năm 2018. Với những thành tích đạt được từ năm 1999 đến nay, nhân dân và cán bộ xã Bình Đào được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tặng 02 Bằng khen và nhiều Giấy khen của các cấp. 1 Trần Hớn