Tháng Tư- Nhớ về địa chỉ đỏ Núi Chùa Ngọc Sơn

Di tích địa đạo Ngọc Sơn và Núi Chùa Ngọc Sơn vinh dự được cộng nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh vào năm 2020 và 2023. Nơi đây đã chứng kiến hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm của quân và dân xã Bình Phục nói riêng và huyện Thăng Bình nói chung.

 

Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Núi Chùa Ngọc sơn

 

     1. Núi Chùa Ngọc Sơn

     Ông Lê Thông - Chủ tịch UBND xã Bình Phục cho biết, theo các bậc cao niên kể lại, Núi Chùa nằm trong quần thể núi Ngọc Sơn. Gọi là Núi Chùa vì xưa kia trên ngọn núi này có ngôi chùa thờ Phật. Qua thời gian và chiến tranh, đến nay ngôi chùa không còn nữa. Núi Chùa có vị trí chiến lược trong công tác quốc phòng. Đứng ở đỉnh núi có thể nhìn bao quát hết làng Ngọc Sơn, cả xã Bình Phục và nhìn thấy một số xã vùng đông của huyện Thăng Bình. Đây là một ngọn núi hiếm hoi nằm giữa đồng bằng, phía trước là một bàu nước lớn gọi là bàu Bàng, sau núi là một động cát trắng mênh mông.

Lãnh đạo Sở VH-TT và DL, huyện Thăng Bình, xã Bình Phục viếng hương tại nhà Bia tưởng niệm di tích Núi Chùa Ngọc Sơnnhân sự kiện đón nhận Bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh (24/3/2023)

 

     Trong ký ức và tâm tưởng của người dân Bình Phục, Núi Chùa là nơi linh thiêng, huyền bí. Trong những năm kháng chiến chống Pháp và Mỹ, nơi đây đã từng “nuôi giấu cách mạng”, là nơi để du kích, bộ đội tập luyện, mai phục và theo dõi địch từ xa. Núi Chùa là địa điểm then chốt của cách mạng vùng đông Thăng Bình. Nơi đây đã diễn ra nhiều trận chiến ác liệt giữa quân ta và quân địch, làm kẻ thù khiếp sợ. Trong đó, tiêu biểu và ác liệt nhất là trận đánh của Đại đội 3, Tiểu đoàn 72 Quảng Nam diễn ra vào tháng 8 năm 1972.

     Theo nguyện vọng của nhân dân, năm 2018, Ban cán sự thôn đã vận động được 400 triệu đồng để xây dựng Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại đây và nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Di tích Núi Chùa Ngọc Sơn là nơi chứng kiến hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống giặc ngoại xâm. Quân và dân xã Bình Phục được Nhà nước phong tặng 248 huân chương, 90 huy chương, 54 bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), có 45 Mẹ Việt Nam anh hùng và 226 liệt sĩ…