Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân Lê Quang Cảnh

Liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Quang Cảnh, sinh năm 1920, trong một gia đình ngư dân, đông anh em tại xã Cẩm Thanh, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam (nay là xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam). Thời niên thiếu, Lê Quang Cảnh đã phải cùng gia đình bươn chải trong cuộc sống. Hằng ngày, phải chèo thuyền vận chuyển người và hàng hóa vào Lạc Câu, xã Bình Dương, huyện Thăng Bình để tìm kế sinh nhai. Dù vậy, cuộc sống của gia đình cũng không thoát được cảnh nghèo khó.

     Năm 1940, vừa tròn 20 tuổi, nghe tin ở Lạc Câu chuẩn bị xây dựng một chợ mới, anh quyết định học nghề và vào dựng hiệu may gần chợ để làm ăn, nuôi sống bản thân và gia đình. Sức trẻ của tuổi đôi mươi và sự chăm chỉ làm ăn của Lê Quang Cảnh đã khiến nhiều cô gái trẻ nơi đây để mắt đến. Thấu hiểu được sự nhọc nhằn của quê hương và gia cảnh, ông tơ và bà nguyệt đã kết tóc xe duyên vợ chồng với chị Phan Thị Xê, người con gái nết na, thùy mị của dòng họ Phan ở Lạc Câu, Bình Dương và đã sinh hạ được 03 người con.
     Khi về lập gia đình ở Lạc Câu, lúc này, phong trào cách mạng ở đây đã phát triển mạnh, các phong trào đấu tranh của nhân dân liên tục phát triển và gây được tiếng vang lớn trong huyện. Năm 1942, phong trào cách mạng toàn tỉnh nói chung và huyện Thăng Bình nói riêng bị địch đánh phá nặng nề, phần lớn cán bộ, đảng viên và các tổ chức cơ sở đảng bị bể vỡ. Cuối 1942, đầu 1943 phong trào dần dần được khôi phục. Ở Lạc Câu, đồng chí Huỳnh Kinh Nhi đã tập hợp được một số đoàn viên cứu quốc cũ, tổ chức Hội cứu quốc và tổ chức các hội biến tướng như: Hội Tương trợ, Hội Ái hữu… Lúc bấy giờ, ở Lạc Câu, lực lượng quần chúng trung kiên ngày một phát triển, Lê Quang Cảnh là một trong những quần chúng tiên phong trong các phong trào ở địa phương.
     Những năm 1944 - 1945, đồng chí Lê Quang Cảnh hoạt động trong tổ chức cơ sở mật tại địa phương. Cách mạng tháng Tám năm 1945 nổ ra, đồng chí Lê Quang Cảnh xung phong vào đội thanh niên quyết tử của xã nhà và đã hoàn thành nhiệm vụ được giao trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Lạc Câu.
     Sau ngày khởi nghĩa, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành lập ngay Mặt trận Việt Minh và các tổ chức cứu quốc. Đồng chí Lê Quang Cảnh tham gia Ban Chấp hành Nông dân cứu quốc, Đội Nông dân quyết tử, Phó Chủ nhiệm Việt Minh xã. Trong quá trình tham gia cách mạng ở địa phương, đồng chí Lê Quang Cảnh sớm trưởng thành và tỏ rõ khả năng đi đầu trong phong trào quần chúng. Năm 1949, đồng chí Lê Quang Cảnh được chi bộ Sông Lô (chi bộ xã Thăng An) kết nạp vào Đảng. Chi bộ này do đồng chí Trịnh Thiệt làm Bí thư. Đồng chí Lê Quang Cảnh được chi bộ phân công phụ trách công tác Đảng vùng 3 (nay là thôn 1 xã Bình Dương).
     Được đứng vào hàng ngũ của Đảng là nguyện vọng và ước mơ cháy bỏng của đồng chí Lê Quang Cảnh. Vì thế, hơn bao giờ hết, liên tục từ năm 1949 đến năm 1954, đồng chí Lê Quang Cảnh không quản ngại khó khăn, gian khổ vừa lo cái ăn, cái mặc cho vợ và 3 con, vừa lặn lội bám sát cơ sở để vận động xây dựng phong trào toàn dân đánh Pháp. Đồng chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.
     Sau ngày 20.7.1954, do yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, đa số cán bộ, đảng viên được tập kết ra miền Bắc, đồng chí Lê Quang Cảnh được phân công ở lại để gìn giữ phong trào cách mạng. Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ được phân công, đồng chí Lê Quang Cảnh luôn tỏ rõ là người biết chăm lo mọi công việc gia đình, giữ mối quan hệ tốt với bà con xóm giềng. Đức tính và bản chất trong sáng của đồng chí Lê Quang Cảnh luôn đem lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người dân Thăng Bình nói chung và xã Bình Dương nói riêng.
     Dưới bàn tay của chế độ tay sai Ngô Đình Diệm, phần lớn cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị chúng truy lùng, bắt bớ, cầm tù và sát hại. Hàng loạt các vụ thảm sát đẫm máu ở Chợ Được, Cây Cốc, Vĩnh Trinh… đã gây ra một làn sóng căm thù, đấu tranh mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân.
     Ngày 23.10.1955, Ngô Đình Diệm tổ chức cuộc “trưng cầu ý dân” để phế truất Bảo Đại, lên nắm quyền điều hành. Trước tình hình đó, đồng chí Lê Quang Cảnh đã cùng với các đảng viên trong chi bộ tích cực bí mật vận động, tuyên truyền quần chúng hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, đoàn kết và nhất tề đứng lên đấu tranh phá sản âm mưu, kế hoạch của địch. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, đồng bào Bình Dương đã biến cuộc trưng cầu ý dân của Ngô Đình Diệm thành cuộc đấu tranh chính trị rộng khắp xóm làng. Sau thất bại của cuộc trưng cầu ý dân, bọn địch điên cuồng tung lực lượng bảo an, dân vệ, địa phương quân bủa vây thôn xóm bắt bớ, đánh đập và sát hại quần chúng một cách đê hèn. Ngay trong đêm 25.10.1955, chúng bắt 21 cán bộ, đảng viên, trong đó có 18 người của xã Bình Dương đưa về cơ quan khu hành chính Chợ Được (Bình Triều) để thanh lọc, đánh đập, tra xét. Đêm ngày 05.11.1955, chúng trói 3 - 4 người thành một, thủ tiêu chôn sống đồng chí chúng ta ở nổng cát Tất Viên - Tây Chợ Được.
     Sáng ngày 13.02.1956, bọn lính Bảo an vây bắt hàng trăm cán bộ, đảng viên, những người tình nghi liên can cộng sản ở Bình Dương đưa về trường học Lạc Câu xét hỏi, thanh lọc, để chuẩn bị cho đợt tố cộng tiếp theo. Đồng chí Lê Quang Cảnh cùng vợ và các con đang lao động bình thường tại gia đình thì bất ngờ bọn lính bảo an ập vào vây bắt đồng chí.
     Tên ác ôn cảnh sát trưởng Phan Công Mai hằm hằm nhìn mặt, điểm danh từng người. Mười người rồi mười lăm người trong số cả trăm người bị bắt lần lượt được gọi vào. Cũng như bao đợt khác, chúng cố tách riêng cán bộ, đảng viên khỏi dân và ra tay đánh đập, tra tấn các đồng chí, đánh phủ đầu nhằm uy hiếp tinh thần đấu tranh của quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, mọi người nhìn nhau với thái độ căm thù đối với bọn mặt người dạ thú, nhưng chưa ai nghĩ ra điều gì, bằng cách nào để giải vây cho khoảng hơn 100 người đang ngồi ở đây và mọi người vẫn không khai báo nữa lời, dù gậy gộc và những cú đấm đá tối tăm mặt mày. Không thể chịu được cảnh trớ trêu này, ruột gan Lê Quang Cảnh rối bời “phải cho bọn này một bài học về đạo làm người”, một ý nghĩ lóe lên trong đầu. Đang bần thần suy nghĩ thì tên Phan Công Mai gọi: Lê Quang Cảnh? đồng chí đứng lên nhìn bà con chung quanh như chào bà con lần cuối rồi đi thẳng đến đối mặt với tên lính Bảo an đang cầm mã tấu và anh nói to: “Tao là cộng sản đây, ta là người chỉ huy phá cuộc tổng tuyển cử của tụi bay đây”, vừa nói xong đồng chí liền giật ngay cây mã tấu hắn đang cầm trên tay, giơ cao mã tấu bổ thẳng vào đầu tên ác ôn cảnh sát trưởng Phan Công Mai. Tên Mai bị thương, hốt hoảng quẳng sổ sách chạy kêu cứu. Liền đó, bọn lính nổ súng xối xả. Trong đám đông loạn xạ, đồng chí Lê Quang Cảnh cố rượt đuổi cho kịp tên Mai và chém liên tục những nhác mã tấu vào đầu tên ác ôn. Sau đó, đồng chí chạy giải vây về hướng bờ sông để địch đuổi theo, còn các hướng khác để đồng chí, đồng bào thoát thân. Liền lúc đó, bọn lính bảo an bảo vệ vòng ngoài nả đạn xối xả vào đồng chí và đồng chí trúng đạn giặc hy sinh. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, đồng chí cố gượng dậy và dõng dạc hô lớn: “Đảng Cộng sản Việt Nam - Bác Hồ muôn năm”. Nhân lúc hỗn loạn, đồng bào, đồng chí đã nhanh chóng tự cởi trói cho nhau, thoát khỏi vòng vây của địch.
     Đồng chí Lê Quang Cảnh đã anh dũng hy sinh để dội hờn căm lên lũ bán nước, cướp nước để giải thoát cho hơn 100 cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thoát khỏi bàn tay của kẻ thù. Ngay trong đêm đó, đồng chí Lê Quang Cảnh - người con yêu quý của Bình Dương được đồng chí, đồng bào tiễn đưa về nơi an nghỉ cuối cùng. Và cái chết bất tử của đồng chí Lê Quang Cảnh vẫn còn sống mãi trong lòng đồng bào, đồng chí chúng ta.
     Ngày hôm sau, tờ báo Quyết Tiến - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam có bài xã luận: “Học tập gương hy sinh anh dũng Lê Quang Cảnh" quyết tâm chống tố cộng của bè lũ Mỹ - Diệm. Trước sự hy sinh anh dũng của đồng chí, bọn địch vốn hung hăng, đàn áp dã man, bằng những hành động đê hèn đã phải chùn bước. Những năm về sau, mỗi khi bọn chúng muốn đàn áp phong trào cách mạng ở địa phương cũng phải dè chừng, tính toán mới dám hành động. Và tên Phan Công Mai cũng phải đền tội với nhân dân Bình Dương bởi chiến thuật “mỹ nhân kế” của ta.
     Hôm nay, trên con đường xây dựng quê hương Bình Dương giàu đẹp, chúng ta càng khâm phục đồng chí Lê Quang Cảnh, sống anh dũng, chết quang vinh. Đồng chí, đồng bào Bình Dương mãi mãi tiếc thương và tự hào về người con yêu quý của đất thép Bình Dương anh hùng.
     Ghi nhận sự xả thân hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng và Nhà nước công nhận đồng chí Lê Quang Cảnh là liệt sĩ. Đặc biệt, năm 2007, liệt sĩ Lê Quang Cảnh được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tin liên quan