Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Cán bộ và công tác cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”.

     Thực tế đã chứng minh, ở đâu công tác cán bộ được tiến hành nghiêm túc, đúng nguyên tắc, quy định của Đảng, ở đó cán bộ hăng hái phấn đấu, cống hiến. Ngược lại, ở đâu công tác cán bộ thực hiện không đúng nguyên tắc, thiếu dân chủ, lãnh đạo độc đoán, có tiêu cực thì cán bộ tốt sẽ không muốn phấn đấu vươn lên, thậm chí không yên tâm công tác. 

     Trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cụm từ “kiểm soát quyền lực” được nhắc đến hơn 20 lần. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ta đã xác định tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức là một trong những nhiệm vụ quan trọng của giai đoạn 2021 - 2030. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh một trong 10 nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là: “Xây dựng quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ; thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật đối với cán bộ có vi phạm, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu”.

     Những năm qua, Trung ương Đảng đã rất quan tâm đến việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cụ thể, ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về một số quy định trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Ngày 11/7/2023, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (thay thế Quy định 205-QĐ/TW trước đó). 

     Đây là một trong những quy định quan trọng nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Qua đó, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ và phòng, chống những hành vi tiêu cực trong công tác này.

     Theo quy định của Trung ương Đảng, quyền lực trong công tác cán bộ có phạm vi rất rộng, được hiểu là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong các khâu liên quan đến công tác cán bộ, gồm: Tuyển dụng, đánh giá, bố trí, phân công, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, điều động, luân chuyển; khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ...

Ban Tuyên giáo Huyện uỷ thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền,góp phần tích cực lan tỏa và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến

 

     Để kiểm soát được quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trước hết người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chấp hành nghiêm nguyên tắc, quy định, quy trình về công tác cán bộ; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, công tâm, khách quan, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Gương mẫu trong xem xét, bố trí người có quan hệ gia đình, người thân quen vào vị trí người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc hoặc giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý khác.

     Đặc biệt, cần cương quyết đấu tranh với những tư tưởng “Một người làm quan cả họ được nhờ”, đem người thân, bạn hữu vào chức này, việc kia. Đấu tranh với việc ham dùng những kẻ khéo nịnh nọt mà ghét những người chính trực cũng như tư tưởng cục bộ địa phương trong công tác cán bộ. 

     Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; phòng, chống “chạy chức, chạy quyền”. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đề cao danh dự, lòng tự trọng, hình thành văn hóa cạnh tranh lành mạnh trong bố trí, bổ nhiệm nhân sự, giới thiệu ứng cử và lên án mạnh mẽ việc “chạy chức, chạy quyền”; thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, quy định, kết luận của Đảng.

     Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, quản lý có hiệu quả đội ngũ cán bộ, đảng viên, để những đối tượng cơ hội không thể “chạy” và không dám “chạy”. Tăng cường vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng, tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân được trao và thực thi quyền lực trong công tác cán bộ. Tiếp tục làm rõ, phân định giữa trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm tập thể, không để tình trạng cá nhân lợi dụng tập thể hợp thức hóa lợi ích riêng; hoặc một vài cá nhân lợi dụng ý chí tập thể để phục vụ “lợi ích nhóm”. Đặc biệt, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác cán bộ, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

     Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về công tác cán bộ bảo đảm thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tránh hình thức. Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất trong công tác cán bộ, xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ; coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý nghiêm minh sai phạm. Cấp ủy các cấp thường xuyên tự kiểm tra, tự đánh giá công tác cán bộ. Nêu cao ý thức trách nhiệm tự phê bình và phê bình của tập thể (tổ chức đảng, cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức) và của cá nhân cán bộ, đảng viên trong công tác tổ chức cán bộ, khắc phục việc nể nang, né tránh, ngại va chạm hoặc lợi dụng công việc để đả kích, nói xấu hoặc thực hiện ý đồ cá nhân.

     Mặt khác, phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông, báo chí và Nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ, phát hiện kịp thời những hiện tượng tiêu cực theo hướng “thực hiện công khai, minh bạch và giải trình theo quy định khi có yêu cầu về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự”. Kịp thời đấu tranh, phê phán, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, tạo môi trường làm việc, phấn đấu bảo đảm minh bạch, khách quan, thúc đẩy cán bộ thực tâm, thực tài cống hiến hết mình vì sự nghiệp chung.                                       

Tin liên quan