Xã Bình Phục (Thăng Bình) kỷ niệm 50 năm giải phóng quê hương (26/3/1975 - 26/3/2025)
Sáng ngày 22/3, Đảng ủy - HĐND - UBND - Uỷ ban MTTQVN xã Bình Phục (Thăng Bình) long trọng tổ chức kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quê hương (26/3/1975 - 26/3/2025) và gặp mặt cán bộ lực lượng dân quân xã (giai đoạn 1975 - 1990). Đến dự, có đồng chí Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; đ/c Trương Công Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện cùng đông đảo bà con nhân dân xã Bình Phục.

Những ngày này cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quân và dân xã Bình Phục đã tiến hành cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng quê hương, góp phần cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Ngược dòng lịch sử, giữa tháng 3/1975, chủ trương giải phóng vùng Đông Thăng Bình được triển khai. Tại Bình Phục, vào tối 25 và sáng 26/3/1975, lực lượng du kích cùng với nhân dân phối hợp với quân chủ lực chia làm 2 cánh quân đánh vào đồn Xuân Yên tiêu diệt địch mở đường giải phóng vùng Ngọc Sơn, Tất Viên, Tư Chánh. Với chiến thắng như vũ bão của quân và dân ta, đến ngày 26/3 xã Bình Phục và cả huyện Thăng Bình hoàn toàn giải phóng.

Ngày quê hương được giải phóng, hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề, ngổn ngang kẽm gai, chằng chịt bãi mìn, loang lỗ hố bom. làng mạc, ruộng vườn bị tàn phá. Hàng trăm lao động không có việc làm, đói ăn, thiếu mặc, thiếu ruộng đất, phương tiện sản xuất.
Từ chỗ "thiếu ăn, thiếu mặc" đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triều đồng/người/năm. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1.46%. Trên 98 % gia đình văn hoá. 100% thôn văn hóa và 100% tộc họ văn hoá. Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 và đang phấn đấu trở thành xã NTM nâng cao vào năm 2025. Toàn xã có 244 liệt sĩ, 42 thương binh, bệnh binh, 42 mẹ Việt Nam anh hùng, 129 người có công cách mạng và được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 248 huân chương các loại gồm 54 Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, 56 Bằng khen của UBND tỉnh Quảng Nam...

Phát biểu tại buổi lễ đồng chí Trương Công Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Trải qua những lần điều chỉnh địa giới, thay đổi tên gọi khác nhau nhưng Nhân dân, cán bộ, đảng viên xã Bình Phục luôn gìn giữ được những truyền thống tốt đẹp, văn hóa quê hương. Sự chịu thương, chịu khó, san ngọt sẻ bùi cùng đức tính thật thà, cần cù, sáng tạo trong lao động, đoàn kết, giúp đỡ nhau. Qua quá trình đấu tranh chống ngoại xâm, Nhân dân và cán bộ, đảng viên xã Bình Phục luôn thể hiện được bản lĩnh, ý chí kiên cường vì quê hương độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng xã Bình Phục là sự kiện có ý nghĩa lịch sử sâu sắc, là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của nhân dân xã Bình Phục nói riêng, của quân và dân huyện nhà nói chung; là dịp để ghi nhớ, tri ân những công lao to lớn, những hy sinh mất mác của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; là dịp để đánh giá, nhìn lại sự phát triển, đổi thay của quê hương sau chặng đường 50 năm giải phóng, từ đó có những định hướng mới cho sự phát triển trong hành trình tiếp theo.

Những ngày tháng Ba lịch sử này, cũng là lúc Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ triển khai thực hiện cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy của với tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, không được chậm trễ về nhanh chóng sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã và bỏ cấp huyện để tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Không tránh khỏi tâm tư, trăn trở.
Ông Sơn nhấn mạnh: Có thể sau này thay đổi tên gọi, điều chỉnh địa giới của xã Bình Phục hiện nay nhưng cốt cách can trường, mạnh mẽ trong đấu tranh; bản tính cần cù, giản dị, học hỏi trong lao động, thì tôi tin tưởng rằng trong mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân xã Bình Phục vẫn sẽ duy trì truyền thống, phẩm chất vốn có, giữ gìn sự đoàn kết để xây dựng quê hương ngày một phát triển.

Dịp này, lãnh đạo huyện Thăng Bình cùng cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Bình Phục đặt vòng hoa và viếng hương tại nghĩa trang liệt sĩ xã.