Thăng Bình hỗ trợ cơ sở tiểu thủ công nghiệp phát triển sản xuất

Thời gian qua, từ nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh và nguồn phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, ngành nghề nông thôn của huyện; Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thăng Bình đã kịp thời hỗ trợ, giúp các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện có điều kiện trang bị máy móc để phát triển sản xuất; qua đó, góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Description: E:\ANH MOI 1\New folder (46)\Untitled (1).jpg
Máy cắt sắt CNC giúp làm ra sản phẩm có tính thẩm mỹ và tinh xảo hơn.

 

     Từ một xưởng cơ khí nhỏ mở ra từ năm 2016, thực hiện các công đoạn cắt sắt, hàn, gia công, hoàn thiện những sản phẩm giản đơn phục vụ nhu cầu xây dựng và trang trí của người dân quanh vùng, nhưng thời gian gần đây tại xã Bình Triều và các địa phương khác trên địa bàn huyện Thăng Bình, nhiều người có nhu cầu làm tường rào, cổng ngõ, lan càn, cầu thang,... bằng nguyên liệu sắt nhưng có tính thẩm mỹ, nhiều chi tiết hoa văn có độ tinh xảo cao hơn. 

     Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và được Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thăng Bình hỗ trợ 150 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công, anh Lê Văn Lai – Chủ cơ sở cơ khí Lê Lai (Bình Triều, Thăng Bình) đã mạnh dạng đầu tư thêm để mua máy cắt sắt CNC, máy vi tính, máy hơi và các trang thiết bị phụ trợ khác; với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng. Anh Lê Văn Lai cho biết, máy cắt sắt CNC này giúp tạo ra những sản phẩm đồng đều, chất lượng, tiết kiệm nguyên vật liệu... nên rất phù hợp tạo ra những sản phẩm yêu cầu có tính thẩm mỹ và có độ tinh xảo cao. “Từ khi có máy CNC, ngoài việc làm các sản phẩm phục vụ khách hàng ở địa phương, cơ sở cơ khí Lê Lai còn nhận thêm nhiều đơn đặt hàng từ huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Trị,... Nhờ đó số lượng sản phẩm làm ra mỗi ngày cũng tăng. Cơ sở đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động, với thu nhập ổn định mỗi tháng từ 6 triệu đồng đến hơn 10 triệu đồng” – anh Lê Văn Lại nói.

     Mới khởi nghiệp, vốn ít, trong khi việc chọn sản xuất các sản phẩm thực phẩm từ thiên nhiên đòi hỏi phải có kinh phí đầu tư, mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Vì vậy được hỗ trợ 40 triệu đồng từ chương trình khuyến công của huyện Thăng Bình, chị Ngô Thị Lộc – Chủ cơ sở sản xuất bột ngũ cốc, sữa dạng bột Lộc Nhiên Phát Natural (xã Bình Trung, Thăng Bình) đã đầu tư thêm để trang bị một lò sấy 10 tầng và máy xay bột để sản xuất các sản phẩm bột dinh dưỡng.

     Chị Ngô Thị Lộc cho biết, có lò sấy và máy xay bột, mỗi ngày cơ sở của chị làm ra được hơn 20 gói sữa bột dinh dưỡng. Ngoài ra, tận dụng lò sấy này, cơ sở còn làm ra thêm nhiều các sản phẩm phụ như bánh hạt ngũ cốc, bột ngũ cốc sinh dưỡng,... nên thu nhập cũng ổn định. 

     Bà Nguyễn Thị Thu - Phó Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, hằng năm từ nguồn phân bổ kinh phí khuyến công của tỉnh và huyện, phòng đã khảo sát nhu cầu cần hỗ trợ của các cơ sở để tư vấn, định hướng và có hỗ trợ phù hợp. Sau khi được hỗ trợ các mô hình này đều phát huy hiệu quả. Ngoài việc, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, bao bì... để sản phẩm được thị trường chấp nhận thì các cơ sở này còn giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương. “Thời gian tới, từ nguồn kinh phí khuyến công Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Thăng Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các cơ sở có nhu cầu; qua đó, giúp các cơ sở tiểu thủ công nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho lao động nông thôn, từng bước đưa ngành tiểu thủ công nghiệp của huyện ngày càng phát triển” - bà Nguyễn Thị Thu nói.

Tin liên quan