Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Phan Thị Nga 06/03/2016 | 12:00 AM 2776 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết Liệt sĩ - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phan Thị Nga, sinh năm 1950, trong một gia đình nông dân nghèo, bên dòng sông Trường Giang, thuộc xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Cha, mẹ, anh chị em ruột của đồng chí đều tham gia đóng góp công sức cho sự nghiệp cách mạng, là gia đình có công với cách mạng. Phát huy truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương anh hùng, năm lên 14 tuổi, đồng chí Phan Thị Nga đã tham gia làm đội viên Thiếu sinh quân của xã và tích cực hoạt động cách mạng như cảnh giới địch, đưa thư, nuôi giấu cán bộ, du kích mỗi khi kẻ địch càn quét đến địa bàn xã Bình Dương. Năm 1966, vào du kích xã Bình Dương và tham gia tổ chức xây dựng cơ sở mật bên trong vùng địch, góp phần tích cực vào thành tích chung của địa phương. Xuất phát từ gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng, nên đồng chí sớm giác ngộ cách mạng, có lòng căm thù giặc sâu sắc, có tinh thần và ý chí quyết tâm cao; trong công tác thể hiện mưu trí, sáng tạo và dũng cảm, không ngại hy sinh; từ việc đấu tranh trực diện với kẻ thù, đến đào hầm công sự, nuôi giấu cán bộ, bộ đội, du kích, rồi cùng các đồng chí trong đội Du kích mật như: Đoàn Thị Thu Hà, Phan Thị Hồng Minh ... tiêu diệt nhiều tên ác ôn khắc tiếng. Tháng 01 năm 1968, đồng chí Phan Thị Nga được phân công tổ chức và hướng dẫn cùng nhân dân xã Bình Dương xuống đường đấu tranh tại thị xã Hội An và đồng chí bị địch bắt giam giữ tại nhà lao Hội An. Trong thời gian bị giam giữ trong nhà tù, bọn địch đã dùng mọi thủ đoạn hèn hạ tra tấn dã man, nhằm khai thác những thông tin về cách mạng, nhưng với tấm lòng sắc son “sống cùng Đảng, chết không rời Đảng”, đồng chí luôn giữ vững niềm tin vào Đảng, vào ngày toàn thắng, đồng chí nhất quyết không khai báo giữ tròn khí tiết của người Cộng sản. Cuối cùng, đầu năm 1969, bọn địch thả tự do cho đồng chí. Thoát khỏi nhà lao Hội An, về lại quê hương, đồng chí tiếp tục tham gia công tác cách mạng để cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho quê hương, đất nước. Trong năm 1969, đồng chí được giao nhiệm vụ tổ chức cơ sở cách mạng ở khu dồn Thanh Ly đến Hà Lam (Bình Nguyên), dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Tân - Phó Bí thư Huyện ủy và đồng chí Trịnh Minh Đức - Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình. Các cơ sở cách mạng do đồng chí móc nối tổ chức đã tích cực hoạt động, phát huy được tác dụng, đóng góp nhiều thông tin có giá trị phục vụ chung của Đảng lúc bấy giờ. Đầu tháng 01 năm 1971, địch đánh phá ác liệt, nhằm thực hiện chiến dịch “bình định” cấp tốc, số đông nhân dân xã Bình Dương bị địch dồn vào khu dồn; lúc bấy giờ đồng chí Trần Ngộ - Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Đảng ủy xã Bình Dương phân công giao nhiệm vụ cho đồng chí Phan Thị Nga trở về hoạt động tại xã để tiếp tục liên lạc với cán bộ tại cơ sở. Với tinh thần dũng cảm, gan dạ, mưu trí đồng chí Phan Thị Nga đã tham gia móc nối cơ sở ngay trong vùng địch tạm kiểm soát và trực tiếp diệt ác ôn tại khu dồn dân ở thôn 2 xã Bình Dương, đồng thời trực tiếp đưa cán bộ, du kích vào khu dồn để phối hợp diệt ác ôn. Đồng chí đã trực tiếp đào hầm công sự bên ngoài Khu dồn để làm nơi trú ẩn cho cán bộ, tổ chức họp, liên lạc, móc nối với cơ sở để tuyên truyền, chỉ đạo và triển khai, thực hiện nhiệm vụ của cấp trên đến với cơ sở. Đến tháng 4 năm 1971, cơ sở bị lộ, đồng chí Phan Thị Nga một lần nữa bị địch bắt, tra tấn, đánh đập hết sức tàn nhẫn, nhưng đồng chí vẫn kiên trung, bất khuất trước kẻ thù và nhất quyết không khai báo cho kẻ địch, bảo toàn được tổ chức, lực lượng cơ sở bên trong hoạt động bình thường. Bằng nhiều cực hình tra tấn dã man, nhưng kẻ thù không khuất phục được tinh thần, ý chí của người cộng sản; bọn địch quyết định mở tòa xử án tử hình và đưa đồng chí Phan Thị Nga ra pháp trường xử bắn. Đứng trước họng súng của kẻ thù, đồng chí Phan Thị Nga khẳng khái tuyên bố: “Tôi có lý tưởng của tôi, Chủ nghĩa Cộng sản là lý tưởng của tôi. Tôi không có tội gì mà cũng không ân hận gì hết, hãy mở khăn bịt mắt tôi, để cho tôi nhìn quê hương Bình Dương yêu dấu lần cuối cùng”. Và đồng chí hô to: Đả đảo Đế quốc Mỹ! Hồ Chí Minh muôn năm! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm! Tiếng hô đanh thép vừa kết thúc, bọn địch đã nhẫn tâm nã nhiều loạt đạn vào người đồng chí và đồng chí đã anh dũng hy sinh ngay trên mảnh đất Bình Dương anh hùng, trước sự kính trọng và cảm phục của đông đảo bà con nhân dân xã Bình Dương. Trong suốt 7 năm, từ lúc ban đầu tham gia cách mạng (1964) đến lúc hy sinh (1971), đồng chí Phan Thị Nga tỏ rõ tinh thần yêu nước, có tinh thần trách nhiệm cao đối với bất cứ công việc gì được phân công đảm trách, đồng chí đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đồng chí Phan Thị Nga đã hy sinh nhưng tinh thần anh dũng, ý chí quật cường của đồng chí vẫn sống mãi với sự nghiệp cách mạng, với nhân dân xã Bình Dương anh hùng; là động lực to lớn, là tấm gương sáng rất đáng biểu dương và học tập. Lúc bấy giờ, lãnh đạo cấp trên nêu gương đồng chí Phan Thị Nga trên khắp chiến trường vùng Đông, kêu gọi nhân dân xã Bình Dương và nhân dân toàn huyện hạ quyết tâm biến đau thương thành hành động, đoàn kết, thi đua giết giặc cứu nước. Sự hy sinh anh dũng của đồng chí Phan Thị Nga đã tiếp thêm ngọn lửa căm thù giặc sâu sắc; cán bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân xã Bình Dương quyết tâm cao hơn, lập được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần vào thành tích chung của xã nhà, để năm 1972 xã Bình Dương được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai. Ghi nhận sự xả thân vì độc lập tự do của Tổ quốc, ngày 23.8.1978, Đảng, Nhà nước công nhận đồng chí Phan Thị Nga là liệt sỹ. Đặc biệt, ngày 09.10.2014, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 2557/QĐ-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Phan Thị Nga.