Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Huỳnh Thị Nhuận 06/03/2016 | 12:00 AM 2687 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Thị Nhuận, sinh năm 1950, tại thôn Nghĩa Hòa, xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân nghèo, tuổi thơ Huỳnh Thị Nhuận đã trải qua những năm tháng vất vả, nhọc nhằn. Khi vừa tròn 10 tuổi, chị đã phải lao động với những công việc vừa sức phụ giúp cha mẹ. Năm 1965, khi quê hương Bình Nam được giải phóng, đồng chí Huỳnh Thị Nhuận tham gia lực lượng du kích xã Bình Nam. Mặc dù là phụ nữ chân yếu, tay mềm nhưng đồng chí thể hiện tính tiên phong gương mẫu, tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao, không ngại khó khăn gian khổ, dũng cảm trong chiến đấu, được đồng chí, đồng đội tin yêu, mến phục. Tháng 12.1965, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lớp lớp tuổi thanh xuân với bao chàng trai, cô gái hăng hái tình nguyện qua “cầu danh dự” nô nức lên đường tòng quân giết giặc, giương cao khẩu hiệu “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, trong đó có đồng chí Huỳnh Thị Nhuận. Bao nhiêu mơ ước được cầm súng chiến đấu giết giặc cứu nước được toại nguyện; đồng chí được nhập ngũ và biên chế vào đơn vị thông tin thuộc Tỉnh đội Quảng Nam. Với vị trí công tác này, chị đã nỗ lực phấn đấu, không ngại khó khăn, gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến tháng 6 năm 1966, do yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường, đồng chí Huỳnh Thị Nhuận được điều chuyển đến nhận công tác tại Ban Giao bưu tỉnh Quảng Nam và được phân công công tác tại Trạm giao liên B23. Trạm đóng tại xã Kỳ Yên, huyện Bắc Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam - Một địa bàn nối liền giữa vùng chiến khu cách mạng với vùng địch tạm kiểm soát, bọn địch thường xuyên mở các cuộc hành quân càn quét đánh phá, ngăn chặn đường dây liên lạc của chúng ta. Tuy vị trí công tác còn mới mẻ, lại thường xuyên tiếp cận với chiến trường, ngày đêm qua lại tuyến lửa của đường dây sinh tử này, nhưng với tinh thần dũng cảm, không ngại hy sinh và chịu khó học hỏi ở đồng chí, đồng đội đi trước, đồng chí Huỳnh Thị Nhuận đã đảm nhận nhiệm vụ và thực hiện đi đến nơi, về đến chốn, đảm bảo thông tin kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đặt ra một cách xuất sắc. Đồng chí không ngại gian khổ, hy sinh, không quản ngày đêm mỗi khi có yêu cầu công văn hỏa tốc hay dẫn đường cho đoàn cán bộ đi vào vùng địch công tác và ngược lại, đến các đơn vị bộ đội hành quân di chuyển, trinh sát, tập kích kẻ thù thì chị luôn xung phong nhận nhận nhiệm vụ, dù biết rằng có thể phải hy sinh tính mạng, nhưng không chùn bước. Có lần đưa Công văn hỏa tốc xuống vùng Đông Thăng Bình, bị địch phục kích, đồng chí đã mưu trí cải trang là người phụ nữ chăn trâu, cắt cỏ trên đồng, rồi lội qua sông, vượt qua hàng chục ổ phục kích, bãi mìn và đi sâu vào vùng địch kiểm soát để đưa công văn đến cơ sở an toàn, kịp thời gian. Từ sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ - ngụy tăng cường đánh phá vùng giải phóng rất ác liệt, chúng cho quân lùng sục, triệt hạ cơ sở cách mạng, bắn giết nhân dân và bắt dân tập trung vào ấp chiến lược …để thực hiện kế hoạch “bình định nông thôn”. Trạm B23 của ngành Giao bưu tỉnh Quảng Nam phải di chuyển nhiều lần, nhưng phải bám địa bàn trọng yếu mà thực thi nhiệm vụ. Trong chuyến đi công tác cuối cùng ở vùng Đông Tam Kỳ, khi vừa đến Trạm vào tối ngày 14.6.1968 thì 04 giờ ngày 15.6.1968, Trạm nhận Công văn mang ký hiệu ĐLT (đi lập tức) của Tỉnh ủy Quảng Nam. Lúc này, Trạm đang sơ tán ở trong nhà dân, tất cả anh em trong Trạm đều đi công tác, đồng chí vừa đi công tác về nên được ở nhà trực Trạm. Với tinh thần cảnh giác, nhận thấy dấu hiệu không bình thường, địch có khả năng tập kích vào khu vực Trạm đóng quân, đồng chí liền phân tán, cất giấu tài liệu đảm bảo an toàn. Riêng Công văn mang ký hiệu “ĐLT”, đồng chí giấu vào chỗ kín trong người để chuẩn bị lên đường. Đúng như phán đoán, một trung đội địch từ Danh Sơn đã bất ngờ tập kích vào Trạm. Đồng chí đã nhanh trí đem thúng thóc đổ vào cối xay, đứng xay lúa tự nhiên như người con gái trong nhà, nhưng đầu óc căng thẳng nghĩ đến Công văn mới nhận lúc khuya đang ở trong người phải đi ngay trong sáng nay. Bọn lính lùng sục khắp mọi nơi, không tìm ra dấu vết khả nghi; không ngờ, trong toán lính có một tên là người địa phương mới chạy theo giặc làm lính đánh thuê, phát hiện đồng chí không phải là người địa phương này, hắn báo với viên chỉ huy và bọn chúng liền bắt đồng chí. Sau đó, chúng gọi một chiếc trực thăng HU1A đến chở đồng chí về căn cứ của chúng. Trong giây phút căng thẳng và không còn lối thoát, đồng chí đã quyết định quyết không để rơi vào tay giặc và chọn cho mình cái chết - một cái chết anh dũng và thanh thản để giữ vững khí tiết của người cộng sản. Bằng cách lao thẳng ra cửa máy bay trực thăng để nhìn thấy quê hương và niềm tự hào là chị đã hoàn thành nhiệm vụ Đảng giao. Hôm ấy, là ngày 15.6.1968 đồng chí Huỳnh Thị Nhuận đã hy sinh anh dũng và Công văn mang ký hiệu “ĐLT” của Tỉnh ủy Quảng Nam thấm đẫm máu của chị vẫn còn nguyên giá trị. Trong suốt quá trình công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu, đồng chí đã nhận, chuyển trên 1.700 công văn, trong đó có trên 150 công văn mang ký hiệu “ĐLT”, đưa đón trên 1000 lượt cán bộ, bộ đội vượt qua vùng địch kiểm soát an toàn. Và hành động anh hùng của chị lúc hy sinh đã thể hiện tinh thần dũng cảm, dám xả thân nhảy từ trên máy bay xuống để không lọt vào tay giặc, tài liệu trong người không bị lộ, bảo vệ được bí cho cách mạng. Sau khi đồng chí Huỳnh Thị Nhuận hy sinh, Đảng ủy, Lãnh đạo Ban giao bưu tỉnh Quảng Nam phát động phong trào thi đua trong toàn ngành, biến đau thương thành hành động cách mạng, ra sức học tập, rèn luyện và noi gương công tác, chiến đấu của đồng chí Huỳnh Thị Nhuận. Tấm gương đồng chí Huỳnh Thị Nhuận - người chiến sĩ giao liên tỉnh Quảng Nam phục vụ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một trong những con chim đầu đàn của ngành giao liên, là bông hoa đẹp trong vườn hoa chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đồng chí đã góp phần đem lại cho nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân có được niềm hạnh phúc lớn lao mãi đến ngày hôm nay. Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Huỳnh Thị Nhuận đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 01 Huân chương Quyết thắng hạng Ba, 01 Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, 01 Huy chương chiến sĩ giải phóng, 01 Huy chương vì sự nghiệp Bưu điện Việt Nam và 01 Bằng khen của Quân khu V. Đặc biệt, ngày 08.11.2000, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 568/KT-CTN truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ Huỳnh Thị Nhuận.