Tăng cường bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới 19/05/2023 | 07:08 PM 12 In Gửi Email Phóng to Thu nhỏ Tương phản Đọc bài viết Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Biển không chỉ chứa đựng tiềm năng kinh tế to lớn, cửa ngõ mở rộng quan hệ giao thương với quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh, quốc phòng, đồng thời là địa bàn chiến lược trọng yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị; yếu tố quan trọng để đất nước phát triển bền vững. Thăng Bình là huyện đồng bằng ven biển phía Đông Nam của tỉnh Quảng Nam, với chiều dài bờ biển gần 25 km chạy dài dọc qua các xã phía Đông của huyện gồm Bình Minh, Bình Dương, Bình Nam, Bình Hải và nằm trong khu vực phòng thủ có tính chiến lược của tỉnh, của quân khu… Thời gian qua, tình hình khu vực và trên biển Đông diễn biến khá phức tạp khiến nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ đất nước, nhất là an ninh trên biển có nhiều khó khăn, thách thức. Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trong tình hình mới, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình luôn xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Quán triệt tinh thần đó, thời gian đến, huyện Thăng Bình cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo Công tác tuyên truyền biển, đảo cần bám sát thực tiễn tình hình, không ngừng đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng, đồng thời tận dụng có hiệu quả các phương tiện kỹ thuật và chú trọng mở rộng phạm vi tuyên truyền. Công tác tuyên truyền về chủ quyền quốc gia trên biển đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và các địa phương. Nội dung tuyên truyền phải đa dạng và phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ban Tuyên giáo Huyện ủy xây dựng kế hoạch tuyên truyền và chỉ đạo các TCCS đảng xây dựng kế hoạch tuyên truyền sát với tình hình thực tế ở cơ quan, đơn vị. Định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về biển, đảo cho cán bộ, đảng viên và lực lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên từ huyện đến cơ sở. Kịp thời định hướng tuyên truyền về biển, đảo cho các cơ quan tuyên truyền. Trong đó tập trung tuyên truyền về các điều khoản và nghĩa vụ cần phải chấp hành các quy định của luật pháp Việt Nam khi hoạt động hoặc tham gia giao thông trong phạm vi lãnh hải, các vùng nội thuỷ, vùng đảo, quần đảo và khu vực đặc quyền kinh tế trên biển Việt Nam; về các quan điểm chủ đạo và nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thực thi quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo, quần đảo và các khu vực đặc quyền kinh tế biển. Đặc biệt, chú trọng nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, nhất là các địa phương ven biển, nhận thức rõ tính chất phức tạp của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế. Cùng với công tác truyên truyền về biển, đảo, cần kết hợp với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, làm cho ngư dân hiểu rõ các quy định trong luật biển Việt Nam và pháp luật quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, làm cho ngư dân không chỉ chấp hành, mà còn kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của tàu, thuyền nước ngoài ở vùng biển Việt Nam. Các địa phương ven biển tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và lợi ích thiết thực của ngư dân khi tham gia tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản trên biển. Tích cực phối hợp mở các lớp tập huấn, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng cũng như các kỹ năng phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và kiến thức pháp luật về biển cho ngư dân. Qua đó phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, đoàn kết, chung sức đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.Tàu câu mực của ngư dân xã Bình Minh đánh bắt trên biển Tập trung phát triển kinh tế biển Phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế biển. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khai thác, sử dụng hiệu quả và biến các tiềm năng ấy thành nguồn lực, động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế của huyện. Trong đó, tập trung phát triển ngành thuỷ sản theo hướng chất lượng và bền vững. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Kế hoạch của Huyện uỷ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy khóa XXII về định hướng phát triển vùng Đông Nam của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đẩy mạnh công tác quy hoạch, liên kết vùng Đông với các địa phương lân cận để phát triển du lịch; kết nối với thành phố Hội An hình thành khu du lịch dịch vụ, sinh thái, nghỉ dưỡng, dịch vụ giáo dục ven biển tại xã Bình Dương, Bình Minh, Bình Đào. Tiếp tục phối hợp với BQL Khu Kinh tế mở Chu Lai, các sở ngành của tỉnh, các nhà đầu tư thực hiện các dự án trọng điểm vùng Đông. Tiếp tục giải phóng mặt bằng để triển khai dự án nghỉ dưỡng Nam Hội An; kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ, du lịch, khu vui chơi thể thao, giải trí. Tập trung phát triển kinh tế biển. Chọn lọc và tập trung đầu tư phát triển ngành kinh tế mũi nhọn, khai thác bền vững lợi thế của từng địa phương. Phát triển đồng bộ kinh tế thủy sản cả về khai thác đánh bắt, nuôi trồng và chế biến. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác vùng biển xa. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản. Hiện đại hoá công tác quản lý nghề cá trên biển; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá; xây dựng một số đội tàu có công suất lớn tham gia khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá. Hỗ trợ phát triển các dự án nuôi tôm giống tại xã Bình Nam và dự án phát triển thủy sản theo quy hoạch của tỉnh. Tăng cường công tác bảo vệ môi trường biển. Phát triển kinh tế biển phải đảm bảo sử dụng có hiệu quả, hợp lý và tiết kiệm tài nguyên, chú trọng phòng ngừa và ngăn chặn ô nhiễm kết hợp với xử lý ô nhiễm, cải thiện môi trường và bảo tồn thiên nhiên; đồng thời, kết hợp các biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiên tai. Quy hoạch bố trí, sắp xếp dân cư vùng ven biển phù hợp với sản xuất, chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phát triển kinh tế biển phải gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, coi đó như một vấn đề then chốt trong xây dựng thế trận lòng dân trên biển. Do đó, cần chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần cho nhân dân các xã ven biển. Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước hiện nay và mai sau. Phát huy được tiềm năng về tài nguyên biển và vùng ven biển huyện Thăng Bình không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của huyện, tỉnh mà còn góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.